(Tin Môi Trường) - Nhu cầu điện của nước ta tăng lên rất nhanh nhưng: Điện chạy bằng than đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhân dân, không những thế khả năng sản xuất than trong nước chỉ có hạn, nên đã phải mua thêm than của nước ngoài và sẽ phải mua ngày càng nhiều hơn. Thủy điện không còn khả năng để phát triển thêm nhiều vì các thủy điện lớn và vừa đã xây dựng gần hết rồi. Điện chạy bằng khí đốt cũng chỉ phát triển đến một mức độ nào đó.
Tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP24), Germanwatch công bố bảng xếp hạng mới nhất của các quốc gia dựa trên chỉ số ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu hay mức độ mất mát mà từng quốc gia phải chịu do thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu.Trong bảng xếp hạng này Việt Nam đứng thứ 6 toàn cầu, đứng thứ 1 trong số các quốc gia ASEAN.
Vì vậy cần phải nhanh chóng phát triển điện chạy bằng năng lượng tái tạo và đây cũng đang là xu hướng chung trên thế giới để chống biến đổi khí hậu. Nhưng những loại điện này giá thành phát điện còn cao và mỗi loại điện đều có những nhược điểm của nó. Vì vậy ta cần đi sâu vào phân tích những nhược điểm đó và tìm cách để khắc phục.
Ảnh minh hoạ: IE
1. Nhược điểm của các loại điện chạy bằng năng lượng tái tạo chính:
1.1. Điện gió:
Điện không ổn định do gió khi mạnh khi yếu. Chỉ cần có một cơn giông là điện gió tăng vọt hẳn lên. Điện gió tăng tỷ lệ thuận với lập phương của tốc độ gió, thí dụ như tốc độ gió tăng gấp đôi thì điện gió tăng gấp 8 lần, tốc độ gió tăng gấp ba thì điện gió tăng gấp 27 lần,... Đặc biệt là khi ở vùng gần tâm bão tốc độ gió có thể lên đến hàng trăm km/giờ, khi ở trong tâm bão lặng gió, khi tâm bão vừa đi qua tốc độ gió lại tăng lên đến hàng trăm km/giờ, với tốc độ gió thay đổi nhanh chóng như vậy nếu không có biện pháp đặc biệt để ngăn chặn thì điện gió sẽ bị hư hỏng hoặc thay đổi rất khủng khiếp. Vì thế, Điện gió Bạc Liêu có hệ thống điều khiển tự gập cánh lại để tránh hư hỏng khi bão lớn.Nếu tỷ trọng điện gió khá lớn, khi có bão điện gió lớn tạm ngừng phát điện thì lấy đâu ra điện để bù vào?
Điện gió lớn có thể làm thay đổi dòng không khí, ảnh hưởng đến các loài chim di trú.
Nếu điện gió lớn đặt ở trên đất liền thì:
Tiếng ồn có thể ảnh hưởng đến các loài động vật hoặc con người sống gần nơi đặt các trạm năng lượng gió.
Có thể ảnh hưởng đến các trạm thu phát sóng điện thoại, truyền hình,…
Nếu điện gió lớn đặt ở xa ngoài biển thì:
- Đòi hỏi công nghệ rất cao, ta chưa tự làm được, vốn đầu tư rất lớn.
- Xa bờ, phải truyền điện vào bờ bằng cáp ngầm, mỗi lần muốn kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa,... phải đi ra bằng tàu thủy.
1.2. Điện mặt trời:
Điện mặt trời không ổn định do ngày có đêm không, khi nắng có khi mưa không, chỉ cần 1 đám mây bay qua là điện đã giảm hẳn đi. Điện mặt trời gắn trên mái nhà tận dụng được mái nhà chưa có gì trên đó nhưng điện mặt trời tập trung chiếm rất nhiều đất, thí dụ như: Điện mặt trời TTC Krông Pa ở Gia Lai cho sản lượng 103 triệu KWh/năm chiếm diện tích 70,23 ha, điện mặt trời Hồng Phong 4 ở Bình Thuận cho sản lượng 92 triệu KWh/năm chiếm diện tích 57,6 ha, điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 ở Bình Thuận cho sản lượng 83 triệu KWh/năm chiếm diện tích 60 ha,...
1.3. Điện sóng biển theo cách các nước đã làm:
Giá thành phát điện rất cao, không thể cạnh tranh được với các loại điện khác nên bây giờ người ta thường chỉ nói đến điện gió và điện mặt trời do:
Nhiều công trình phải xây dựng từ dưới đáy biển lên, vốn đầu tư rất lớn.
Nước biển có độ ăn mòn rất cao nhưng thiết bị điện sóng biển của nhiều nước nằm trong nước biển.
Nhiều công trình phải truyền điện vào bờ bằng cáp ngầm dưới biển.
Sử dụng những công nghệ rất hiện đại, phức tạp, khó sản xuất ở Việt Nam.
Tuy nhiên nếu làm được tốt thì điện sóng biển có ưu điểm là:
Các công trình thủy điện lớn và vừa của nước ta tập trung chủ yếu ở Bắc Bộ và Tây Nguyên. Mùa khô thủy điện không có nước bổ sung, rất cần có nguồn điện khác hỗ trợ. Khi đó là mùa gió đông bắc, sóng ở biển Đông mạnh nhất là vào mùa này nên điện sóng biển có thể hỗ trợ cho thủy điện và giúp cho thủy điện để dành nước cho phát điện vào cuối mùa khô.
Khi có bão thì điện gió phải ngừng hoạt động, điện mặt trời phát điện rất yếu nhưng khi đó sóng biển rất mạnh và điện sóng biển phát rất nhiều điện có thể bù cho 2 loại điện kia.
Độ cao của sóng ít biến động đột xuất vì sóng do gió sinh ra và phải qua quá trình tích lũy năng lượng thì sóng mới lớn dần lên. Gió đông bắc từ eo biển Đài Loan, Philippin đến vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau phải đi qua biển dài trên 2.000 km nên một cơn giông lớn trên biển cũng chỉ ảnh hưởng một phần đến độ cao của sóng biển. Khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới thì khi chúng còn ở xa cũng đã bắt đầu có ảnh hưởng đến độ cao sóng biển, sau đó sóng lớn dần lên nên cũng không có biến động đột xuất như điện gió và điện mặt trời.
2. Tạo nguồn năng lượng tái tạo mới hoàn toàn theo cách làm của Việt Nam:
2.1. Cách làm mới hoàn toàn Việt Nam dựa vào:
Có thể biến chuyển động nâng lên hạ xuống của phao thành chuyển động quay tròn theo một chiều nhất định để chạy máy phát điện rất đơn giản. Cách làm này đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích số 1396 về Cơ cấu biến đổi chuyển động với 3 phương án theo Quyết định số 36352/QĐ-SHTT ngày 20/06/2016.
Lợi dụng các vùng có đáy biển khá bằng phẳng do phù sa của các sông lắng xuống từ bao đời nay, khó có khả năng còn đá ngầm và không thuận lợi cho các loại san hô phát triển để làm điện chạy bằng năng lượng sóng biển theo cách hoàn toàn Việt Nam. Nhờ vậy không cần phải xây dựng từ dưới đáy biển lên, chỉ cần gắn ngay trên bờ các thanh thép dài 12 m vào các ống thép của cột chống thành từng cụm 4 cột chống để cắm dần từng cụm xuống biển, đoạn đường đi lại và đứng làm việc của công nhân trong cụm cũng được gắn ngay trên bờ, rồi gắn tiếp những thanh thép dài 12 m để nối các cụm đó lại với nhau thành khung đỡ dài với 3 hàng phao.Trong mỗi khung đỡ có 2 tầng liên kết, trong mỗi tầng thì các thanh liên kết tạo thành những tam giác đều nên khung đỡ rất vững chắc. Giá thành phát điện rẻ chính là nhờ việc làm này.
Dùng phao nửa nổi nửa chìm nên lực nâng lên lớn nhất, lực hạ xuống mạnh nhất của phao chỉ bằng trọng lượng của phao, trụ đứng giữa phao và thanh thép có răng gắn vào trụ đứng. Nhưng cái quan trọng nhất là giảm được công do phao sinh ra khi có sóng lớn theo công thức (h-a)2/h2 trong đó h là khoảng nâng lên hạ xuống của phao và a là nửa chiều cao của phao.
Khoảng nâng lên hạ xuống h của phao phụ thuộc vào độ cao sóng biển và tỷ lệ giữa đường kính phao và bước sóng, sóng càng lớn h càng gần với độ cao sóng biển, cách tính h như thế nào đã có trong mục 1.5 của bài vừa nêu.
Nhờ vậy khi có sóng rất mạnh thì điện sóng biển cũng không tăng mạnh lên như điện gió, cụ thể là khi dùng phao hình trụ tròn đường kính 6 m cao 2,6 m, nếu sóng cao gấp 2, gấp 3, gấp 4 hoặc gấp 5 mức bình thường là 2 m chẳng hạn thì công của phao chỉ cao gấp 2,27 lần, gấp 3,29 lần, gấp 4,34 lần hoặc gấp 5,26 lần, không tăng mạnh đến mức gấp 8 lần, gấp 27 lần, gấp 64 lần hoặc gấp 125 lần như điện gió nếu tốc độ gió tăng lên gấp gấp 2, gấp 3, gấp 4 hoặc gấp 5.
Vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau hội tụ được những điều kiện đặc biệt thuận lợi cho điện sóng biển, điện gió và điện mặt trời.
2.2. Cách làm đó có thể khắc phục được các nhược điểm của điện gió lớn, điện mặt trời tập trung và điện sóng biển theo cách các nước đã làm trước đây, cụ thể là:
Không phải xây dựng từ dưới đáy biển lên mà chỉ cần rải các hình chữ thập bằng bê tông cốt thép, 4 đầu có 4 đĩa hình tròn có lỗ tròn ở giữa xuống đáy biển cho thẳng hàng và tâm của các đĩa tròn ở các hình chữ thập cạnh nhau cách đều nhau 11,8 m, rồi cắm dần từng cụm 4 cột chống xuống đáy biển, sau đó kết nối chúng lại với nhau và công nhân hoàn toàn làm việc ở trên cao.
Không phải dùng cáp ngầm để truyền điện vào bờ như điện gió trên biển xa hoặc điện sóng biển các nước đã làm trước đây mà các đường dây dẫn điện hoàn toàn nằm trên khung đỡ. Trong các khung đỡ đều có đường ô tô bằng thép tấm cho xe con, xe nhỏ vận chuyển vật liệu điện, xe máy của công nhân đi làm việc,... chạy ra đến nơi xa nhất của khung đỡ.
Phần ngâm trong nước biển chỉ có chân các cột chống bằng ống bê tông dự ứng lực phía dưới gắn đinh mũ bằng bê tông cốt thép, hình chữ thập bằng bê tông cốt thép nằm phía dưới đinh mũ và các phao. Chỉ cần đĩa bê tông cốt thép có đường kính 2,8 m và hình chữ thập rộng 1 m thì áp lực xuống đáy biển của nó và các vật đè lên nó còn nhỏ hơn áp lực của nước biển xuống đáy biển ở độ sâu 5 m nên không sợ bị lún. Các bộ phận tạo nguồn lực để chạy máy phát điện và máy phát điện đều ở cao trên 11 m so với mực nước biển.
Không tốn đất để xây dựng như điện mặt trời tập trung.
Sử dụng những công nghệ rất bình thường nhiều nơi trong nước có thể làm được. Các máy phát điện một chiều chỉ là những máy có công suất dưới 100 KW.
Thủy điện là loại điện có giá thành phát điện thấp nhất nước ta hiện nay nhưng giá thành phát điện của điện sóng biển làm theo cách hoàn toàn Việt Nam trên vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau với hệ số an toàn rất cao và đã tính toán đến từng chi tiết cụ thể có khả năng rẻ hơn thủy điện.
Tầng liên kết trên của khung đỡ có thể gắn thêm điện gió nhỏ và điện mặt trời và giá thành phát điện của chúng sẽ rẻ hơn điện gió và điện mặt trời thông thường. Do chúng nằm rải trên một dãy dài nên cũng ít bị biến động hơn loại tập trung ở một chỗ.
2.3. Không những thế chúng còn có thêm những tác dụng sau:
2.3.1. Tính đa dạng sinh học sẽ được tăng thêm:
Với số lượng cột chống và phao dày đặc ở dưới khung đỡ thì các loài cá lớn rất khó bơi lội và kiếm ăn, nhưng các loài cá nhỏ và vừa thì vẫn dễ dàng hoạt động trong đó. Nó sẽ trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các loài cá nhỏ và vừa, số lượng cá sẽ tăng lên nhanh chóng. Những con cá khá lớn, lớn đến mức độ nào đó cũng sẽ thấy vùng đó chật hẹp, cần phải ra ngoài để bơi lội và kiếm ăn, vùng gần khung đỡ sẽ có nhiều cá hơn.
Thêm vào đó các ống nhỏ buộc ngay gần phía dưới ống bê tông dự ứng lực có khoan một số lỗ sẽ là nhà cho cá con trú ẩn vì khi đã bơi vào đây thì không loại sinh vật biển nào lớn hơn có thể chui vào được, như vậy số lượng cá nhỏ sẽ tăng lên nhanh chóng. Các phao sẽ trở thành nơi các loài lưỡng cư nằm nghỉ trên cạn và phơi nắng. Các thanh liên kết sẽ là nơi các loài chim đến đậu để nghỉ ngơi và kiếm ăn. Tính đa dạng sinh học sẽ được tăng thêm.
2.3.2. Giảm áp lực của sóng vào bờ biển:
Nước ta đã phải xây dựng nhiều công trình đê kè biển hoặc trồng rừng ngập mặn để chống xói lở bờ biển tốn rất nhiều tiền, nhưng việc làm cho sóng biển yếu bớt từ xa trước khi tác dụng vào vùng bờ biển còn chưa được làm. Nếu lợi dụng năng lượng sóng điện để chạy máy phát điện thì một phần năng lượng của sóng biển đã bị tiêu hao và áp lực của sóng biển vào vùng bờ biển cũng sẽ bị giảm bớt.
2.3.3 Lấn biển để nuôi trồng thủy sản, tạo nơi trú ẩn an toàn cho tàu thuyền đánh cá khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới:
Do biến đổi khí hậu làm cho mực nước biển ngày càng dâng lên cao hơn, khi mực nước biển dâng cao thêm 1 m thì gần 40% diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập chìm trong nước biển. Ta thử nghĩ xem nếu gần 40% đồng bằng sông Cửu Long bị ngập chìm trong nước biển thì những người dân ở đó sẽ đi đâu và cuộc sống của họ sẽ ra sao? Nếu mực nước biển cao thêm 1 m thì hơn 60% còn lại của đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị xâm nhập mặn như thế nào? Ngoài một vài chỗ có đồi núi ra, những chỗ khác có còn chỗ nào không bị xâm nhập mặn hay không?
Ở những chỗ bị xâm nhập mặn thì cây lúa có còn trồng được hay không? Nước dùng cho sinh hoạt của người dân ở những chỗ đó sẽ ra sao? Nước ta là nước đất chật người đông, với đà tăng dân số như hiện nay thì khi đó có lẽ đã lên tới trên 150 triệu người. Lương thực đâu để có thể nuôi sống được trên 150 triệu người đó? Vì vậy việc làm thế nào để cho đồng bằng sông Cửu Long giữ nguyên được diện tích đất như hiện nay và giải quyết được xâm nhập mặn là việc vô cùng quan trọng, nếu lấn được thêm ra biển lại càng tốt hơn.
Trên vùng biển Thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau, nếu ở nơi biển sâu khoảng 5 m có những đê bọc bê tông song song với hướng của đường bờ biển, mỗi đê dài khoảng hơn 9 km làm cho sóng tới và sóng phản xạ gặp nhau, sóng lại càng dữ dội hơn, điện lại càng được tăng thêm. Các đê đó được đặt ngay gần nhau, thí dụ như chúng chỉ cách nhau khoảng gần 1 km chẳng hạn để tàu đánh cá có lối ra vào thì sóng biển sau khi đi qua cửa này sẽ bị phân tán ra nhiều phía. Khi sóng đến bờ biển đối diện với cửa này thì chỉ còn là những sóng nhỏ, những nơi xa hơn sẽ không còn sóng để làm sạt lở bờ biển và đê kè biển nữa.
Như vậy vùng biển phía trong không còn sóng sẽ là nơi trú ẩn an toàn cho tàu thuyền đánh cá khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Do đó ta cũng không cần phải mất hàng nghìn tỷ đồng để đắp hàng chục km đê biển kiên cố ngăn nước biển dâng và chắn sóng mà có thể dùng số tiền đắp đê đó vào việc thuê các tàu hút cát để hút cát ở những nơi biển sâu khoảng 3 m đến 4 m phun vào những nơi biển nông hơn tạo thành vùng cát dài hình vòng cung lõm nổi cao hơn mực nước biển khoảng hơn 3 m so với khi thủy triều dâng lên đến mức cao nhất cho dân cư sinh sống, phía sau có thể tạo thành vùng nuôi trồng thủy sản.
2.3.4. Về an ninh, quốc phòng:
Tại nơi xa nhất của khung đỡ thẳng góc với hướng của đường bờ biển ở ngay cạnh đường biển cho tàu thuyền đánh cá qua lại có thể nối dài ra khoảng hai ba chục mét để xây dựng đồn cảnh sát biển hoặc đồn biên phòng. Từ đây có thể theo dõi được tàu thuyền qua lại trong phạm vi mấy chục km.
2.4. Tiềm năng của 3 loại điện chạy bằng năng lượng tái tạo trên vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau:
Tiềm năng này lớn tới 806,5 tỷ KWh gồm điện sóng biển 652,5 tỷ KWh, điện gió 118,4 tỷ KWh, điện mặt trời 35,6 tỷ KWh, vượt quá nhu cầu điện lớn nhất của cả nước năm 2030 là 632 tỷ KWh. Trong đó phần gần bờ không ngại gì dòng chảy biển là 33,1 tỷ KWh gồm điện sóng biển 27,1 tỷ KWh, điện gió 4,8 tỷ KWh, điện mặt trời 1,2 tỷ KWh, riêng phần điện sóng biển gần bờ đã lớn hơn sản lượng điện của tất cả các nhà máy thủy điện trên sông Đà cộng lại. Để cụ thể hơn xin xem bài: “3 loại điện chạy bằng năng lượng tái tạo cùng gắn trên 1 khung đỡ” trên Diễn đàn webdien.com và đặc biệt là trên Diễn đàn Kỹ sư Công trình biển đã có tới trên chục triệu lượt người xem
(http://offshore.vn/threads/3-loai-dien-chay-bang-nang-luong-tai-tao-cung-gan-tren-1-khung-do.9920/).
Xin lưu ý là hệ số an toàn khi tính sản lượng điện sóng biển làm theo cách hoàn toàn Việt Nam rất cao. Đó là do gió chỉ đập vào cánh quạt, không phải đập vào toàn bộ mặt quét của cánh quạt vì thế hệ số hoàn thiện C theo lý thuyết bằng 16/27 = 0,59, nhưng trên thực tế C của điện gió nằm vào khoảng 0,35. Khi tính thử sản lượng Điện gió Bạc Liêu với hệ số hoàn thiện C = 0,35 vẫn cho sản lượng điện cao hơn 320 triệu KWh/năm, nên phải giảm thêm 3,135% mới cho đúng sản lượng này, như vậy hệ số hoàn thiện kể cả bảo dưỡng, sửa chữa,... đã tính là C = 0,339. Khi tính sản lượng điện cho điện gió nhỏ có cánh dài 5 m cũng tính như Điện gió Bạc Liêu, sau đó lại giảm thêm 20% cho phù hợp hơn.
Điện sóng biển làm theo cách hoàn toàn Việt Nam cũng phải có lực để quay máy phát điện như điện gió nên đã học theo cách tính của điện gió, sau khi tính được công suất cơ và trừ phần hao hụt do ma sát rồi, không nhân với với hệ số hoàn thiện C = 0,59 mà chỉ tính C = 0,339, sau đó lại giảm thêm 20% như điện gió nhỏ nên hệ số dự phòng cho an toàn của sản lượng điện sóng biển làm theo cách hoàn toàn Việt Nam rất cao.
Không những thế trong bài: “Đập xà lan và máy thủy điện củ hành trục ngang 4SV3FB trên sông Thao” đăng trong mục Khoa học & công nghệ trên trang Web vncold.vn của Hội Đập lớn và Phát triển Nguồn nước Việt Nam, Tiến sĩ Vĩnh Phong – Kỹ sư cao cấp về tuabin của Tập đoàn ALSTOM (Pháp) có đoạn viết: “Với 1000m3/s và cột nước tối đa 5mwc (meter of water column) và hiệu suất khoảng 75%: công suất tối đa ước tính là 30MW”.
Từ đó, tôi tính được công suất của cột nước là 1.000x9,8x5=49.000 KW=49 MW. Lấy 30 MW chia cho số đó ta được hệ số chuyển đổi từ năng lượng nước chảy với áp lực cao sang điện là 30/49=0,6122. Nhưng tôi vẫn tính C = 0,339, sau đó lại giảm thêm 20% là do với cách tính này cũng đã cho sản lượng điện rất lớn và giá thành phát điện cũng đã có khả năng rẻ hơn thủy điện rồi.
Không những thế phương pháp tính này đã được xây dựng thành chương trình tự động tính toán và được đưa tất cả vào 1 file 3ldsgmt.xls nên rất dễ sử dụng và đến ngày 30/11/2018 đã cập nhật được số liệu của 1.142 bản tin dự báo sóng biển của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương. Những tham số có thể thay đổi được đều bôi màu xanh lá cây. Chương trình này không chỉ giới hạn cho phao cao nhất cao 2,6 m và phao thấp nhất cao 1,6 m mà còn có thể dùng cho các phao hình trụ tròn đường kính 6 m khác, thí dụ như muốn có phao cao nhất là 2 m chẳng hạn, chỉ cần gõ 2 vào ô K3 có màu xanh lá cây trong sheet Khungngang thì các phao có chiều cao thấp hơn: 1,9 m, 1,8 m,... rồi đến phao thấp nhất là 1 m sẽ hiện ra trong sheet Khungdoc1 để sẵn sàng tính toán khi nhấn phím điều khiển trong sheet Khungdoc.
Nếu nhấn phím Nhiều loại phao sẽ được tính toán đến phao thấp nhất là 1 m, nếu nhấn phím Ít loại phao sẽ được tính toán đến phao thấp nhất là 1,2 m. Mặc dù phải tính cho từng bản tin dự báo sóng biển nhưng sau khi bổ sung thêm dữ liệu trong các bản tin dự báo sóng biển mới thu thập được, sửa lại các tham số hoặc chiều cao phao trong các ô màu xanh lá cây, chỉ cần nhấn phím điều khiển để chạy chương trình khoảng 6 giây là có ngay các kết quả tính toán mới nằm trong 19 biểu.
3. Khó khăn trong việc triển khai thực hiện:
Điện gió và điện mặt trời đắt hơn điện chạy than, nhưng nhiều nước đã làm nên ta chỉ việc làm theo cách họ đã làm hoặc cho họ đầu tư vào để làm, giá điện cao thì Nhà nước phải nâng giá điện và dân phải chịu. Còn điện sóng biển làm theo cách hoàn toàn Việt Nam giá thành phát điện có khả năng rẻ hơn thủy điện là loại điện có giá thành phát điện thấp nhất ở nước ta hiện nay tuy đã được trên chục triệu lượt người xem, nhưng khó là chưa có thử nghiệm vì muốn thử nghiệm phải đưa 1 khung đỡ 4 cột chống nặng khoảng trên 40 tấn ra nơi biển sâu 5 m để cắm xuống đáy biển đã phải dùng sà lan tự hành lớn có cần trục lớn để nhấc khung đỡ lên và thả xuống biển. Khi thử nghiệm thành công thì mới có người làm theo. Vậy ai sẽ là người phải tự bỏ tiền ra để làm việc thử nghiệm đó?
Để việc thử nghiệm dễ làm hơn nên làm thử nghiệm ở nơi biển sâu khoảng 5 m, xa các cửa sông trên vùng biển từ Bến Tre đến Bạc Liêu vì ở đó dòng chảy biển và dòng chảy sông chưa tác động nhiều đến các phao. Nên làm thử với phao nửa nổi nửa chìm hình trụ tròn đường kính 6 m cao 1,6 m trước để xem ngoài lực tác động do mặt sóng nghiêng còn có lực nào khác tác động vào phao nữa hay không? Nếu có thì lực đó là bao nhiêu? Khi ta giảm độ cao của phao từ 2,6 m xuống còn 1,6 m thì các lực tác động vào phao chỉ còn bằng: 1,6x100/2,6 = 61,54% so với khi phao cao 2,6 m nhưng sản lượng điện vẫn còn bằng 73,5% như trong biểu sau:
Các tỷ lệ hàng tháng ở 2 hàng cuối cùng khác nhau do sóng càng lớn càng bị giảm nhiều năng lượng hơn.
Từ đó ta có thể dự đoán được việc dùng phao cao 2,6 m có được hay không để lắp thử vào, rồi tiến hành làm hàng loạt. Nếu thấy sóng đi qua 3 hàng phao vẫn còn rất mạnh thì có thể lắp thêm hàng khung đỡ có 3 cột chống ở phía trước rồi kết nối chúng lại thành khung đỡ có 5 hàng phao. Nếu thấy sóng đi qua 5 hàng phao vẫn còn rất mạnh thì có thể lắp thêm hàng khung đỡ có 3 cột chống ở phía sau rồi kết nối chúng lại thành khung đỡ có 7 hàng phao.
Đối với phao cao 1,6 m có thể đưa ra thử nghiệm ở những nơi xa hơn trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau xem tác dụng của dòng chảy biển ra sao để tiếp tục lắp thêm các khung đỡ song song với hướng của đường bờ biển ở ngoài xa hơn. Nên chú ý là dòng chảy biển gần bờ thường song song với hướng của đường bờ biển, khi có càng nhiều khung đỡ thì tốc độ của dòng chảy biển gần bờ càng chậm hơn do ngoài việc bị ma sát với bờ biển nông còn bị các phao và các chân chống của khung đỡ cản lại.
Trong bài: “3 loại điện chạy bằng năng lượng tái tạo cùng gắn trên 1 khung đỡ” tôi mới tính toán phương án dùng 30 khung đỡ thẳng góc với hướng của đường bờ biển ở phía ngoài để kết nối với khung đỡ song song với hướng của đường bờ biển. Trong bài đó để đối phó với dòng chảy biển càng ra ngoài biển xa càng mạnh hơn, tôi đã dùng khung đỡ hình lượn sóng và các phao càng ra ngoài biển xa càng thấp dần. Tôi sẽ tính thêm phương án mới chỉ toàn sử dụng các khung đỡ song song với hướng của đường bờ biển, nhưng khi ra ngoài biển xa dùng phao thấp hơn và trong khung đỡ có nhiều loại phao, các phao ở 2 bên thấp hơn các phao ở giữa để đối phó với dòng chảy biển. Sau khi tính xong tôi sẽ đưa lên cả 2 Diễn đàn như bài trước.
Do khi tính toán đã có hệ số an toàn rất cao nên nếu sản lượng điện cao hơn số liệu tính toán nhiều và giá thành phát điện rẻ hơn thủy điện nhiều thì sau khi làm xong những khung đỡ song song với hướng của đường bờ biển ở ngay gần bờ trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có thể tiến hành làm trên vùng biển từ Thái Bình đến gần hết tỉnh Hà Tĩnh vì tuy sóng biển nhỏ hơn nhưng đáy biển gần bờ vùng biển này lắng đọng phù sa của hệ thống sông Hồng, sông Mã, sông Cả,... từ bao đời nay và vùng dòng chảy biển chậm bao chiếm toàn bộ vùng biển này.
Sau đó tiếp tục triển khai ra các vùng biển khác từ nam Hà Tĩnh đến Ninh Thuận. Lưu ý là vùng biển từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có đáy biển dốc nhất và có dòng chảy biển mạnh nhất so với tất cả các vùng biển gần bờ ở nước ta, nên ở đó chỉ nên tìm chỗ thích hợp để làm khung đỡ song song với hướng của đường bờ biển ở ngay gần bờ mà thôi.
4. Kết luận:
Điện gió và điện mặt trời đắt hơn những loại điện nước ta đang dùng hiện nay và có những nhược điểm như đã trình bày trong phần 1, nhưng nhiều nước đã làm nên ta chỉ việc làm những công trình nhỏ theo cách họ đã làm hoặc cho họ đầu tư vào để làm những công trình lớn, giá điện cao thì Nhà nước phải nâng giá điện, các sản phẩm khác sẽ bị nâng giá theo, sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ bị suy giảm và dân ta phải chịu. Còn điện sóng biển làm theo cách hoàn toàn Việt Nam giá thành phát điện có khả năng rẻ hơn thủy điện là loại điện có giá thành phát điện thấp nhất ở nước ta hiện nay, có nhiều ưu điểm như đã trình bày ở các phần trên và ta có thể tự làm một cách dễ dàng, tuy đã được trên chục triệu lượt người xem, nhưng khó là chưa có thử nghiệm. Khi thử nghiệm thành công thì mới có người làm theo. Vậy ta nên đi theo hướng nào?
Kính mong Đảng, Nhà nước và ngành điện quan tâm đến vấn đề này để nước ta vừa có nhiều điện với giá thành rẻ, không phụ thuộc vào nước ngoài đồng thời thúc đẩy những ngành có liên quan như cơ khí, sản xuất máy phát điện một chiều dưới 100 KW, sản xuất ống bê tông dự ứng lực,... phát triển mạnh theo.