(Tin Môi Trường) - Ngày 28/12/2018 tại Hà Nội đã diễn ra Chương trình “Doanh nghiệp, thương hiệu công nghệ xanh Việt Nam”, với sự có mặt của đông đảo các doanh nghiệp trong cả nước. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đến dự và phát biểu chỉ đạo chương trình.
Quang cảnh Chương trình “Doanh nghiệp, thương hiệu công nghệ xanh Việt Nam” năm 2018
Chương trình “Doanh nghiệp, thương hiệu công nghệ xanh Việt Nam” lần thứ IV – 2018 được tổ chức nhằm truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất, kinh doanh bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên vì mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia. Đồng thời, Chương trình cũng là dịp để các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, môi trường trong và ngoài nước chia sẻ, thảo luận để có hướng đi phù hợp trong việc xây dựng thương hiệu Việt xanh bền vững và tâm thế sẵn sàng trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời kiến nghị với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng những vướng mắc về cơ chế trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng và đầu tư công nghệ mới. Đặc biệt là khó khăn trong tìm kiếm nguồn vốn ưu đãi, chính sách và hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là tiêu thụ sản phẩm xanh.
Tại đây, một số doanh nghiệp đã chia sẻ những giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường như: Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hoà Bình đã giới thiệu về Công nghệ xây dựng mới tiết kiệm năng lượng, hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường hay Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà đưa ra "Giải pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho công trình"; Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam trình bày tham luận về vấn đề xử lý rác thải tại Việt Nam; Công ty TNHH Quản lý Toà nhà Việt (VietBuilding) lại có "Giải pháp quản lý vận hành các toà nhà tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường"…
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, đồng bộ, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật cũng như các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ luôn được chú trọng rà soát, đơn giản hóa theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển và người dân hưởng lợi. Đã đến lúc cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam muốn tồn tại và phát triển phải tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn, là lợi thế của Việt Nam; đồng thời chuyển hướng sang các mô hình phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế các bon thấp. Doanh nghiệp cần thể hiện vai trò tiên phong, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường; xây dựng được các hệ thống quan trắc, giám sát nước thải, khí thải hiện đại; đầu tư các hệ thống dự báo, cảnh báo tác động của môi trường đến cộng đồng xung quanh,... chính là cách vừa khẳng định được thương hiệu của doanh nghiệp; đồng thời vừa đóng góp quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường.
Những đòi hỏi ngày càng cao về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ mang đến những thách thức mà còn có nhiều cơ hội cho khu vực doanh nghiệp Việt Nam. Đó là, doanh nghiệp cần phải thay đổi nhận thức, thay đổi mô hình hoạt động sản xuất, gắn sản xuất, kinh doanh với tiêu dùng xanh; xây dựng văn hóa các-bon thấp, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và hài hoà với môi trường. Đây là thời điểm để chúng ta thay đổi mô hình tăng trưởng hiện tại, xây dựng mô hình tăng trưởng xanh nhằm đạt được sự phát triển nhanh và bền vững.
Đồng thời, tận dụng các cơ hội về liên kết khu vực, hợp tác giữa các quốc gia trong phát triển, chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường, giảm phát thải khí nhà kính thông qua sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm dần, tiến tới xóa bỏ việc sử dụng năng lượng hóa thạch. Đặc biệt, các doanh nghiệp có thể đa dạng hoá các hình thức thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua việc cải tiến công nghệ, giảm phát thải cũng như tiếp cận nguồn lực từ các quỹ đầu tư xanh. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tham gia nhiều hơn và sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời góp phần giải quyết các mối đe dọa an ninh toàn cầu, khu vực và quốc gia do suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên và biến đổi khí hậu gây ra - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói!.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân trao Bằng chứng nhận cho đại diện một số doanh nghiệp xanh
Thay mặt lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng chuyển thông điệp tới các doanh nghiệp có mặt tại buổi lễ về những nhiệm vụ trong thời gian tới: Quán triệt, thực hiện đúng và đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BVMT và phát triển bền vững; Thay đổi tư duy về BVMT từ chỉ ưu tiên phát triển kinh tế, không chú trọng yêu cầu BVMT sang tiếp cận một cách hệ thống, quản lý môi trường mang tính chất tiếp cận liên vùng và tư duy của nền kinh tế thị trường; Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BVMT, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung, bám sát thực tế và theo kịp tiến trình phát triển, hội nhập quốc tế, đồng thời ban hành hệ thống tiêu chí sàng lọc các dự án đầu tư, cơ chế, chính sách về thuế, phí, giá dịch vụ môi trường; Kiện toàn và tăng cường nhân lực, năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về BVMT từ Trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ BVMT ngày càng lớn, phức tạp;
Thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về BVMT, kết nối hệ thống giữa Trung ương với địa phương, rà soát, thực hiện phân công, phân cấp hợp lý trong quản lý nhà nước về BVMT; Giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, đặc biệt là thực hiện quy hoạch BVMT với cách tiếp cận có tính liên vùng, phục vụ tái cơ cấu kinh tế; Tập trung rà soát, khoanh vùng các đối tượng chính tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; Tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho BVMT; Rà soát, xem xét điều chỉnh các cơ chế tài chính trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền; trả đúng và trả đủ”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả” theo cơ chế thị trường; Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đảm bảo việc tuân thủ quy định về BVMT của các tổ chức, doanh nghiệp, nhất là những nhà máy có nguồn thải lớn ra sông, biển; Hình thành diễn đàn đối thoại thường xuyên giữa các cơ quan quản lý môi trường với cộng đồng doanh nghiệp về trách nhiệm và nghĩa vụ BVMT, huy động sự tham gia BVMT của toàn xã hội, người dân.
Kết thúc buổi lễ, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã trao Bằng Chứng nhận cho đại diện các doanh nghiệp điển hình trong việc thực hiện nghiêm túc trong công tác bảo vệ môi trường trong doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp điển hình như: Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hoà Bình; Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà; Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam; Công ty TNHH Quản lý Toà nhà Việt…
Hi vọng, với những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp mà thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng, ngành TN&MT nói chung đang thực hiện; đồng thời với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để phát triển kinh tế xanh bền vững, tạo ra không gian kinh tế công bằng cả về cơ chế, chính sách và cơ hội tiếp cận các nguồn lực cho tất cả các thành phần kinh tế.