Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Sụt lún đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Thực trạng và giải pháp ứng phó
(15:44:03 PM 28/12/2018)
(Tin Môi Trường) - Sáng 28/12, tại Hà Nội, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo khoa học “Sụt lún đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Thực trạng và giải pháp ứng phó”, góp phần đưa ra kết quả nghiên cứu khoa học về sụt lún đất ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp thích ứng tiếp theo.
Ảnh: IE
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển và sụt lún đang là những thách thức lớn đối với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long... Do vậy, cần có những biện pháp kịp thời để hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong quản lý tài nguyên nước, đảm bảo phát triển bền vững tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thạc sỹ Nguyễn Thạc Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết: Thời gian qua, tình trạng khai thác nước ngầm và đô thị hóa đã làm cho khu vực này đang bị sụt lún nghiêm trọng. Theo thống kê, trong 25 năm qua, tốc độ sụt lún đất trung bình của Đồng bằng sông Cửu Long là 18cm/năm, có những điểm trên 30cm/năm và chưa có dấu hiệu dừng lại, từ khu vực nông thôn đến thành thị, đang là những nơi gánh chịu hậu quả của tình trạng sụt lún này.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản đã chia sẻ những nguyên nhân chính gây ra sụt lún đất, đồng thời đưa ra một số kết quả ứng dụng công nghệ như: Ra đa vệ tinh, phương pháp trắc địa trong theo dõi lún bề mặt đất ở Việt Nam; công nghệ Insar trong giám sát biến động bề mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh; tính toán thành phần lún theo tài liệu địa chất thủy văn - địa chất công trình ở Thành phố Hồ Chí Minh...
Đặc biệt, đối với phương pháp ra-đa giao thoa từ dữ liệu ra-đa vệ tinh có nhiều ưu điểm như: Có thể quan trắc trên vùng rộng; không đòi hỏi nhiều về cơ sở hạ tầng; hạn chế sai số do chủ quan; tiết kiệm thời gian trong xử lý số liệu; rất hiệu quả đối với quan trắc lún khu vực đô thị...
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cùng thảo luận và đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và giải pháp thích ứng ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó nhấn mạnh các giải pháp: Thay thế khai thác nước ngầm, điều tra lại hiện trạng khai thác nước dưới đất, tiếp tục ứng dụng kết quả quan trắc kết hợp các phương pháp tính toán khác... góp phần nghiên cứu, điều tra, đánh giá địa chất thủy văn, địa chất công trình ở Đồng bằng sông Cửu Long hiệu quả hơn.