Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Xây dựng Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường

(10:40:17 AM 28/12/2018)
(Tin Môi Trường) - Quan trắc phóng xạ môi trường nhằm bảo đảm kịp thời phát hiện mọi diễn biến bất thường về bức xạ trên lãnh thổ Việt Nam, hỗ trợ việc chủ động ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân; cung cấp cơ sở dữ liệu về phóng xạ môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.

Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam Nguyễn Hào Quang cho biết: Viện đang từng bước xây dựng Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia theo kế hoạch. Viện sẽ đầu tư lắp đặt thêm 5 thiết bị đo suất liều bức xạ gamma trực tuyến đặt tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Đà Nẵng trong dự án tăng cường trang thiết bị 2018-2019; chuẩn hóa cơ sở dữ liệu phóng xạ môi trường, các quy trình phân tích theo tiêu chuẩn Việt Nam; tiếp tục thực hiện các chương trình quan trắc phóng xạ trên đất liền và trong môi trường biển.

 

Dự kiến, Viện sẽ thực hiện xây dựng mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia giai đoạn 1 gồm: Trung tâm điều hành quốc gia, các trạm vùng Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt và 4 trạm địa phương ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định.

 

Xây dựng Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường

Ảnh TL: IE

 

Hiện nay, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam có một số phòng thí nghiệm đã được công nhận là phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025; xác định được nền phông phóng xạ nhân tạo 137Cs, 239+240Pu; nền phông phóng xạ tự nhiên 238U, 232Th và 40K trong đất bề mặt của Việt Nam. Viện đã nghiên cứu phát triển nhiều phương pháp phân tích, quan trắc các nhân phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên và nhân tạo trên nhiều đối tượng mẫu đất, trầm tích, nước, khí, lương thực thực phẩm...
 
Bước đầu, Viện đã xây dựng được bộ dữ liệu phóng xạ môi trường trong các đối tượng nước, không khí, đất, lương thực và thực phẩm; làm chủ một số phần mềm cho phép đánh giá phát tán chất phóng xạ trong môi trường khí. Các dữ liệu đo thường xuyên được truyền về Trung tâm điều hành mạng lưới đặt tại Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân.
 
Phó Viện trưởng Nguyễn Hào Quang cho rằng: Cần có nguồn kinh phí đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục của các trạm quan trắc phóng xạ môi trường trực tuyến hiện có đáp ứng chuẩn mực khu vực và quốc tế; mở rộng thêm số điểm quan trắc và tần suất quan trắc tại vùng biên giới, vùng biển hải đảo phía Bắc để kịp thời cảnh báo các lan truyền từ ngoài biên giới. Theo đó, Viện đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt nhiệm vụ “Tăng cường quan trắc và cảnh báo kịp thời tình trạng phóng xạ trong môi trường khu vực phía Bắc Việt Nam”; sớm xây dựng bổ sung một số định mức kinh tế kỹ thuật cho các đồng vị phóng xạ nhân tạo quan trọng; xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn kỹ thuật cho các cấp trạm thuộc mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia.
 
Trong khi chưa hoàn thiện mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cho phép lắp đặt một số thiết bị quan trắc suất liều bức xạ trực tuyến tại một số trạm quan trắc khí tượng thuộc Tổng cục Khí tượng thủy văn và cung cấp dữ liệu khí tượng tại các trạm quan trắc này.
Minh Nguyệt