(Tin Môi Trường) - Việc lựa chọn chủ đầu tư trong thời gian ngắn, hồ sơ chứng minh năng lực chưa đầy đủ tại dự án bãi rác Đa Phước đã dẫn tới nhiều hệ lụy, trong đó phải kể đến khoản tiền 9 triệu USD mà Thành phố Hồ Chí Minh ứng trước cho Công ty California Waste Solution (Công ty CWS) để làm hạ tầng.
>>Bất cập đầu tư xử lý rác tại Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều ưu ái khó hiểu
Tại Công văn giải trình ngày 22/3/2005, ông David Dương, người sáng lập, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty California Waste Solution cho biết, Ngân hàng East West cam kết cho Công ty CWS của ông vay hơn 30 triệu USD giai đoạn 1 và 60 triệu USD giai đoạn 2, trong đó hơn 10 triệu USD sẵn sàng giải ngân. Thế nhưng vào tháng 9/2005, ông David Dương lại kể khó trước UBND Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình tài chính để xin thành phố ứng trước 9 triệu USD làm cầu.
Bãi rác Đa Phước -Ảnh: IE
Trong Công văn ngày 1/8/2005 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh lý giải về việc thành phố ứng trước 9 triệu USD cho Công ty VWS như sau: Thực chất, khoản 9 triệu USD ứng trước sẽ làm giảm chi phí của dự án xuống khoảng 13,5 triệu USD, từ đó giảm đơn giá xử lý rác từ 16,96 USD/tấn xuống còn 16,4 USD/tấn. Mặt khác, nhà đầu tư chấp nhận nguyên tắc do UBND thành phố đề ra. 9 triệu USD này chỉ dùng vào xây lắp các công trình kết cấu hạ tầng của dự án và sẽ được giải ngân theo lịch trình thỏa thuận giữa thành phố và chủ đầu tư dựa trên tiến độ thực hiện các công trình kết cấu hạ tầng. Đây có thể được xem như khoản đầu tư cần thiết cho hạ tầng kỹ thuật của dự án, thành phố sẽ tiết kiệm ngân sách khoảng 4,5 triệu USD.
Điều lạ lùng là tại Công văn giải trình trước đó vào ngày 22/3/2005, ông David Dương cho rằng, việc thành phố cho Công ty CWS ứng trước 9 triệu USD là điều kiện tiên quyết để chủ đầu tư có thể nhận được sự chấp thuận của Ngân hàng East West dành khoản vốn tín dụng cho toàn bộ đầu tư cần thiết của dự án. Điều này không khác gì việc, 9 triệu USD mà thành phố ứng trước cho Công ty CWS như khoản tiền “bảo lãnh”, “làm tin” để Công ty CWS được vay tiền từ Ngân hàng East West triển khai dự án bãi rác Đa Phước (!).
Trong khi đó, tại Công văn số 33/UBND-ĐTMT-M ngày 26/1/2010 gửi Kiểm toán Nhà nước, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, 9 triệu USD là “chi phí xử lý rác trả trước cho nhà đầu tư”, giúp thành phố giảm được đơn giá xử lý rác từ 17,7 USD/tấn xuống còn 16,4 USD/tấn, không phải là “khoản tạm ứng xây dựng cơ bản cho nhà đầu tư nước ngoài” mà phía Kiểm toán Nhà nước đưa ra.
Trái với quan điểm này, Báo cáo bổ sung số 809/BC-TTCP ngày 28/5/2018 của Thanh tra Chính phủ liên quan đến bãi rác Đa Phước cho biết: Bộ Tài chính khẳng định, việc ứng trước 9 triệu USD cho Công ty VWS là không cần thiết, không đúng Luật Ngân sách Nhà nước, không phù hợp với thực tế. Ngoài ra, là nguyên nhân quan trọng để Công ty VWS đạt được lợi nhuận lớn so với doanh thu, với vốn chủ sở hữu.
Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức có liên quan của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư vấn để đàm phán, báo cáo UBND thành phố quyết định về việc ký hợp đồng, đơn giá xử lý rác 16,4 USD/tấn và việc ứng trước 9 triệu USD.
Đồng ý với kiến nghị này, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính nêu thêm về vai trò của lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các cá nhân chịu trách nhiệm trong xử lý vụ việc nói trên.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc UBND Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư xử lý chất thải rắn tại Đa Phước là đúng và cần thiết. Tuy nhiên, khi triển khai, việc tính toán xác định đơn giá xử lý rác thải rắn, ký hợp đồng giao nhận và xử lý rác còn có những tồn tại, vi phạm như việc ứng trước 9 triệu USD cho nhà đầu tư.
Ngày 3/7/2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 6250/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình liên quan đến bãi rác Đa Phước. Riêng việc ứng trước 9 triệu USD của UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho Công ty CWS, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và UBND Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất quan điểm có hay không việc cố ý làm trái quy định pháp luật, vi phạm Luật Ngân sách nhà nước, kiến nghị biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.