Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thanh Hóa: Gian nan việc xử lý rác thải ở khu vực nông thôn, miền núi

(17:04:07 PM 20/12/2018)
(Tin Môi Trường) - Xử lý rác thải ở khu vực nông thôn, miền núi đang là một trong những vấn đề nan giải của tỉnh Thanh Hóa. Nguyên nhân của thực trạng này là do việc thiêu hủy rác tại các địa phương trong tỉnh còn gặp khó khăn do không có nguồn vốn. Một số huyện còn không có lò đốt rác, phương pháp xử lý rác thải chủ yếu là tập kết rồi chôn lấp hoặc đốt.

Bãi rác ở thôn Quan Bằng, xã Cẩm Vân, huyện Cẩn Thủy có từ năm 2007. Hiện nay, mỗi tháng xã Cẩm Vân chỉ thực hiện chôn rác một lần do nhiều năm nay xã không có kinh phí để xây lò đốt rác. Ông Nguyễn Phương, thôn Quan Bằng, xã Cẩm Vân cho biết, ông sống đây từ lâu, bãi rác này cách khu dân cư khoảng 400 mét. Ông cảm thấy rất lo lắng khi bãi rác này có mùi hôi, thối; mong muốn chính quyền sẽ chuyển bãi rác này đi hoặc xây dựng lò đốt rác để hạn chế ô nhiễm nguồn nước, đồng ruộng và cuộc sống của người dân.

 

Thanh Hóa: Gian nan việc xử lý rác thải ở khu vực nông thôn, miền núi
Rác thải “bủa vây” con đường liên thôn ở địa phận xã Thanh Sơn -Ảnh: IE
 
Đối với việc xử lý rác ở bãi rác thị trấn Cẩm Thủy, huyện Cẩm Thủy đã thuê xí nghiệp giao thông xây dựng thu gom rác rồi xử lý tại bãi tập kết, một số xã cũng giao cho hợp tác xã thu gom mang đi xử lý. Tuy nhiên do không có lò đốt rác, việc xử lý rác thải vẫn gặp khó khăn.
 
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Thủy,  địa bàn huyện có một bãi rác lớn nằm ở thị trấn  của huyện, phục vụ xử lý rác của người dân xã Cẩm Phong, Cẩm Sơn, thị trấn Cẩm Thủy và các bãi tập kết rác nhỏ thuộc 10 xã. Để xử lý rác thải hợp vệ sinh, huyện đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn báo cáo thực trạng, khối lượng rác để huyện cấp kinh phí mua chế phẩm sinh học, thuê nhân công để xử lý rác. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, huyện mong các doanh nghiệp, cá nhân vào đầu tư, xây dựng các lò đốt rác, hiện đã có doanh nghiệp xin đầu tư, xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại địa bàn và đã được tỉnh đồng ý.
 
Không chỉ huyện Cẩm Thủy, huyện Thiệu Hóa cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự khi không có lò đốt rác. 28 xã, thị trấn của huyện đang sử dụng dụng bãi tập kết rác thải riêng nhưng lại không có lò đốt rác. Đối với chất thải rắn, một số xã đã thuê Công ty môi trường đô thị, hợp tác xã dịch vụ thu gom rồi đem đi xử lý với giá 520.000 đồng/tấn, phí vệ sinh là 15.000-35.000 đồng/ hộ, một số xã thu 3.000 đồng/khẩu. Tuy nhiên, phương thức xử lý rác vẫn chỉ là chôn lấp và đốt thủ công.
 
Tại bãi rác thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, cứ vài ngày công nhân các hợp tác xã dịch vụ lại chở đến những xe rác bốc mùi hôi thối làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vạn Hà La Đình Khanh cho biết, do địa phương chưa có lò đốt rác, UBND thị trấn đã ký hợp đồng với một số hợp tác xã thu gom rồi xử lý rác, trung bình một ngày công nhân thu gom khoảng 6, 7 tấn rác, hình thức xử lý là chôn lấp và đốt. Riêng rác thải nguy hại sẽ được cho vào bể ngầm rồi đưa đi xử lý.
 
Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thiệu Hóa cho biết, mong muốn của chính quyền và người dân là có lò đốt rác thải tại 5 cụm, nhưng kinh phí không có. Trong khi đó, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư lò đốt rác cũng rất khó bởi quy mô xây dựng lò đốt rác công nghệ cao khá lớn. Vì vậy, huyện mong muốn cấp trên đầu tư thêm kinh phí xử lý rác thải.
 
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho thấy, trên địa bàn có 23 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh và 21 lò đốt xử lý chất thải rắn. Việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ đốt đã làm giảm mùi, vi khuẩn gây bệnh, tuy nhiên vẫn còn khó khăn tại các huyện miền núi do địa bàn rộng, dân cư phân bố không đều nên ảnh hưởng đến công tác xử lý rác.
 
Trong khi đó, nhiều bãi chôn lấp vận hành không đúng kỹ thuật, rác thu gom không đổ đúng vị trí, không sử dụng hoá chất diệt côn trùng dẫn đến phát sinh ruồi muỗi, mùi hôi thối. Một số khu xử lý chất thải rắn không xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác làm nước tự bốc hơi và thấm vào lòng đất. Việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư tại các huyện miền núi đang còn khó khăn do dân cư phân bố không đều, khối lượng rác ít nên dẫn đến đầu tư không hiệu quả.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa) cho biết, để xử lý có hiệu quả rác thải trên địa bàn trong thời gian tới, Sở sẽ điều chỉnh bổ sung quy hoạch, xử lý chất thải bằng các công nghệ hiện đại như tái chế, sản xuất điện năng, phân bón từ rác thải, giảm các khu xử lý rác có công suất nhỏ. Sở khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ bảo vệ môi trường, đặc biệt là thu gom, tái chế và xử lý chất thải rắn; đồng thời phát động các phong trào quần chúng giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, phân loại rác tại nguồn.
 
Đối với các bãi rác hiện có trên địa bàn các huyện, Sở sẽ xây dựng lộ trình đóng cửa bãi chôn lấp, trước mắt sẽ đề nghị UBND các huyện yêu cầu các đơn vị quản lý thực hiện đúng quy trình chôn lấp hợp vệ sinh, sử dụng các chế phẩm vi sinh để hạn chế phát sinh ruồi muỗi, côn trùng.
 
Được biết, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn giai đoạn 2016-2021 nhằm hỗ trợ chủ đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ hỗn hợp và công nghệ đốt được cơ quan thẩm quyền thẩm định, mức kinh phí hỗ trợ là 320.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, về lâu dài, Thanh Hóa cần đầu tư thêm các khu xử lý rác công nghệ mới nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.
Nguyễn Nam -TTXVN