Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Có lẽ, trong các hình thức tuyên truyền bảo vệ môi trường, đây là hình thức ít “động não” nhất, vì dễ “đạo văn”, “có sẵn”… Số lượng băng rôn, biểu ngữ nhiều vô kể, nhưng hiệu quả lại ít, rất ít. (Ảnh: Băng rôn có tên của đơn vị xả bẩn treo ở Quảng Ngãi)
Một lần, tôi đi qua một doanh nghiệp sản xuất lốp ô tô ở thành phố Đà Nẵng, trong khuôn viên xí nghiệp treo câu khẩu hiệu “Bảo vệ môi trường hay là chết!”. Mới đầu cũng thấy “choáng” vì chưa bao giờ thấy câu khẩu hiệu như thế này mà chỉ quen “nạp” những câu, chữ tuyên truyền bảo vệ môi trường đầy chất thơ và văn hơn. Ngẫm nghĩ thấy nó hay và thực tế, chỉ có từ “chết” mới lột tả được hậu quả nếu doanh nghiệp không chấp hành pháp luật môi trường và cũng chỉ từ “chết” mới có sự tác động đến ý thức của con người một cách mạnh mẽ nhất. Đó là mục đích cuối cùng của tuyên truyền.
Mỗi ngành, lĩnh vực có mục tiêu, đối tượng do đó nội dung và hình thức tuyên truyền hướng khác nhau. Chẳng hạn, đối với biểu ngữ băng rôn mang tính chính trị, cổ động của Đảng và nhà nước, thì mục tiêu chính là mang tính định hướng ý thức, tư tưởng và nâng cao tinh thần cho người dân. Nó sẽ rất khác với biểu ngữ, băng rôn lĩnh vực môi trường, mang tính định hướng hành động, rõ ràng và cụ thể. Không thể bê y nguyên và copy nội dung của lĩnh vực này vào lĩnh vực khác.
Có thể vô tư treo khẩu hiệu: “Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng” những sẽ rất phản cảm với khẩu hiệu môi trường “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân”. Ừ sự nghiệp của toàn Đảng, đúng, toàn dân, hiển nhiên, còn toàn quân thì thật lạ! Theo hiểu biết nông cạn của tôi, nhiệm vụ chính của quân đội là để bảo vệ đất nước, thời bình để giảm gánh nặng ngân sách, quân đội có thể làm kinh tế, nhưng đánh giặc vẫn là ưu tiên số một. Làm gì quân đội phải có “sự nghiệp” bảo vệ mội trường, từ cổ chí kim chưa từng thấy. Đúng là cao hứng, nói dại!
Cần nhắc lại rằng, mục tiêu cao nhất tuyên truyền bảo vệ môi trường đó là định hướng hành vi của con người. Người dân nhìn vào những khẩu hiệu đó để dần thay đổi thói quyen, hành vi thân thiện với môi trường, thì lúc đó mục tiêu tuyên truyền mới đạt được, và kinh phí nhà nước (tiền thuế của dân) không bị… ném qua cửa sổ. Rất, rất nhiều nội dung ghi trên băng rôn, biểu ngữ môi trường không làm được việc đó.
Những nội dung đại loại “Môi trường là sự sống”, “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội” “Môi trường, cuộc sống, phát triển” “Hành động vì môi trường xanh – sạch – đẹp”, “Sống tốt cho môi trường là sống tốt cho chính mình”…không phải là không có ý nghĩa của nó – có thể nói rất ý nghĩa. Nhưng nếu chúng ta thực sự cầu thị, thực sự mong muốn mọi người thay đổi hành vi, mọi người quan tâm bảo vệ môi trường, môi trường đất nước tươi đẹp hơn, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi để đạt hiệu quả cao hơn. Chẳng hạn, ở một số tuyến phố, hiện tượng người dân bỏ rác bừa bãi, quét rác xuống lòng đường thì nội dung khẩu hiệu tuyên truyền phải là “Nghiêm cấm vứt rác bừa bãi và quét rác xuống lòng đường” hay “Sống có văn hóa là bỏ rác đúng nơi quy định”, lúc đó hiệu quả và thực tế hơn điệp khúc “vì môi trường xanh sạch đẹp”.
Mong rằng, những người có trách nhiệm, trước khi sử dụng đồng tiền đóng thuế của dân để thiết kế băng rôn, biểu ngữ tuyên truyền bảo vệ môi trường, hãy chịu khó “động não” suy nghĩ. Quyết không để những băng rôn, khẩu hiệu môi trường không chỉ để làm “cảnh” mà phải đạt mục tiêu đề ra: thay đổi những thói quen “xấu” và thúc đẩy hành động để bảo vệ môi trường.