Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Quản trị tài nguyên nước và vai trò của các tổ chức xã hội

(14:35:16 PM 18/12/2018)
(Tin Môi Trường) - Tiếng nói của các tổ chức xã hội tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã được ghi nhận nhiều hơn trong các cuộc tham vấn của các cơ quan và các ban ngành về tăng cường quản trị tài nguyên nước có sự tham gia của các tổ chức xã hội và cộng đồng.

Đó là một trong những thành công của dự án“Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội trong Quản trị tài nguyên nước tại Đồng bằng sông Cửu Long” sau hai năm (2017-2018) thực hiện bởi Ban Điều phối Viện trợ Nhân dân (PACCOM) thuộc Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam và WWF-Việt Nam (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên). Những kết quả nghiên cứu, thành tựu và bài học từ dự án đã được chia sẻ với các đối tác, cơ quan chính phủ và các tổ chức có liên quan trong hội thảo hôm nay. 

 

Quản trị tài nguyên nước và vai trò của các tổ chức xã hội
Ảnh minh hoạ: IE
 
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Với diện tích chưa đến 11% toàn lãnh thổ nhưng ĐBSCL lại đóng góp 1/5 tổng sản phẩm quốc nội. Tuy nhiên, ĐBSCL đang gặp nhiều mối đe doạ từ các hoạt động của con người và biến đổi khí hậu. Với vị trí là hạ nguồn của sông Mekong, ĐBSCL phải hứng chịu nhiều áp lực từ các quốc gia trên thượng nguồn, từ sinh hoạt của con người, các hoạt động phát triển kinh tế và kể cả biến đổi khí hậu. Năm 2016, người dân nơi đây đã phải chịu đợt hạn hán khắc nghiệt nhất trong vòng hơn một thế kỷ qua, những vụ sạt lở bờ sông xảy ra ở hầu hết các tỉnh của ĐBSCL, xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền, ô nhiễm nguồn nước mặt và khan hiếm nguồn nước ngầm, cùng với những biến động thời tiết ngày càng trở lên khó dự báo hơn. 
 
Là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai cũng như các thay đổi tiêu cực do tác động của con người diễn ra gần đây, nhưng hiểu biết về nguyên nhân cũng như các biện pháp ứng phó của người dân ĐBSCL vẫn còn hạn chế. Thêm vào đó, thiếu các diễn đàn mở để người dân bày tỏ những vấn đề họ đang gặp phải hàng ngày, cũng như nhu cầu được hỗ trợ về chính sách, về kiến thức kỹ thuật cần thiết để đối mặt và thích ứng với những thay đổi bất thường này. Nhà nước chưa có quy định cụ thể về sự tham gia của các tổ chức xã hội và cộng đồng trong giám sát và bảo vệ tài nguyên nước cũng như khuyến khích phát huy các sáng kiến bảo vệ nguồn nước. 
 

Dựa vào đánh giá nhanh ban đầu và được củng cố bởi các nghiên cứu sau này bởi các thành viên mạng lưới quản trị tài nguyên nước, dự án đã tập trung hỗ trợ tăng cường năng lực, thay đổi hành vi cho người dân địa phương, đặc biệt nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và những người có HIV, giúp họ hiểu được vai trò của mình trong quản trị tài nguyên nước. Mục tiêu này đã được thể hiện xuyên suốt trong các hoạt động của dự án và tạo ra được những thay đổi nhất định trong hai năm qua. Những kết quả nổi bật đáng ghi nhận của dự án trong hai năm vừa qua có thể kể đến:
 
Tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội và nhóm dễ bị tổn thương
 
Hoạt động tăng cường năng lực cho các nhóm đối tượng đã được thực hiện qua các khoá tập huấn và dự án thí điểm quy mô nhỏ. Trong thời gian 2 năm, dự án đã tổ chức 08 khoá tập huấn cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau như thanh niên, phụ nữ và nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương (bao gồm những người có HIV) tại ĐBSCL về vai trò và quyền của họ trong quản lý tài nguyên nước. 
 
Vai trò của phụ nữ cũng được tăng cường qua các hoạt động thí điểm tại địa phương. Hơn 250 phụ nữ thuộc ba Chi hội Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng (TP. Sóc Trăng, Cù Lao Dung, và Long Phú) đã được dự án hỗ trợ thực hành quản lý tài nguyên nước thông qua thí điểm trồng rau hữu cơ, cây ăn quả và nuôi tôm cá. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Long Phú và Hôi Liên hiệp Phụ nữ huyện Cù Lao Dung thực hiện các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết của các thành viên về sự tham gia quản trị tài nguyên nước trong cộng đồng. 
 
Một chương trình hỗ trợ những người có HIV được tiếp cận nguồn nước sạch tại xã Thanh Bình và Quới Thiên, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long đã được triển khai. Mười hai hộ gia đình tại 2 xã đã được hỗ trợ bể chứa và hệ thống xử lý nước sạch, đồng thời được tham dự tập huấn về sử dụng nguồn nước bền vững, trong đó khuyến khích người dân chủ động và tích cực hơn trong tham gia quản trị tài nguyên nước. 
 
Ngoài ra, dự án cũng tạo ra một nguồn tài trợ nhỏ cho 05 nhóm, tổ chức cộng đồng thực hiện các sáng kiến về quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, và sinh kế ở các địa phương khác nhau, gồm có: Nhóm Sáng tạo trẻ Bến Tre với mô hình lọc nước bằng vật liệu cây địa phương để hỗ trợ người dân ở Hòn Tàu, huyện Bình Đại, hay nhóm Thanh niên ĐBSCL hỗ trợ các chị phụ nữ ở huyện Long Mỹ, Hậu Giang với mô hình vườn rau nổi, v.v
 
Những nỗ lực tham gia của chi hội phụ nữ và các tổ chức xã hội đã đưa lại những kết quả tích cực. Kết thúc dự án, hơn 50% thành viên của các tổ chức xã hội tham gia vào dự án đã được mời tới tham dự các hội thảo và đối thoại chính sách về quản trị nước do chính quyền tổ chức. Thêm vào đó, ít nhất 12 thành viên của dự án đã tham gia trả lời phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông về các vấn đề liên quan tới bảo vệ nguồn nước. Kết quả bốn nghiên cứu do các tổ chức xã hội tại ĐBSCL thực hiện về làm thế nào để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương trong quản trị tài nguyên nước đã được ghi nhận và xem xét trong quá trình sửa đổi và hoàn thiện Luật về Thuỷ lợi. 
 
Quản trị tài nguyên nước và vai trò của các tổ chức xã hội
Ảnh: IE
 
Các khuyến nghị chính sách về quản trị tài nguyên nước 
 
Một nghiên cứu của dự án cho thấy vai trò và trách nhiệm của các tổ chức xã hội tại địa phương trong giám sát, báo cáo và đóng góp ý kiến với chính quyền về các vấn đề nguồn nước vẫn còn hạn chế. Do đó, dự án khuyến nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội khác cần tăng cường chủ động tham gia trong giám sát, và phản biện về vấn đề môi trường và xã hội của địa phương. Đồng thời, cần có những kênh trao đổi thông tin để các tổ chức xã hội có thể phản hồi ý kiến tới các cơ quan xây dựng chính sách.
 
Những nghiên cứu của dự án cũng chỉ ra rằng vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong quản lý tài nguyên nước tại ĐBSCL chưa thực sự được các cấp chính quyền quan tâm. Do vậy, tạo cơ hội cho phụ nữ nâng cao vị thế trong cộng đồng và tham gia quản trị tài nguyên nước sẽ thúc đẩy bình đẳng giới trong quản lý tài nguyên thiên nhiên tại địa phương Với sự hỗ trợ của dự án, một hướng dẫn kỹ thuật về làm thế nào lồng ghép các vấn đề về giới trong quản trị nước đã được xây dựng bởi Viện nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Đại học Cần Thơ). Hướng dẫn kỹ thuật này đã trở thành tài liệu được sử dụng tại các lớp tập huấn cho các chi hội phụ nữ thuộc các tỉnh ĐBSCL. 
 
Nói về những hỗ trợ của dự án, chị Lê Kim Lan, cán bộ xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre chia sẻ: “Nhiều năm gắn bó với các chị em phụ nữ trong xã, tôi luôn ấp ủ mong ước làm được việc gì đó để cải thiện môi trường sống và nâng cao sinh kế cho những phụ nữ yếu thế trong xã. Thật may, tôi đã được tham gia và vận động thêm được nhiều chị em trong xã cùng thử nghiệm phương pháp màng sinh học và chiết xuất lọc nước từ hạt chùm ngây do dự án hướng dẫn thực hiện. Qua nhiều thử nghiệm và thất bại, giờ đây nhiều gia đình chúng tôi đã có nước sạch dùng mà không phải sử dụng hoá chất. Chỉ một hoạt động nhỏ như vậy thôi nhưng đã tạo ra sự thay đổi quan trọng trong cuộc sống của chúng tôi. Những hạt giống chùm ngây đang nảy mầm trên đất Tam Hiệp và cùng lúc niềm tin vào một cuộc sống tốt đẹp hơn cũng lớn dần trong lòng những phụ nữ quê tôi.”
Nguyễn Phương Ngân, WWF-Việt Nam