(Tin Môi Trường) - Đây là Hội thảo quốc tế đầu tiên nhằm tham vấn xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về quản lý rác thải nhựa đại dương do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Đại sứ quán Canada tại Việt Nam đồng chủ trì tổ chức sáng 10/12, tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bà Deborah Paul, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo.
Hội thảo quốc tế tham vấn xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về quản lý rác thải nhựa đại dương có sự tham gia đông đảo của các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế, các nhà hoạt động môi trường, các tổ chức cộng đồng, gồm cả các tổ chức đại diện cho phụ nữ và thanh niên tham gia thảo luận về tình hình rác thải nhựa tại Việt Nam; việc phát triển ngành công nghiệp tái chế, khung pháp lý và thể chế, xây dựng dữ liệu và nghiên cứu khoa học phục vụ công tác hoạch định chính sách, thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong quản lý rác thải nhựa; tiềm năng của các giải pháp tài chính, công nghệ và truyền thông.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tham luận xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về quản lý rác thải nhựa đại dương
Hội thảo là một phần trong chuỗi hoạt động tham vấn giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác có liên quan về những thách thức trong quản lý rác thải nhựa, cũng như các giải pháp tiềm năng nhằm giải quyết hiệu quả vấn nạn ô nhiễm nhựa. Các chuyên gia đến từ Canada, Hàn Quốc và Ngân hàng Thế giới đã chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế liên quan đến phương pháp tiếp cận như: Loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa, trách nhiệm mở rộng của người sản xuất và cơ chế tài chính bền vững để phát triển hệ thống xử lý rác thải tiên tiến; xây dựng một Kế hoạch hành động quốc gia phù hợp với Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Đại dương khỏe mạnh và có sức chống chịu cao sẽ là nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào cho dân cư toàn cầu, là những động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Với cương vị là Chủ tịch G7, Canada đã khởi xướng việc xây dựng Hiến chương về Nhựa đại dương- một cam kết mang tính toàn cầu nhằm hành động đối với tất cả các loại sản phẩm nhựa trong suốt vòng đời của chúng, với mục tiêu giảm chất thải nhựa và rác nhựa đại dương. Đến nay, 14 quốc gia, Liên minh Châu Âu và 20 công ty đã phê chuẩn Hiến chương về Nhựa đại dương.
Hội thảo tham vấn này là sáng kiến chung giữa Canada và Việt Nam trong năm 2018 - nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia.
Bộ TN&MT và kế hoạch hành động quốc gia về quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Với đặc thù là một không gian liên thông, được chi phối bởi các hoàn lưu biển, ô nhiễm rác thải nhựa ở biển đã trở thành vấn đề của toàn thế giới. Ô nhiễm rác thải biển không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và hệ sinh thái biển mà còn tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh tế và cộng đồng dân cư ven biển, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh lương thực, an ninh năng lượng. Đây là thách thức toàn cầu, đòi hỏi nhân loại phải sớm chung tay hành động”.
Bộ trưởng cho biết, đến nay, đã có nhiều chiến dịch, sáng kiến giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa bằng cách giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần nói chung, rác thải nhựa ra biển và đại dương nói riêng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thông qua những cam kết chính trị mạnh mẽ cũng như các hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada ngày 9/6/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sáng kiến của Canada về ngăn ngừa xả rác thải nhựa ra đại dương, khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Canada và quốc tế triển khai sáng kiến này. Đặc biệt, Thủ tướng đã đưa ra sáng kiến các nước G7 thúc đẩy hình thành Cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa để hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa.
Cũng trong thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ thông qua tìm kiếm các đối tác phù hợp, trong đó có các cơ quan của Canada khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Đồng thời, Bộ cũng đã làm việc với Ngân hàng Thế giới để phối hợp xây dựng Dự án “Thiết lập quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương”; phối hợp với đối tác Nhật Bản xúc tiến việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam...
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực phát động sâu rộng trong toàn ngành tài nguyên và môi trường cũng như trong toàn xã hội phong trào chống rác thải nhựa, tiên phong giảm thiểu rác thải nhựa với nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, hiệu quả.
“Hội thảo quốc tế tham vấn xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Canada hôm nay cũng chính là để thực hiện sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể hóa Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Ông Kim In Hwan, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc phát biểu tại Hội thảo
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề nghị tại Hội thảo này, các đại biểu sẽ cùng nhau làm rõ những cơ hội, thách thức trong việc giải quyết rác thải nhựa đại dương từ phạm vi toàn cầu, khu vực cũng như ở Việt Nam, tập trung đề xuất những giải pháp cụ thể, bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý rác thải nhựa; các cơ chế tài chính khuyến khích chuyển dịch mô hình tăng trưởng trên cơ sở nền kinh tế tuần hoàn theo nguyên tắc giảm tiêu thụ, gia tăng việc tái chế và tái sử dụng nhựa; tạo lập cơ chế và huy động sự tham gia tích cực, hiệu quả của các tất cả các bên liên quan đến sản xuất và sử dụng sản phẩm nhựa; đưa ra các giải pháp về thông tin dữ liệu về quản lý rác thải nhựa trên biển, các giải pháp khoa học công nghệ giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa, phục hồi các hệ sinh thái biển,…
"Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa; tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác khu vực nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa - do đây là vấn đề mang tính toàn cầu, khu vực, nỗ lực của một quốc gia là không đủ" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự chung tay, cùng giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương.
Tham dự và phát biểu tại hội thảo, Bà Deborah Paul, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam cho biết: Canada tự hào có lịch sử hợp tác lâu dài với Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết các ưu tiên chung, liên quan đến ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Bà Deborah Paul cho biết, bắt đầu từ tháng 4/2018, Đại sứ quán Canada tại Hà Nội đã khởi xướng một sáng kiến vận động chính sách với nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Đến nay đã có tổng số 58 tổ chức quốc tế và các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam tham gia ký Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa và cam kết giảm thiểu sử dụng các đồ nhựa dùng một lần tại công sở.
“Chúng tôi vui mừng được biết sáng kiến chung của chúng tôi đã được Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và được cá nhân Bộ trưởng Trần Hồng Hà ủng hộ.” – Bà Deborah Paul nói.
“Ô nhiễm nhựa đang hủy hoại các đại dương, ao hồ, và sông ngòi của chúng ta. Mỗi chúng ta đều trách nhiệm chống ô nhiễm nhựa. Canada tự hào được hành động cùng Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương.”
“Tôi rất vui mừng nhận thấy sự tham gia đông đảo của các đại biểu không chỉ đến từ các cơ quan Chính phủ mà còn từ khối doanh nghiệp và xã hội dân sự, bao gồm thanh niên và phụ nữ, để thảo luận các sáng kiến, đổi mới nhằm tận dụng nhựa trong nền kinh tế nhưng loại bỏ nhựa ra khỏi đại dương.” - Đại sự Đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam tâm huyết nói.
Quan hệ đối tác Canada và Việt Nam nhằm chống ô nhiễm nhựa
Trong thời gian qua, Canada và các đối tác quốc tế khác đã tham gia các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các nhà lãnh đạo Việt Nam để thảo luận các lựa chọn chính sách nhằm mang lại tác động tích cực, lâu dài chống ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.
Các tổ chức tham gia ký kết Quy tắc ứng xử đã thực hiện chiến lược truyền thông trực tuyến mang tên #CountdownPlastic trên mạng xã hội của mình nhằm kêu gọi cộng đồng cùng hành động giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong đời sống hàng ngày và tại nơi làm việc.
Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 tại Canada tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh cam kết của Việt Nam sẽ hợp tác cùng Canada và các đối tác khác vì các đại dương không có rác thải nhựa trên toàn thế giới.
Tháng 10/2018, tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường G7 do Canada đăng cai tổ chức, Canada đã hoan nghênh sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Lê Công Thành trong các phiên thảo luận về nhựa và rác thải biển, đại dương bền vững và thủy sản, cộng đồng ven biển có khả năng chống chịu.
Trong khuôn khổ "Hội thảo quốc tế tham vấn xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về quản lý rác thải nhựa đại dương" đã có triển lãm ảnh về rác thải nhựa dành cho các đại biểu và giới báo chí.
Bà Jacinthe Seguin, Giám đốc, Sáng kiến về Nhựa, Bộ Tài nguyên và Biến đổi khí hậu Canada phát biểu tại Hội thảo
Hành động của Chính phủ Việt Nam nhằm xử lý vấn đề rác thải nhựa
Việt Nam coi công tác quản lý chất thải rắn là một vấn đề ưu tiên. Hệ thống thu gom chất thải nhựa và quản lý các bãi chôn lấp đã giúp giảm ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực này thông qua hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường, các chính sách quản lý, các chiến dịch làm sạch bờ biển và các phong trào giáo dục, truyền thông cho người dân và khách du lịch nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Vừa qua tại Kỳ họp lần thứ tám của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã thông qua Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược này đặt ra mục tiêu đến năm 2030: “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. Ở các tỉnh, thành phố ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn về môi trường”.
Tháng 5/2018, Việt Nam đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược điều chỉnh này đặt ra những mục tiêu sau đây cần đạt được đến năm 2025:
+ Thu gom, vận chuyển và xử lý 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề; và 85% chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân;
+ Thay thế túi nilon khó phân hủy được sử dụng tại các trung tâm thương mại, siêu thị bằng các túi nilon thân thiện với môi trường;
+ Thu gom và xử lý 80% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn.
Việt Nam cũng ủng hộ đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ kiến thức và thông tin về ô nhiễm nhựa xuyên biên giới; tăng cường năng lực quản lý và các khuôn khổ quốc tế hiện có, nhằm cải thiện các cơ chế hoạch định chính sách; nâng cao năng lực nghiên cứu về rác nhựa đại dương và vi nhựa; tăng cường nhận thức của người dân, đặc biệt là người tiêu dùng về ô nhiễm nhựa; và thúc đẩy đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm cả hỗ trợ các nước đang phát triển nâng cao năng lực quản lý và khuôn khổ pháp lý về bảo vệ môi trường và quản lý rác thải.