(Tin Môi Trường) - Trước thông tin nước thải nhà máy xử lý rác chảy ra biển gây bức xúc cho người dân, Bí thư kiêm Chủ tịch H.Phú Quốc (Kiên Giang) nói người dân “hãy bình tĩnh”.
Dòng nước suối Cây Bàng trở nên đen kịt khiến tôm cá sống không nổi - ảnh: HOÀNG TRUNG
Nước suối đổi màu đen kịt
Sáng 8.12, người dân tổ 9, ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh, H.Phú Quốc phản ánh về việc mấy ngày nay nước thải từ nhà máy rác cứ chảy theo con suối Cây Bàng ra biển, gây ô nhiễm cho người dân xung quanh.
Ông Nguyễn Văn Tửng (52 tuổi) cho biết nước thải chảy ra con suối này mấy ngày qua khiến tôm cá trên suối không sống nổi.
Đi theo ông Tửng, PV chứng kiến dọc con suối Cây Bàng, nước dưới suối nhuộm màu đen, hai bên bờ suối kết tủa những mảng bám màu xanh lơ. Ngoài ra, nước bốc lên mùi khét. Trên mặt nước có nhiều con tôm phóng lên liên tục.
Ông Tửng cho rằng chỉ vài ngày nữa, nước thải không được xử lý sẽ ảnh hưởng đến khu bảo tồn biển Phú Quốc - Ảnh: HOÀNG TRUNG
Dòng nước đen kịt này theo con suối dẫn ra biển. Cả một vùng biển rộng lớn bị nhuộm màu đen. Ông Tửng cho biết nếu tình hình này diễn ra vài ngày nữa thì vùng biển thuộc Khu bảo tồn biển Phú Quốc cũng bị ô nhiễm.
Trường hợp dở khóc dở cười là ông Nhâm Văn Cử (52 tuổi, Tổ trưởng tổ 9). Mấy ngày trước, ông Cử bắt được một con cá lóc khá to ở suối Cây Bàng. Ông đem về kho tiêu nhưng khi cho thịt cá vào miệng thì có mùi y như mùi khét của rác thải trong nhà máy rác, đành đổ bỏ.
Còn anh Phạm Chí Đại (25 tuổi) cho biết anh định mua 5 vạn con ốc hương về nuôi ở vùng biển này. Tuy nhiên, trước tình hình nước biển bị ô nhiễm như trên anh đành hồi lại với cơ sở cung cấp con giống, chịu bồi thường 10% phí đặt cọc và chi phí vận chuyển.
Bồn chứa tuần hoàn chỉ cần một cơn mưa nhỏ là tràn, người dân “lãnh đủ” - ảnh: HOÀNG TRUNG
Thảm hơn anh Đại là anh Nguyễn Thành Trí (38 tuổi). Anh Trí có một lồng ghẹ đang nuôi ngoài biển. “Nếu vài hôm nữa nước thải chảy ra tới lồng ghẹ của tôi thì tôi đành mất của chứ không biết xử lý thế nào vì không còn biết kéo lồng ghẹ đi đâu".
Chỉ là nước rỉ ra chứ không chủ động thải?
Người dân dẫn tôi vào khu vực bên trong nhà máy rác. Vẫn một mùi hôi khét bốc lên rất khó chịu. Tiếp PV và người dân là ông Tạ Kim Hải, người tự xưng là quản lý nhà máy thời điểm hiện tại.
Khi người dân dẫn đến một vị trí suối có dòng nước màu đen, ông Hải thừa nhận nước có màu đen như thế là do nước thải nhà máy chảy ra. Tuy nhiên, ông Hải không thừa nhận đây là nước mà nhà máy chủ động thải mà là do nước rỉ ra từ bồn chứa tuần hoàn. “Đây là nước thải rỉ ra chứ chúng tôi không chủ động thải như người dân đã nói”, ông Hải giải thích.
Để chứng minh cho lời nói của mình, ông Hải dẫn chúng tôi đến bồn chứa tuần hoàn. Tại đây, PV ghi nhận được bồn chứa tuần hoàn chỉ còn khoảng 10 cm nữa là tràn.
Ông Phạm Thanh Minh (50 tuổi) bức xúc cho rằng chỉ cần một cơn mưa nhỏ, bồn chứa này sẽ tràn và người dân tổ 9 sẽ lãnh đủ. Đồng thời, ông Minh cho rằng sỡ dĩ nhà máy hoạt động không tốt để nước thải ra suối gây ô nhiễm là do nhà máy không làm đúng thiết kế.
Ông Hải cho rằng nhà máy này đơn vị ông mới tiếp nhận hơn 2 tháng nay sau khi nhà máy của Công ty năng lượng tái tạo Toàn Cầu bị tỉnh Kiên Giang thu hồi vào tháng 8 vừa qua.
Nước ở bồn tuần hoàn chảy ra, phía nhà máy phải đào tạm một hố để chứa -Ảnh: HOÀNG TRUNG
Trao đổi qua điện thoại, ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND H.Phú Quốc, cho biết đã cho người đi kiểm tra tình hình và nói rằng "người dân hãy bình tĩnh". Ông Huỳnh cho biết do nhà đầu tư trước không thực hiện được đúng kỳ vọng nên đã bị tỉnh Kiên Giang thu hồi. Hiện tại nhà đầu tư mới đang khắc phục xử lý số rác “cù cặn”, vì vậy người dân cũng không nên “la hoài” như vậy.
“Người dân lo ngại cũng đúng nhưng cũng nên cho người ta thời gian khắc phục. Phía nhà máy vẫn đang khắc phục quyết liệt, sau khi khắc phục sẽ ổn thôi, người dân nên bình tĩnh”, ông Huỳnh nói.
Tuy nhiên, người dân vẫn bức xúc vì đây không phải là lần đầu tiên nhà máy xử lý rác này gây ô nhiễm và cũng đã nhiều lần nghe hứa như vậy.
Khu bảo tồn biển mong chính quyền quan tâm
Liên quan đến vụ việc này, ông Hà Thế Phong, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc, cho biết sẽ cử cán bộ đi kiểm tra tình hình, thu thập hình ảnh và làm báo cáo cụ thể để đề nghị chính quyền quan tâm hơn, tránh để tình trạng ô nhiễm làm ảnh hưởng đến khu bảo tồn.