Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Xây dựng báo cáo môi trường quốc gia năm 2018 với chủ đề “Môi trường nước các lưu vực sông”
(20:30:32 PM 05/12/2018)
(Tin Môi Trường) - Chiều 5/12, tại hội thảo “Góp ý báo cáo chuyên đề môi trường quốc gia năm 2018 - Môi trường nước các lưu vực sông” do Tổng cục Môi trường tổ chức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết: Báo cáo là cơ sở quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý môi trường trung ương và địa phương cùng thống nhất để có giải pháp thiết thực, đúng, trúng nhằm tăng cường bảo vệ môi trường nước tại các lưu vực sông.
Ảnh minh hoạ: iE
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia có hệ thống sông ngòi dày đặc, tuy nhiên lượng nước bình quân đầu người thấp hơn chỉ tiêu của Hiệp hội tài nguyên nước quốc tế. Nguồn nước của Việt Nam có nhiều yếu tố không bền vững, chất lượng nước ở lưu vực sông đang có xu hướng gia tăng ô nhiễm. Nguồn nước ngọt thiếu trầm trọng do suy thoái chất lượng nước, khai thác tài nguyên nước không bền vững, trong đó có vấn đề liên vùng, liên quốc gia.
Những năm gần đây, sự cố về ô nhiễm môi trường nước cũng có xu hướng gia tăng như: Xả chất thải của Công ty Mía đường Hòa Bình và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tân Hiếu Hưng gây cá chết hàng loạt trên sông Bưởi (Thanh Hóa) vào tháng 5/2016; xả thải gây ô nhiễm môi trường trong quá trình thi công bãi xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (Bình Thuận) vào tháng 2/2017... Mặc dù chính quyền các cấp và cộng đồng đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ và cải thiện nhưng nhu cầu về nước cho sản xuất, dân sinh gia tăng theo tốc độ tăng dân số và phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nguồn nước. Bởi vậy, Tổng cục Môi trường đã dự thảo báo cáo chuyên đề môi trường quốc gia năm 2018 với chủ đề “Môi trường nước lưu vực sông”.
Một số đại biểu cho rằng, những tác động do ô nhiễm nguồn nước mặt cần có số liệu xác định sau khoảng ít nhất 10 năm nghiên cứu, thu thập; nhất quán các số liệu liên quan đến lượng nước thải chưa qua xử lý...
Bà Lê Hoàng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc lưu ý đến những ô nhiễm kéo dài trên lưu vực sông, sự cố ô nhiễm môi trường nước ở các địa phương; khó khăn trong việc thu thập dữ liệu liên quan đến tác động của ô nhiễm nguồn nước đến sức khỏe của người dân; số liệu trong quản lý nguồn thải, an ninh nguồn nước.
Giải pháp được các đại biểu tập trung đề xuất như: Rà soát, bổ sung và hoàn thiện chính sách pháp luật và thể chế về bảo vệ môi trường nước lưu vực sông; điều chỉnh phân công nhiệm vụ, củng cố hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nước; đẩy mạnh triển khai thực hiện quy hoạch lưu vực sông, quy hoạch phân vùng, khai thác sử dụng nước; tăng cường các hoạt động kiểm soát ô nhiễm, thanh tra, kiểm tra, cưỡng chế tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường nước; nâng cao nhận thức, tăng cường sự tham gia và trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý và bảo vệ môi trường nước.