(Tin Môi Trường) - Nhân Ngày Thế giới Bảo tồn các loài hoang dã 4/12 (World Wildlife Conservation Day), CHANGE phối hợp cùng WildAid công bố video truyền thông với tên gọi “Ấn tượng” trong khuôn khổ chiến dịch “Cứu tê tê” cùng sự tham gia của đại sứ thiện chí Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 Phạm Hương nhằm kêu gọi công chúng chấm dứt việc tiêu thụ các sản phẩm từ từ tê tê, đặc biệt là thịt tê tê nhằm bảo tồn loài tê tê khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Phạm Hương trở lại kêu gọi cứu tê tê khỏi nguy cơ tuyệt chủng
Là một đại sứ tích cực của WildAid trong suốt những năm qua trong việc kêu gọi bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, trong video “Ấn tượng” lần này, Phạm Hương hóa thân vào một nữ doanh nhân trẻ vừa giúp một thương vụ hợp tác giữa hai doanh nghiệp lớn được thành công. Bên phía đối tác của Phạm Hương đã thiết đãi một món ăn “cao cấp” như một lời cảm ơn đến Phạm Hương và các quan khách tham dự, đó chính là thịt tê tê. Khi nghe tên món ăn đồng thời thấy món ăn được dọn ra, Phạm Hương đã phản ứng mạnh mẽ bằng cách vứt khăn ăn trên bàn và bỏ ra khỏi nhà hàng, mặc kệ vị đối tác kia đang vô cùng hoang mang và hụt hẫng.
Ở cuối video, mọi người thấy các vị quan khách còn lại cũng đồng loạt hưởng ứng Phạm Hương bằng cách rời khỏi bàn ăn và tỏ ra khó chịu khi được thiết đãi món thịt tê tê, đồng thời thông tin về sự nguy cấp của loài tê tê cùng thông điệp kêu gọi chấm dứt sử dụng các sản phẩm từ tê tê cũng được đưa ra một cách rõ ràng và mạnh mẽ.
“Việc thỏa mãn nhu cầu ăn uống thịt các loài thú rừng quý hiếm, đặc biệt là những loài nguy cấp đang trên bờ tuyệt chủng như tê tê là một vấn đề cần phải được lên án mạnh mẽ,” - Phạm Hương thẳng thắn chia sẻ. “Nếu Phạm Hương gặp phải một tình huống tương tự ở ngoài đời, khi được đối tác hay bạn bè mời ăn thịt tê tê, Phạm Hương chắc chắn cũng sẽ hành động mạnh mẽ như trong clip này.”
Với mục đích giáo dục và nâng cao nhận thức của hàng triệu con người về sự nguy cấp của các loài động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng, đặc biệt là loài tê tê, CHANGE cùng WildAid sẽ đẩy mạnh việc phát sóng video “Ấn tượng” trên khắp Việt Nam, cụ thể video sẽ được phát trên TV, màn hình trong taxi, bệnh viện, ngân hàng, các rạp chiếu phim, các khu trung tâm thương mại,…
“Tình huống chúng tôi dựng nên thông qua video “Ấn tượng” lần này là một tình huống rất phổ biến trong cuộc sống, đặc biệt là trong các nhà hàng có bán thịt thú rừng,” – ông Nguyễn Trần Tùng, Giám đốc Truyền thông CHANGE chia sẻ. “Tôi mong công chúng khi gặp phải một tình huống tương tự có thể liên tưởng đến video và hành động theo cách mà chúng tôi gợi ý trong video này để chúng ta có thể chấm dứt vấn nạn tiêu thụ thịt tê tê và cứu loài này khỏi nguy cơ tuyệt chủng.”
Hiện tại, tình trạng phạm tội liên quan đến động vật hoang dã ngày càng trầm trọng tại Việt Nam. Theo một báo cáo của Tổ chức Wildlife Conservation Society và Cục thống kê tội phạm và công nghệ thông tin thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao về những vi phạm buôn bán động vật hoang dã trái phép và việc thực thi pháp luật ở Việt Nam từ 2013 đến 2017, Việt Nam đã ghi nhận 1.504 vụ mua bán trái phép động vật hoang dã với số lượng lên đến 41.328 kg các sản phẩm làm từ những loài động vật này. Trong số 1.461 người bị cáo buộc vi phạm các điều khoản liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã có 432 người đã bị bắt giam và tổng số tiền phạt từ các hoạt động vi phạm này đã lên đến 16 tỷ đồng.
Vào tháng 10 này, gần 10 tấn ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê buôn lậu có xuất xứ từ Nigeria đã được phát hiện trong các thùng hàng đựng rác thải nhựa ở cảng Tiên Sa tại thành phố Đà Nẵng. Đây cũng là một trong những trường hợp buôn lậu động vật hoang dã lớn nhất cả nước trong thời gian gần đây.
Cũng trong những tháng gần đây, khoảng 800 kg vảy tê tê được phát hiện trong 3 thùng hàng được xuất khẩu từ châu Phi tại cảng phía nam thành phố Hải Phòng. Đó cũng là một trường hợp đã được theo dõi và điều tra từ lâu.
Một thông báo chính thức từ Cục kiểm lâm đã lên tiếng rằng chúng ta phải nâng cao các biện pháp tăng cường việc thực thi pháp luật để chống lại các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép bằng những thống kê và phân tích về hình thức vi phạm pháp luật này.