Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Phung phí tài nguyên

(14:01:35 PM 28/06/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Chỉ trong 5 năm (2007-2011), Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam đã xuất khẩu gần 100 triệu tấn than. Nguồn “vàng đen” còn bị “rút ruột” bởi nạn than “thổ phỉ” và xuất lậu sang Trung Quốc với khối lượng khổng lồ.

 

Là xứ “vàng đen”, Việt Nam đã xuất hàng trăm triệu tấn than. Thế nhưng ngày 13-6, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam đã nhập gần 10.000 tấn than và dự kiến từ năm 2015, sẽ phải nhập 6 triệu tấn/năm; đến năm 2025 là 60-70 triệu tấn than... Vì đâu nên nỗi?
 
 
 
Gần 10.000 tấn than ròng (antraxit) đầu tiên được nhập khẩu từ nước ngoài về cũng chính là loại than mà bấy lâu nay nước ta vẫn xuất khẩu tới 20 triệu tấn/năm. Trong đó, nhiều lúc thị trường không thuận lợi vẫn xuất kiểu “bán tống bán tháo” khiến nguồn tài nguyên năng lượng này cạn kiệt để rồi từ đây bắt đầu phải trả giá.
 
 
Sà lan đầy than chờ xuất khẩu tại cảng Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh
 

Xuất vô thiên lủng
 

Với lý do xuất khẩu để bù giá cho giá than bán trong nước thấp hơn giá thành và để có đủ tiền nuôi trên chục vạn cán bộ, công nhân; đầu tư duy trì, phát triển sản xuất…, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã xuất tới cả trăm triệu tấn than, chưa kể số than thất thoát, xuất lậu và số than xuất nằm ngoài TKV. Trong nhiều năm liền, TKV thường “tự hào” về thành tích hoàn thành kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu xuất khẩu than. Chỉ tính trong 5 năm (2007-2011), TKV đã xuất khẩu gần 100 triệu tấn. Trong đó, năm 2007 là 20,5 triệu tấn; năm 2008: 20 triệu tấn; năm 2009: 19,5 triệu tấn; năm 2010: 19 triệu tấn; dự kiến năm 2011, TKV xuất khoảng 16 triệu tấn...
 

Bên cạnh việc xuất khẩu than chính ngạch ồ ạt thì “vàng đen” còn bị “rút ruột” bởi nạn than “thổ phỉ” và xuất lậu sang Trung Quốc với khối lượng khổng lồ. Đỉnh điểm là thời điểm cuối năm 2007 đầu năm 2008, nạn khai thác than “thổ phỉ” ở Quảng Ninh theo đủ mọi cấp độ, từ hộ gia đình đến cấp tập đoàn, với hàng ngàn người tham gia, cùng với máy xúc, máy ủi... Thời điểm đó, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết về thảm họa “chảy máu vàng đen” ở vùng mỏ. Trong đó có loạt bài về Công ty Cổ phần Tập đoàn INDEVCO (thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) đã xuất hàng triệu tấn than sang Trung Quốc, trong khi doanh nghiệp tư nhân này không hề được cấp phép khai thác than mà chỉ có chức năng tận thu.
 

Báo Người Lao Động cũng có nhiều bài viết về 20 đơn vị thành viên TKV, với 37 hợp đồng thuê các đơn vị ngoài ngành than để xúc than nguyên khai, gia công chế biến tận thu và vận chuyển than.
 

Vào thời điểm “cao trào” nạn xuất lậu, “dân trong nghề” ở Quảng Ninh cho rằng số lượng than “chạy” sang Trung Quốc có thể tới 10 triệu tấn/năm.
 
 
Chỉ xuất than xấu?
 

TKV luôn cho rằng chỉ xuất than xấu đi Trung Quốc. Tuy nhiên, vào tháng 5-2010, Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh thực hiện lệnh bắt giữ và phát hiện 2 tàu chở than có hành vi gian lận thương mại tại Công ty Kho vận Hòn Gai thuộc TKV (Quảng Ninh). Theo đó, hóa đơn xuất hàng ghi chủng loại than là 12A nhưng thực chất là than 11C. Từ việc hạ phẩm cấp 2.200 tấn than này đã gây thiệt hại không nhỏ. Theo kết luận ban đầu, trong 3 năm gần đây, Công ty Kho vận Hòn Gai đã để hao hụt hàng chục ngàn tấn than, gây thất thoát hàng chục tỉ đồng của Nhà nước, hơn 10 cán bộ của TKV liên quan đến vụ việc này đã bị bắt giữ…
 

Ngay từ năm 2008, lực lượng chức năng còn bắt quả tang tàu than của INDEVCO kê khai sai phẩm cấp than và giá tính thuế hàng ngàn tấn than.
 

Trả lời về vấn nạn này, mới đây, Phó Tổng Giám đốc TKV Vũ Mạnh Hùng cho rằng đây là “con sâu làm rầu nồi canh”, còn TKV chỉ xuất than xấu cho các nhà máy điện Trung Quốc, loại mà các nhà máy điện Việt Nam chưa thể “xài”. Tuy nhiên, TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng (TKV), tiết lộ loại than mà Việt Nam đang xuất đi Trung Quốc bao gồm cả loại tương đương với nguyên liệu đầu vào của các nhà máy điện Việt Nam hiện nay (loại than cám 5, nhiệt lượng 5.000-6.000 Kcal/kg)...
 
 
Giá than nhập khẩu vẫn bí mật

Hiện TKV chưa tiết lộ giá nhập khẩu gần 10.000 tấn than từ Indonesia mới đây. Lãnh đạo tập đoàn này “úp mở” là rẻ hơn giá bán than cho các hộ trong nước hiện nay và Việt Nam có “bí quyết” trong việc thuyết phục chủ hàng để mua được giá rẻ. Tuy nhiên, vào đầu năm 2010, nguyên tổng giám đốc TKV, nay là Chủ tịch HĐQT tập đoàn này, ông Trần Xuân Hòa, cho biết đến năm 2020, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu trên 100 triệu tấn than/năm để duy trì sản xuất điện với mức giá 120 USD/tấn (thời điểm đầu năm 2010).

Nhiều chuyên gia khẳng định giá than nhập khẩu rẻ hơn giá trong nước là không thể...


Kỳ tới: Sai lầm sử dụng năng lượng từ than

Bài và ảnh: Thế Dũng