(Tin Môi Trường) - Đó là mong muốn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Gia Lai tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh chiều ngày 30/11. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong phát triển, cần giải quyết đồng thời 4 bài toán: kinh tế, xã hội, môi trường và bảo vệ di sản, không gian văn hóa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Việt Hùng
Tham dự Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ có: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cùng lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương.
Về phía tỉnh Gia Lai có: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Văn Niên, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cùng lãnh đạo các Sở, Ban, ngành của tỉnh Gia Lai.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành đã báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2019 và một số đề xuất kiến nghị đối với Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những hướng đi chính đối với tỉnh Gia Lai
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng của Tỉnh Đảng bộ, Chính quyền các cấp và đặc biệt là của đồng bào các dân tộc trong toàn tỉnh Gia Lai trong thời gian vừa qua.
Thủ tướng đánh giá cao sự phát triển kinh tế - xã hội của Gia Lai, nhất là “ước mơ tự cân đối được ngân sách” trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý lãnh đạo tỉnh, “gam sáng nhiều, gam tối cũng có”, tốc độ phát triển của tỉnh còn dưới tiềm năng. Quy mô kinh tế còn nhỏ. Sức cạnh tranh còn thấp. Số lượng doanh nghiệp còn ít. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có một số điểm đáng lưu ý. Tỉ lệ hộ nghèo của Gia Lai giảm nhanh nhưng hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, chiếm đến 86,5%, trong đó có làng nghèo 100%...
Nhắc đến đời sống đồng bào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ân cần thăm hỏi tình hình của người dân trước việc Gia Lai có 4.000 ha cây tiêu bị sâu bệnh, bị mưa nhiều khiến cây chết hay giá cà phê giảm… từ đó người dân chưa trả được nợ ngân hàng thì liệu Tết này bà con có khó khăn quá không. Thủ tướng đề nghị cần phải có chủ trương kịp thời hơn để giải quyết vấn đề đời sống nhân dân bằng cách kiến nghị với Thủ tướng, với Ngân hàng Nhà nước về tái cơ cấu nợ, hoãn nợ, giãn nợ để bà con có thể tiếp tục đầu tư làm ăn.
Về định hướng phát triển Gia Lai trong thời gian tới, Thủ tướng nhắc lại tầm nhìn đối với Tây Nguyên là phấn đấu trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa với chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông - lâm sản, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc và tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc đưa tầm nhìn này vào triển khai trong thực tiễn còn khoảng cách lớn, đòi hỏi việc tổ chức thực hiện khoa học, quyết liệt. Và đặc biệt là cán bộ phải giỏi, phải biết làm việc một cách sáng tạo, năng động.
Thủ tướng đề nghị Gia Lai cần tập trung 3 hướng chính: Kinh tế nông lâm sản, chế biến ứng dụng công nghệ cao; Dịch vụ du lịch; Phát triển một số ngành công nghiệp có chọn lọc trên nền tảng lợi thế so sánh vượt trội của địa phương. Đi liền với đó, tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng để phát huy thế mạnh này. Cần chú ý nông nghiệp hữu cơ cùng với cây công nghiệp là thế mạnh đặc thù của Gia Lai.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống, rừng gỗ lớn, chế biến sâu đồ gỗ và nội thất. “Tôi nói trồng rừng gỗ lớn trong thời gian 10 năm thì 90% có độ che phủ, chúng ta có thể trở thành trung tâm chế biến đồ gỗ và nội thất của thế giới” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Đồng thời Thủ tướng mong muốn màu xanh từ rừng sẽ mang lại đời sống tốt hơn cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Gia Lai.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh đến hướng chiến lược của Tây Nguyên và Gia Lai là tăng độ che phủ rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, giữ gìn môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa địa phương. Vì vậy, theo Thủ tướng, trong phát triển, cần giải quyết đồng thời 4 bài toán: Kinh tế, xã hội, môi trường và bảo vệ di sản, không gian văn hóa. Thủ tướng đề nghị Gia Lai cần đóng góp tích cực hơn nữa để phát triển thương hiệu du lịch cao nguyên của Việt Nam, đặc biệt là phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến trước các kiến nghị cụ thể của Gia Lai với tinh thần tạo điều kiện cho tỉnh phát triển. Đặc biệt, Thủ tướng đã đồng ý, quyết ngay một khoản hỗ trợ trích từ dự phòng ngân sách dành cho 1 làng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn của Gia Lai mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nêu ra tại cuộc làm việc để bà con ổn định đời sống. Thủ tướng yêu cầu Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung cần quan tâm hơn nữa đến đời sống và phát triển kinh tế của đồng bào trong thời gian tới.
Toàn cảnh cuộc họp
Phát triển du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn đa dạng sinh học
Phát biểu đóng góp ý kiến với tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Gia Lai cần có hướng đi đúng đắn trong phát triển du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn di sản, bảo tồn đa dạng sinh học. Theo Bộ trưởng, Gia Lai còn khá nhiều tiềm năng chưa khai thác. Gia Lai có vị trí địa lý, khí hậu tương đương với Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng - đây có thể coi như một tài nguyên còn bỏ ngỏ.
Bên cạnh đó, tiềm năng về trữ lượng rừng của tỉnh Gia Lai đứng đầu Tây Nguyên và đứng thứ 3 cả nước, đây là điều không phải địa phương nào cũng có. Gia Lai có các Vườn Quốc gia rất có giá trị về thổ nhưỡng, sinh thái, giá trị về bảo tồn đa dạng sinh học… Về tài nguyên nước, dù vẫn còn thiếu nước cục bộ ở một số nơi nhưng có thể nói Gia Lai cũng có nguồn nước tương đối đầy đủ, có những con sông lớn liên tỉnh, liên quốc gia chảy qua như sông Sêrêpôk, sông Sê San, sông Bang… Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng đây là những nguồn tài nguyên quan trọng, là tiềm năng rất lớn để Gia Lai phát triển.
Đề cập đến dư địa từ đất nông lâm trường chưa được tháo gỡ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, nếu chúng ta tháo gỡ được công việc này thì nhiều vấn đề mà Gia Lai báo cáo, kiến nghị Thủ tướng sẽ được giải quyết.
Lấy ví dụ có đơn vị quản lý một diện tích đất vô cùng lớn (khoảng hơn 40.000 ha) mà mỗi năm nộp ngân sách tỉnh chỉ khoảng 3 tỷ đồng, như vậy có thể thấy tính hiệu quả của đất nông lâm trường là rất thấp. Ở góc độ này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, chúng ta cũng cần thấy trách nhiệm trong việc cơ cấu, sắp xếp lại các nông lâm trường và đặc biệt là quản lý đất đai có nguồn gốc nông lâm trường. Nhất là cá biệt ở những nơi có đến hơn 50.000 ha đất đang tranh chấp, lấn chiếm khiến địa phương chưa kiểm soát được.
Bộ trưởng cũng thông tin: về vấn đề đất đai nông lâm trường, Thủ tướng đã giao Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chuẩn bị và chỉ đạo rất kỹ để xem xét đánh giá vấn đề này. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tham mưu, đề xuất những giải pháp báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ để có thể quản lý tốt đất nông lâm trường và đưa nguồn lực đất đai lớn này phục vụ phát triển kinh tế cho xã hội địa phương trong thời gian tới.
Để quản lý tốt nguồn lực đất đai có nguồn gốc nông lâm trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, hiện nay sự tham gia quản lý, giám sát của người dân còn rất ít. Bộ trưởng đề nghị có cơ chế để người dân có thể tham gia quản lý rừng, khai thác và hưởng lợi từ canh tác cây nông nghiệp, cây dược liệu dưới tán rừng…
“Ở Kon-Tum và nhiều nơi, sâm Ngọc Linh có chất lượng rất tốt. Tôi nghĩ rằng ở nhiều cánh rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng có thể trồng sâm Ngọc Linh và một số dược liệu quý khác… Vậy tại sao chúng ta không thử trồng và phát triển. Nếu có thể trồng dược liệu kết hợp với phát triển du lịch thì đây chính là tiềm năng lớn của Gia Lai.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Đóng góp thêm về phát triển du lịch tại Gia Lai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, nếu chỉ tập trung trên địa bàn tỉnh thì không thể tạo ra một kết nối khu vực. Vì vậy, cần kết nối tỉnh Gia Lai với khu vực Tây Nguyên, với khu vực Duyên Hải miền Trung và dần kết nối với cả khu vực ASEAN trong tương lai. Như vậy, cần phải tính toán và quy hoạch tỉnh Gia Lai nói riêng và toàn vùng nói chung để phát triển du lịch và đón thêm nhiều du khách trong tương lai.
Bộ trưởng cho rằng, trong phát triển du lịch cần quy hoạch tiếp cận dưới góc độ bảo tồn sinh thái để vừa bảo tồn vừa phục vụ phát triển kinh tế cho đồng bào nơi đây. “Tỉnh Gia Lai cần mạnh dạn mời các tổ chức, các nhà tư vấn có uy tín để có thể tư vấn cho địa phương hướng đi đúng đắn trong phát triển du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn di sản, bảo tồn đa dạng sinh học trong tương lai.” - Bộ trưởng kiến nghị.
Một tiềm năng nữa, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, một giá trị lớn nhất của Gia Lai đó là đa dạng sinh học và diện tích rừng tự nhiên của tỉnh nhà. Bộ trưởng cho rằng, nếu chúng ta xác định đây là để phát triển du lịch sinh thái thì cần nhìn nhận trong một quy hoạch tổng thể. Đó là cần phát triển từ: hệ thống hạ tầng giao thông; hệ thống năng lượng tái tạo (bên cạnh hệ thống thủy điện); phát triển nông, lâm nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái.
Và trên cơ sở những tính toán đầy đủ về các giá trị nông nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học, năng lượng tái tạo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, việc phát triển hạ tầng giao thông để khai thác các tiềm năng lớn đó có thể huy động các nguồn lực khác nhau để đầu tư mang lại hiệu quả. “Hay nói cách khác, hiện nay các nhà đầu tư chưa nhìn thấy hiệu quả thì họ chưa đầu tư vào hạ tầng, giao thông tại Gia Lai. Vì vậy, nếu có quy hoạch tốt, có cơ chế chính sách thu hút đầu tư rõ ràng thì sẽ tạo sức hút lớn để thu hút các nhà đầu tư tính toán, đầu tư vào Gia Lai.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Cũng trong buổi tối ngày 30/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn công tác đã tham dự khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 được tổ chức tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.