Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Phát triển năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam
(20:03:33 PM 30/11/2018)
(Tin Môi Trường) - Sáng 29/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức hội thảo quốc tế “Phát triển năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam”.
Liên doanh Dầu khí Việt - Nga trình bày tham luận.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho biết: Trước xu hướng phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng, yêu cầu năng lượng phục vụ phát triển kinh tế và đời sống ngày càng cao, do đó, ngành năng lượng phải đi trước một bước tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hội thảo nhằm đưa ra những mục tiêu chiến lược; tầm nhìn, giải pháp chiến lược để ngành năng lượng phấn đấu đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 không những đảm bảo đủ năng lượng bền vững mà còn có năng lượng dự phòng và giải quyết các vấn đề môi trường ngày càng tốt hơn.
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam đã đưa ra nhiều dự báo nhu cầu than tới năm 2030 và 2035, tình hình cân đối than trong nước và nhu cầu than nhập khẩu. Dự kiến, năm 2025, nhập khẩu 67 triệu tấn tới năm 2030, nhập khẩu 98 triệu tấn, năm 2035 nhập khẩu 106 triệu tấn, do vậy, Tập đoàn đã xây dựng Chiến lược nhập khẩu than trước mắt và lâu dài. Đặc biệt, than cho ngành điện theo dự báo tới năm 2025 và năm 2030 nhập khẩu từ 88 triệu tấn đến trên 100 triệu tấn. Để đảm bảo nguồn than nhập ổn định và lâu dài, ngành than kiến nghị cần phải tìm kiếm mỏ than từ các nước như: In-đô-nê-xia, Úc, Liên bang Nga và Ucraina... Đồng thời, đề nghị Chính phủ cho quy hoạch hệ thống kho trung chuyển than, hệ thống vận tải than đồng bộ phục vụ nhập khẩu theo 3 khu vực Bắc, Trung và Nam, sớm lập quy hoạch cơ sở hạ tầng (cảng, bến bãi, đường sắt...).
Bàn về tầm nhìn mới về phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2050; đáp ứng yêu cầu phát triển năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch VEA, Nguyễn Văn Vy cho rằng, Việt Nam cần định hướng chính sách năng lượng quốc gia, theo đó bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia như: Tăng cường công tác tìm kiếm thăm dò nhằm nâng cao trữ lượng nguồn năng lượng (than, dầu, khí đốt...); đẩy mạnh sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo; tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi, xuất khẩu năng lượng với các nước trong khu vực... Ngoài ra, Việt Nam cần phát triển ngành năng lượng toàn diện và có khả năng cạnh tranh; từng bước đưa vào trong các cấp học các nội dung liên quan đến hiệu quả năng lượng và vai trò của năng lượng; tiêu chuẩn thân thiện với môi trường; đồng thời, bảo đảm nguồn tài chính cho phát triển năng lượng...
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị về giải pháp quản trị doanh nghiệp, tài chính, đầu tư, thị trường...) cho quá trình phát triển ngành năng lượng mang tính đột phá. Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần có chính sách điều chỉnh giá năng lượng, giá điện bởi hiện tại đang ở mức thấp so với khu vực; giảm bớt thuế và phí; tháo gỡ về vốn; khuyến khích các nhà đầu tư trong nước phát triển các dự án năng lượng tái tạo; cơ chế chính sách để các doanh nghiệp sử dụng các chất thải như: Tro xỉ, tro bay của các nhà máy nhiệt điện than làm vật liệu không nung.