(Tin Môi Trường) - ‘Trường sinh bất tử’ là điều gần như chỉ là mơ ước viển vông, nhưng kéo dài tuổi thọ hơn mức trung bình hiện nay là điều con người có thể thực hiện.
Con người có thể sống tối đa bao nhiêu năm? - Ảnh 1. -Ảnh: Wasteless Future
Giống như hầu hết sinh vật trên Trái đất, không một con người nào có thể sống mãi mà không chết. Người có tuổi thọ cao nhất được ghi nhận cho đến nay là Jeanne Calment, người Pháp, đã qua đời năm 1997 ở tuổi 122.
Hiện nay Nhật Bản là quốc gia có số người dân sống thọ nhất, trung bình khoảng 84 tuổi, nhưng các nhà khoa học dự tính vào năm 2040, tuổi thọ chung của người dân ở Tây Ban Nha có thể sẽ vượt qua Nhật Bản, khoảng 86 năm.
Con người không có giới hạn tuổi?
Năm 2016, một nhóm các nhà khoa học tuyên bố trong một bài đăng trên tạp chí Nature rằng tuổi thọ con người có thể cao hơn mức 115 năm. Tuy nhiên vào tháng 6 năm nay, một nhóm nghiên cứu khác nhận định rằng "con người không có giới hạn tuổi", nếu được sống trong những điều kiện tối ưu.
Trong các nghiên cứu trên động vật suốt vài thập kỷ qua, các nhà khoa học đã bắt đầu hiểu được các quá trình xảy ra ở cấp độ phân tử và tế bào gây ra sự suy thoái ở tuổi già.
Cụ Jeanne Calmert - người được cho là sống thọ nhất thế giới - Ảnh: GETTY
Trong một bài tiểu luận trên tạp chí JAMA tháng trước, Tamara Tchkonia và tiến sĩ James L. Kirkland đến từ bệnh viện Mayo (Mỹ) đã phân loại quá trình này thành bốn nhóm: tổn thương mãn tính; rối loạn chức năng tế bào; thay đổi trong tế bào gốc khiến thất bại trong việc tái tạo mô; và cuối cùng là lão hóa tế bào, sự tích tụ trong mô tế bào lão hóa đi kèm với bệnh tật.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các tế bào già cỗi sẽ tiết ra các protein, chất béo và một số chất khác làm tăng tình trạng tổn thương và phá hủy mô. Nghiên cứu trên chuột cho thấy, khi cấy các tế bào này vào khớp gối của những con chuột khỏe mạnh sẽ gây nên tình trạng tương tự như bệnh viêm xương khớp ở người.
Các tế bào lão hóa rất ít xuất hiện ở những người trẻ tuổi, khỏe mạnh, tuy nhiên sau 60 tuổi, chúng bắt đầu tích lũy với số lượng ngày càng nhiều, đồng nghĩa với đó là xuất hiện tình trạng bệnh tật của tuổi già.
Có thuốc "trường sinh bất lão" không?
Một trong những trở ngại lớn nhất trong việc điều trị bệnh tật là độ tuổi của bệnh nhân quá cao. Người càng cao tuổi, bệnh càng trở nên nghiêm trọng và khó chữa. Và càng nhiều tuổi thì càng xuất hiện thêm nhiều căn bệnh mới.
Đó là lý do mà một số nhà khoa học đang tìm cách nghiên cứu một phương thức kéo dài tuổi thọ con người, nhằm ngăn chặn sự phát triển của bệnh tật theo tuổi tác.
Hiện nay, một số phương thuốc giúp loại bỏ các tế bào lão hóa đang trong quá trình thử nghiệm.
Trong một nghiên cứu trên chuột, các nhà khoa học phát hiện các tế bào lão hóa tỏ ra nhạy cảm với hai loại thuốc: dasatinib (một loại thuốc ung thư), và quercetin (một flavonoid thực vật). Nghiên cứu cho thấy hai loại thuốc này giúp cải thiện chức năng tim và vận động ở chuột già, làm chậm các triệu chứng loãng xương và kéo dài sức khỏe.
Nhiều nghiên cứu về tuổi thọ đã được thực hiện song đa số khẳng định không có thuốc nào chữa được lão hóa - Ảnh: Shutterstock
Tiến sĩ Nir Barzilai, từ Trường Y Albert Einstein (Mỹ), cũng đang lên kế hoạch nghiên cứu về metformin, một loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường type 2 trong hơn 60 năm qua và được chứng minh là có hiệu quả chống lại một số bệnh liên quan đến tuổi tác.
Tuy nhiên, tiến sĩ Barzilai khẳng định rằng, hiện nay không có bất kỳ loại thuốc nào có thể chữa trị tình trạng lão hóa của cơ thể và lão hóa không phải là một loại bệnh.
Ông chia sẻ rằng: "Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng chúng ta có thể ngăn ngừa một nhóm các bệnh liên quan đến tuổi già như tim mạch, ung thư, thần kinh - gia tăng thời gian sống".
Một loại thuốc "cải lão hoàn đồng" khác đang được các nhà khoa học phát triển có liên quan đến một coenzyme được gọi là nicotinamide adenine dinucleotide (NAD). Nó tham gia vào quá trình trong chuỗi hô hấp tế bào, di chuyển các electron vào màng trong ti thể, nơi năng lượng được tạo ra.
Khi con người già đi, nồng độ của NAD suy giảm một cách nghiêm trọng đến mức không thể phát hiện được trong máu của người già.
Tiến sĩ David A. Sinclair, chuyên gia về di truyền học tại trường Y Harvard, người đang theo đuổi phương pháp này, cho biết trong các nghiên cứu ở nấm men, giun, ruồi và chuột, "việc bổ sung NAD có thể đảo ngược một số phương diện của quá trình lão hóa.
Tiến sĩ Sinclair cho biết hiện tại các thử nghiệm trên cơ thể người đang được tiến hành.
Một chuyên gia khác cũng đồng ý với nhận định con người không thể "bất tử". Theo S. Jay Olshansky, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Illinois (Mỹ), ông cho rằng nên có giới hạn về tuổi thọ của con người - khoảng 85 năm là đủ.
"Các bộ phận của cơ thể, bao gồm cả bộ não, không được thiết kế để sử dụng lâu dài. Chúng ta đang thấy những hệ lụy của việc tăng thời gian sống, đó là sự gia tăng của bệnh Alzheimer, mất trí nhớ, các vấn đề về khớp và hông, mất khối lượng cơ bắp", giáo sư Olshansky cho biết.
Ông là người chủ trương kéo dài tình trạng sống khỏe, chứ không phải là tuổi thọ. Ông chia sẻ thêm rằng tất cả chúng ta rồi sẽ phải chết đi và không hề có nhà khoa học chân chính nào tin vào sự bất tử.