(Tin Môi Trường) - Chuyện tưởng chỉ có ở miền núi Tây Bắc giờ đã xảy ra ngay tại thành phố biển nổi tiếng của vùng Nam Trung Bộ. Sự bất thường vượt xa mọi dự đoán này đã tạo nên nỗi bất an quá lớn không chỉ cho cư dân nơi đây.
Hiện trường vụ sạt lở đất xã Phước Đồng, Nha Trang - Ảnh: T.THỊNH
Nha Trang xứ sở của mưa thuận gió hòa bỗng trở thành nơi phải hứng chịu liên tiếp thảm họa thiên tai.
Trận bão dữ cuối năm ngoái vừa càn quét thành phố này, giờ đến lượt một cơn đại hồng thủy đánh úp. Phút chốc hàng chục ngôi nhà ở chân núi trong thành phố bị đất đá tuôn lấp, giữa những tiếng kêu khẩn cứu bất thành.
Chỉ trong hơn hai tiếng đồng hồ đã có 18 người chết, 3 người mất tích đến giờ vẫn chưa tìm thấy.
Có gia đình 4 người của người thầy thiệt mạng vì vỡ hồ bơi đang xây của một khu đô thị. Các em nhỏ đang háo hức đến trường để mừng ngày tết thầy cô lại bị vùi trong đất đá bên cạnh cặp sách vở của mình. Đó là những cái chết uất nghẹn.
Chuyện tưởng chỉ có ở miền núi Tây Bắc giờ đã xảy ra ngay tại thành phố biển nổi tiếng của vùng Nam Trung Bộ. Sự bất thường vượt xa mọi dự đoán này đã tạo nên nỗi bất an quá lớn không chỉ cho cư dân nơi đây.
Cơn mưa như "trời sập" trong sáng 18-11 đã tạo ra những "quả bom nước" treo trên đầu các khu dân cư.
Từ chuyện vỡ kênh thoát lũ ở Hòn Xện hai năm trước đến vỡ hồ bơi của khu đô thị Hoàng Phú lần này, cho thấy ngành chức năng chỉ tập trung kiểm tra hồ đập thủy điện, thủy lợi... mà đã bỏ qua những kênh, hồ nhỏ trên các triền núi trong thành phố.
Người dân không biết ngọn núi trước đây hiền hòa giờ là hiểm họa tuôn đất đá kinh hoàng.
Bên cạnh nguyên nhân lượng mưa quá lớn thì những công trình đang được xây dựng ở các ngọn núi không thể vô can, bởi nó góp phần làm biến đổi địa hình và thay đổi thảm thực vật tự nhiên.
Đa số người chết là những người dân nghèo không có đất mới vào những khu núi xa để dựng nhà. Chính quyền xã phường nơi đó đã không quản lý tốt các khu dân cư, không kiên quyết khi để cho người dân sống trong vùng hiểm nguy rình rập.
Nha Trang là một trung tâm du lịch của cả nước, vốn được xem là một trong những nơi đáng sống ở VN, cư dân thành phố này luôn tự hào về điều đó. Chính vì thế nó đòi hỏi những người quản trị đô thị này hãy đặt yếu tố phát triển bền vững lên trước các mục tiêu khác, trong hoạch định của mình.
Biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khó lường, đòi hỏi những giải pháp phát triển đô thị cần hướng đến an toàn và nhân văn cho mọi người, nhất là những người nghèo.
Một điểm đến văn minh thân thiện, một thành phố đáng sống, không thể cứ để cho cư dân trong lòng nó (và cả du khách) phải ngày ngày đối diện với nỗi bất an, thấp thỏm.
Và đó không chỉ là câu chuyện của riêng Nha Trang.