(Tin Môi Trường) - Đây là bài viết của đại diện Hội BVTN&MT Việt Nam gửi tới Hội thảo-tập huấn do Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tổ chức mới đây. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Lể ký kết chương trình Không chất độc hại trong thực phẩm của Tin Môi Trường - Đơn vị thành viên của Hội BVTN&MT VN phát động Ảnh TL của tinmoitruong.vn
Thực hiện chủ trương của Liên hiệp Hội Việt Nam trong việc tổ chức các hoạt động thông tin, truyền thông và phổ biến kiến thức KH&CN, với mục tiêu truyền bá tri thức KH&CN tiên tiến vào phục vụ sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần xây dựng xã hội dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong thời gian qua, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã có nhiều chuyển biến trong kỹ năng và phương thức truyền thông, nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng (trong đó có cộng đồng các nhà khoa học, các nhà quản lý) về lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Bởi VACNE không chỉ phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí về KH&CN phục vụ bảo vệ môi trường, những mô hình khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học…mà còn thường xuyên cung cấp thông tin về các lĩnh vực luật pháp, chính sách và quản lý nhà nước…liên quan tới sự phát triển bền vững của đất nước.
Thành tựu nổi bật trong lĩnh vực truyền thông và phổ biến kiến thức của VACNE trong những năm qua là:
- Thường xuyên nâng cao kỹ năng truyền thông và mở rộng nhiều phương thức truyền thông. Hai lĩnh vực này thường xuyên gắn kết, nhưng áp dụng linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng khác nhau: nhà khoa học, nhà quản lý, người dân…
Cụ thể, qua các phương tiện truyền thông lớn của Nhà nước, của các ngành, địa phương và qua sách, báo, qua cổng Thông tin điện tử của Hội; đồng thời tổ chức nhiều sự kiện như: hội thảo, tọa đàm, triển lãm, thường xuyên tổ chức cuộc thi “bảo vệ nguồn nước”, Đạp xe “ Truyền thông Môi trường”. Chương trình “Vì Môi trường Xanh quốc gia”; Sự kiện “Bảo tồn Cây Di sản”; Bình chọn, giới thiêu “Sản phẩm thân thiện Môi trường”… Các hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức của Hội đã thu được những kết quả ngoài mong đợi, nhờ có số lượng người tham gia ngày càng đông và được xã hội đánh giá cao.
Một trong những ấn phẩm mang nội dung phổ biến kiến thức của VACNE đã được Liên hiệp hội KHKT Việt Nam đánh giá tốt và được dùng làm tài liệu tập huấn cho các thành viên của LHH là “Phương pháp Phản biện xã hội về bảo vệ thiên nhiên và môi trường”, NXB KHKT năm 2008.
Sở dĩ VACNE trở thành một trong những địa chỉ tin cậy của cộng đồng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, là nhờ các chuyên gia của Hội nắm vững những kỹ năng cơ bản về truyền thông. Họ biết lắng nghe, biết viết, biết nói và biết thuyết trình trên Ti vi, trên các tờ báo lớn. Hơn thế, uy tín của Hội được ngày càng nâng cao, nhờ các chuyên gia đưa ra các ý kiến tư vấn, phản biện khách quan, khoa học, đáp ứng kịp thời những vấn đề bức xúc về môi trường của xã hội. Ví dụ: Hội đã yêu cầu: Không cho phép Công ty Vedan thử nghiệm đổ chất thải ra biển (năm 1997); Điều chỉnh phương án đường Hồ Chí Minh đoạn qua VQG Cúc Phương (năm 2000); Kiến nghị dừng triển khai dự án Khu du lịch Tam Đảo II (năm 2006); Kiến nghị dừng Dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn nạo vét của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (năm 2017); Hà Nội định thay cây quanh Hồ Gươm (2017). Thậm chí có không ít thông tin kịp thời, định hướng dư luận và đã góp phần giữ gìn ổn định xã hội. Ví dụ như những thông tin: Đàn “chim lạ” là cò Nhạn (2012); Không có chuyện 11 giếng nước ở Quảng Ninh bốc cháy ngùn ngụt (2016) …
Kỹ năng truyền thông về lĩnh vực BVMT, phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu cuả VACNE còn được thể hiện bằng nhiều hình thức: từ trao đổi trực tiếp, gián tiếp tạo sức ép xã hội (hoặc từ cấp trên xuống)… tới những góp ý nhẹ nhàng, để các đối tác thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi. Đơn cử như: Mỹ không ký Nghị định thư Biến đổi khí hậu, ngày 2/6/2017 trên cổng thông tin điện tử đã có bài” Tương lai mặc trời”, bên cạnh nhiều bài viết, trả lời phỏng vấn trên phương tiện truyền thông đại chúng, trên báo in, báo mạng, Cũng tương tự, trong chuyên mục “tản mạn môi trường”trên Website của Hội lại có thêm bài thơ “cáp treo hồ gươm” (8/2/2018) để góp ý nhẹ nhàng và gây hiệu ứng khá tốt. Đơn vị được góp ý cũng rất vui và rút lui Dự án.
Thông qua kỹ năng thuyết trình của các vị Đại diện Hội tại các Diễn đàn Hội đồng tư vấn quốc gia trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Cụ thể như: Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững, Hội đồng quốc gia về Biến đổi khí hậu, Cơ quan tư vấn quốc gia xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; Ban Chỉ đạo quốc gia các dự án nhỏ Quỹ Môi trường toàn cầu của UNDP Việt Nam…nhiều thông tin hữu ích cho phát triển bền vững đất nước cũng tới được các vị lãnh đạo.
Đặc biệt, những kỹ năng truyền thông của Hội được thể hiện rất rõ nét trong những nội dung và kỹ năng tư vấn, phản biện liên quan tới lĩnh vực BVMT. Nhiều ý kiến tâm huyết, có cơ sở khoa học và cách viết lôgic mà VACNE đưa ra đã được các cơ quan chức năng chấp nhận, đưa vào nội dung các văn bản pháp luật, góp phần thiết thực phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Có thể khẳng định: hầu hết các Chiến lược, Kế hoạch hành động quốc gia và các Chiến lược hành động của ngành, của địa phương liên quan đến tài nguyên và môi trường đều mang đậm dấu ấn truyền thông, tư vấn phản biện xã hội của Hội BVTN&MT Việt Nam.
Tóm lại: Trong thời gian qua các đại diện của VACNE và các đơn vị thành viên đều cố gắng trau dồi kỹ năng truyền thông trong viết bài, trả lời phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở trung ương và các địa phương, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, hướng dẫn hành động đúng đắn vì môi trường.
Ngoài ra, Hội đã chủ trì và phối hợp với nhiều đơn vị, tổ chức hội chợ - triển lãm về công nghệ môi trường, khuyến khích việc nghiên cứu áp dụng công nghệ và sản phẩm thân thiện môi trường; mở lớp tập huấn, tọa đàm, đối thoại nâng cao năng lực cho cộng đồng bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình cộng đồng bền vững... Không chỉ cố gắng khắc phục khó khăn về nguồn lực (con người, trang thiết bị và tài chính) để duy trì các bản tin, tạp chí, Website nhằm đảm bảo chất lượng thông tin và thu hút cộng đồng, thời gian gần đây Hội còn liên kết, mở ra một số kênh truyền thông mới (kể cả báo nói, báo hình).
Hội BVTN&MT Việt Nam là đơn vị không được bao cấp về kinh phí nên việc thực hiện chủ trương của Liên hiệp Hội Việt Nam trong việc tổ chức các hoạt động thông tin, truyền thông và phổ biến kiến thức KH&CN là rất khó khăn, rất cần có những hỗ trợ cụ thể hơn của LHH. Song hành với việc thường xuyên tổ chức trao giải cho các tác phẩm, ấn phẩm truyền thông và phổ biến kiến thức có chất lượng để động viên các tác giả hoạt động tốt trong lĩnh vực này nói chung, rất cần VUSTA phối hợp tổ chức và hỗ trợ các cuộc thi viết, sáng tác ảnh và xuất bản các ấn phẩm liên quan tới BVMT, phát triển bền vững..