(Tin Môi Trường) - Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, hoạt động nạo vét tại các khu vực cảng biển thường xuyên được thực hiện nhằm phục vụ cho việc xây dựng, phát triển cũng như bảo dưỡng, duy tu và đảm bảo an toàn cho tàu thuyền ra vào bến. Từ đó dẫn đến nhu cầu lớn về việc xử lý các vật, chất nạo vét mà một trong các biện pháp là nhận chìm ở biển. Việt Nam đã và đang hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động này nhằm phát triển bền vững kinh tế-xã hội, đảm bảo môi trường, hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản.
Ảnh: IE
* Nhu cầu đang rất "nóng"
Nhu cầu về nhận chìm và đặc biệt là nhu cầu về nhận chìm các vật, chất nạo vét trên thế giới là rất lớn, hàng năm các nước trên thế giới đổ hàng trăm triệu m3 các chất nạo vét xuống biển. Phần lớn các nước thực hiện các quy định về nhận chìm vật, chất xuống biển theo 2 điều ước quốc tế, đó là Công ước Luân Đôn 1972 và Nghị định thư Luân Đôn năm 1996 về các quy định nhận chìm ở biển.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Những quy định của Pháp luật Việt Nam về nhận chìm hoàn toàn phù hợp với những điều luật quốc tế hiện hành, đặc biệt là phù hợp với điều ước tiến bộ nhất hiện nay về nhận chìm ở biển là Nghị định thư Luân Đôn năm 1996. Theo đó, chỉ có 8 loại vật, chất được phép nhận chìm ở biển, trong đó theo thống kê trên thế giới cũng như tại Việt Nam, vật, chất nạo vét chiếm gần như toàn bộ các yêu cầu đổ thải.
Hiện các địa phương được cấp phép nhận chìm ở biển từ 6 hải lí trở vào bờ, trong quá trình đó địa phương phải thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp luật đã qui định, đặc biệt là việc đánh giá vật, chất nhận chìm có đủ tiêu chuẩn hay không và địa phương phải xác nhận khu vực nhận chìm đảm bảo không tác động xấu đến môi trường, nguồn lợi thủy sản… Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra thực hiện qui định và phối hợp với các lực lượng tuần tra kiểm soát trên biển để phát hiện, kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Chi Cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo Hải Phòng Nguyễn Văn Cấn nhận định: Hiện quy định về thẩm quyền của các địa phương được cấp phép nhận chìm vật, chất ở biển trong khoảng 3 hải lý đến 6 hải lý là rất gần bờ, dễ gây tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, các khu dự trữ sinh quyển thường cũng nằm trong vùng dưới 6 hải lý… Để đảm bảo môi trường, cần nhận chìm vật, chất đổ thải ở xa bờ nhưng điều này lại vướng quy định về thẩm quyền của địa phương. Hải Phòng có khoảng 3 triệu m3 vật, chất nạo vét nhưng tỉnh vẫn đang phải yêu cầu đổ thải trên bờ.
Do đó ông Nguyễn Văn Cấn cho rằng, quy định thẩm quyền cấp phép nhận chìm vật, chất đổ thải ở biển nên giao cho các tỉnh, thành phố thực hiện. Từ đó các tỉnh, thành phố, địa phương chủ động điều tra, khảo sát các khu vực có thể đổ thải và giám sát môi trường trong quá trình đổ thải. Có thể thu tiền phí đổ thải, sử dụng số tiền đó để tiến hành khảo sát các khu vực có thể đổ thải, duy trì hoạt động...
Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi cho biết: Vấn đề liên quan đến giao khu vực biển, công tác nhận chìm ở biển tại các địa phương đang rất “nóng”. Cần có những quy định để thực hiện việc giao khu vực biển và nhận chìm, nên việc tiến hành sửa đổi bổ sung Nghị định thay thế Nghị định 51 nhằm đáp ứng yêu cầu đó.
Năm 2014, Nghị định số 51/2014/NĐ-CP được ban hành với các quy định cụ thể về giao khu vực biển và nhận chìm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, 13 hội nghị tuyên truyền, phổ biến nội dung cho cán bộ, công chức các cơ quan quản lý nhà nước về biển và hải đảo ở cả Trung ương và các địa phương, với sự phối hợp của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cùng Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh có biển. Đã có 24/28 tỉnh, thành phố có biển đã ban hành và công bố thủ tục hành chính về giao, gia hạn, sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển, trả lại khu vực biển trên địa bàn của địa phương. Hàng năm UBND một số tỉnh, thành phố ban hành mức thu tiền sử dụng khu vực biển đối với từng hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển trên địa bàn thuộc thẩm quyền giao của địa phương theo quy định.
* Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật
Ông Nguyễn Thanh Tùng nhận định: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường và hải đảo trong thời gian qua còn tồn tại vướng mắc, còn thiếu những quy định liên quan như quy định về lấn biển, nhận chìm, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển cần tiếp tục sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó còn nhiều quy định chồng chéo liên quan đến các lĩnh vực này. Về mặt hệ thống pháp luật cần nhiều sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện.
Tuy vậy, đây là một lĩnh vực mới, các quy định pháp luật cũng còn rất mới, có những quy định lần đầu tiên được luật hóa, như quy định về hành lang bảo vệ bờ biển, quy định về cấp giấy phép nhận chìm ở biển, hoặc quy định về phần vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển… nên khi triển khai còn gặp hạn chế hoặc chưa phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, một số nguyên nhân khách quan như một số quy định pháp luật mới được ban hành như Luật Quy hoạch, Luật Thủy sản… cũng đưa đến những yêu cầu cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Thời gian qua, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã xây dựng và tham mưu trình các cấp có thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật quy định về nhận chìm ở biển. Đặc biệt có thể kể đến Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Nghị định 40 của Chính phủ ban hành năm 2016... Trong các văn bản này đã quy định chi tiết, cụ thể về nhận chìm ở biển phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo một trình tự chặt chẽ. Các vật, chất được cấp phép nhận chìm xuống biển đầu tiên phải nằm trong danh mục các vật, chất được phép nhận chìm xuống biển; đáp ứng đầy đủ các quy chuẩn, không tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường, nguồn lợi thủy sản… Ngoài ra, pháp luật cũng quy định đầy đủ những nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được cấp phép nhận chìm.
Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất tham mưu với các cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung ban hành mới các qui định kĩ thuật, tài liệu hướng dẫn liên quan đến đánh giá tác động môi trường trong nhận chìm; quy chuẩn, quy định kĩ thuật đánh giá vật, chất nhận chìm; lựa chọn vị trị nhận chìm; ban hành các tài liệu hướng dẫn về giám sát trong quá trình và sau quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, người dân cũng như doanh nghiệp về việc thực hiện các quy định của pháp luật về nhận chìm. Khi thực hiện cấp phép nhận chìm cần có sự đánh giá một cách kỹ lưỡng, khách quan, toàn diện một cách khoa học về các vật, chất được phép nhận chìm phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định. Đặc biệt phải đặt ra các phương án xử lý khác nhau khi không còn phương án nào khác mới được phép nhận chìm xuống biển, đánh giá chi tiết về các khu vực biển được cấp phép để nhận chìm nhằm đảm bảo môi trường, hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản cũng như đảm bảo phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Ngoài nhận chìm là phương án cuối cùng, có thể tính đến các phương án như dùng vật, chất nạo vét làm vật liệu san lấp, chống xói lở bờ biển… nếu vật chất đáp ứng đủ điều kiện có thể áp dụng tái chế, sử dụng làm vật liệu xây dựng.
Thời gian tới, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tiếp tục tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, đặc biệt là vùng biển ven bờ. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn thải từ đất liền ra biển; quản lý chặt chẽ hoạt động nhận chìm ở biển. Đồng thời thực hiện việc điều tra, đánh giá sức chịu tải môi trường của các khu vực biển, hải đảo ở vùng rủi ro ô nhiễm cao hoặc rất cao. Công bố các khu vực biển, hải đảo không còn khả năng tiêp nhận chất thải; đánh giá, kiểm kê các nguồn thải từ đất liền và trên biển. Xây dựng và triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường biển đến năm 2030, trong đó tập trung quản lý các nguồn thải khu vực biển ven bờ, từ đất liền, từ các hoạt động giao thông vận tải, nuôi trồng thủy sản…