(Tin Môi Trường) - Chiều 8/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Cấp thoát nước Việt Nam phối hợp với Hội nước Úc tổ chức Hội thảo Bình đẳng giới trong ngành nước nhằm đẩy mạnh thực hiện giải pháp nâng cao vai trò của phụ nữ trong công tác quản lý và lao động ngành nước.
Ảnh minh hoạ: IE
Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Ứng Quốc Dũng cho biết: Qua khảo sát, trong tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành nước, phụ nữ chiếm 32%, trong đó có nhiều chị có trình độ đại học trở lên, đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của ngành nước.
Tuy nhiên, phụ nữ làm việc trong ngành nước còn gặp nhiều khó khăn và định kiến xã hội. Số lượng phụ nữ thành đạt chiếm tỷ lệ khiêm tốn, chỉ có 7 phụ nữ là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc trong tổng số 125 doanh nghiệp ngành nước. Ngành nước Việt Nam đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ về cổ phần hóa cùng với xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn đến lao động nữ, nhất là nữ lao động tuổi trung niên trong ngành nước đứng trước nguy cơ thật nghiệp và khó tìm kiếm việc làm mới.
Chia sẻ về khó khăn của phụ nữ trong tiếp cận nước sạch, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương cho biết: Hiện vẫn còn khoảng 35% dân số ở khu vực nông thôn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, 15% chưa được tiếp cận nước hợp vệ sinh và 55% chưa được tiếp cận nước sạch theo tiểu chuẩn QCVN02/2009 của Bộ Y tế. Nhiều phụ nữ nông thôn, vùng sâu vùng xa chịu thiệt thòi trong cuộc sống, trong đó có việc tiếp cận nước sạch, cùng với đó là những khó khăn khác như các sinh hoạt không hợp vệ sinh, chất lượng cuộc sống không đảm bảo, dễ bị bệnh tật.
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trước những khó khăn của phụ nữ trong vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã tích cực vận động các hộ gia đình xây dựng và sử dụng công trình nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, đấu nối nước sạch và thực hiện các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe. Các cấp Hội đã hỗ trợ phụ nữ vay vốn trong lĩnh vực nước sạch, vệ sinh môi trường từ nguồn ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội, hiện đã cho hơn 1 triệu hộ vay với số tiền 10,8 tỷ đồng, góp phần tăng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh. Thông qua các chương trình này, phụ nữ không chỉ mạnh dạn trao đổi với chồng vay vốn xây dựng các công trình vệ sinh hộ gia đình, phát triển kinh tế mà còn nâng cao vai trò của mình trong đời sống gia đình.
Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Công ty Mai Thanh, tỉnh Nam Định là một trong những phụ nữ thành đạt trong ngành nước và có nhiều hoạt động tích cực mang nước sách đến với nông thôn. Bà Nguyễn Thị Lan chia sẻ: Ban đầu, bà xây dựng nhà máy sản xuất ống nhựa để phát triển kinh tế sau đó nhận thấy nhiều hộ dân trong vùng sử dụng nước giếng khơi, nước ao hồ và nước giếng khoan trong sinh hoạt. Qua phân tích 18 mẫu nước trong vùng đều chứa lượng lớn kim loại nặng có nguy cơ gây bệnh, bà quyết định đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch cho người dân, cung cấp nước sạch cho 5.000 hộ dân ở 3 xã của huyện Nghĩa Hưng. Bà đã tìm hiểu nhà máy nước ở các địa phương, tham gia các triển lãm về nước để học hỏi kinh nghiệm, từ đó thực hiện vận hành tự động nhà máy nước, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nước, phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo cấp nước cho trên 63.000 hộ dân của 17 xã trong huyện Nghĩa Hưng.
Ông Jonathan McKeown, đại diện Hội nước Úc cho biết: Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 30 phụ nữ làm chủ các doanh nghiệp lớn và 60% hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ. Đây là một kết quả lớn thể hiện vai trò quan trọng của phụ nữ mà Úc cần học hỏi. Trong khi đó, tại Úc, các dự án ngành nước có sự tham gia của phụ nữ thường đạt kết quả cao hơn so với các dự án khác cũng đã chứng minh được vai trò của phụ nữ trong ngành nước.
Ông Jonathan McKeown cho biết thêm: Trong thời gian qua, Hội nước Úc luôn phối hợp chặt chẽ với Hội Cấp thoát nước Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện các dự án về xây dựng cơ sở vật chất ngành nước, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp nước ở các địa phương, đồng thời tổ chức các chương trình tập huấn kiến thức dành cho phụ nữ về vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường cũng như nâng cao kỹ năng cho nữ lao động ngành nước.
Nhằm thúc đẩy bình đẳng giới ngành nước, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Ứng Quốc Dũng đề xuất: Cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao kiến thức cho nữ cán bộ nòng cốt trong các cơ quan, doanh nghiệp ngành nước, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến ngành nước. Các cơ quan nghiên cứu thành lập thí điểm mạng lưới và diễn đàn phụ nữ ngành nước Việt Nam để chị em trao đổi kinh nghiệm chuyên môn và quản lý doanh nghiệp cũng như hỗ trợ tháo gỡ khó khăn đối với phụ nữ ngành nước. Bên cạnh đó, cần thực hiện các giải pháp đảm bảo việc làm ổn định cho phụ nữ trong ngành nước, đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho nữ lao động ngành nước có nguy cơ thất nghiệp, cao tuổi.