(Tin Môi Trường) - Ngày 7/11, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo phổ biến thông tin "Từ xám đến xanh - Hành trình và câu chuyện Văn phòng xanh" do Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam (AIT-VN) tổ chức.
Theo báo cáo, Việt Nam có khoảng 2,8 triệu lao động và cán bộ công chức, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam (số liệu thống kê năm 2016). Theo ước tính của Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam, có thể cắt giảm tới 6% phát thải khí nhà kính từ thực hiện sáng kiến “Thúc đẩy và nhân rộng lối sống Văn phòng xanh ở Việt Nam”, thay đổi hành vi nhân viên, cán bộ hướng tới lối sống xanh và tiêu dùng bền vững. Với mức giảm phát thải khí nhà kính trung bình, "Văn phòng xanh" có thể xem như một sáng kiến hiệu quả, đóng góp trực tiếp vào mục tiêu giảm 8% lượng khí thải nhà kính của quốc gia tới năm 2030 (so với kịch bản phát triển thông thường) theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015.
Bà Nguyễn Thị Bích Hòa, Phó Giám đốc Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam cho rằng: Sáng kiến "Văn phòng xanh" phù hợp tất cả các loại hình và quy mô văn phòng. Thực tế triển khai đã minh chứng tính hiệu quả về giảm tác động môi trường, phát thải khí nhà kính cũng như tiết kiệm chi phí vận hành. Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam mong muốn sáng kiến "Văn phòng xanh" được triển khai tại nhiều tổ chức, doanh nghiệp và đây là cơ sở để xây dựng khuyến nghị chính sách và đề xuất lồng ghép tiêu chí "Văn phòng xanh" vào các chính sách, tiêu chí đánh giá về bảo vệ môi trường của Việt Nam.
Tiềm năng cắt giảm trung bình 6% phát thải khí nhà kính từ thay đổi hành vi của cán bộ, nhân viên văn phòng được Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam đưa ra dựa trên thực tế triển khai sáng kiến “Thúc đẩy và nhân rộng lối sống Văn phòng xanh ở Việt Nam” (Dự án Văn phòng xanh) tại 11 tổ chức và doanh nghiệp tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án Văn phòng xanh đã triển khai tập huấn và truyền thông thay đổi hành vi cán bộ, nhân viên tập trung vào tiêu dùng điện, nước, giấy, vật dụng văn phòng và quản lý chất thải rắn; phát triển công cụ tính toán phát thải khí nhà kính từ hoạt động tiêu dùng của văn phòng.
Theo đó, Công ty TNHH TUV Nord Việt Nam (cung cấp dịch vụ đánh giá chứng nhận các hệ thống quản lý) đã đạt mức giảm phát thải lên tới 25,8%, Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam (INSEE - Công ty sản xuất vật liệu xây dựng Thái Lan tại Việt Nam) giảm ở mức 20%, Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng với 15,8%, Văn phòng Đại diện Đại học Bang Arizona, Mỹ với mức 14%. Các doanh nghiệp và tổ chức đạt mức giảm phát thải trung bình là: Cục Bảo vệ Môi trường Miền Trung và Tây Nguyên với mức 10,9%, Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực đồng bằng Bắc Bộ với mức 7,1%, và Công ty TNHH Thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi với mức 6,9%.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, tập huấn viên chương trình cho biết: Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực đồng bằng Bắc Bộ đã giảm 7,1% tổng phát thải khí nhà kính (tương đương với 2,45 tấn CO2) từ các nguồn bắt buộc. Cụ thể, lượng điện giảm 1,976 kWh tương đương với 1,6 tấn CO2; việc tiêu thụ giấy cũng giảm 7,8% tương đương với 0,08 tấn CO2.
Theo ông Huỳnh Sang, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng, khi nghiên cứu về việc thực hiện Văn phòng xanh tại Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên, Cục đã triển khai sáng kiến bền vững và ban hành chính sách tiêu dùng bền vững của văn phòng nhằm duy trì mô hình "Văn phòng xanh". Đặc biệt, việc sử dụng giấy in đã hợp lý, tiết kiệm với việc tăng cường trao đổi thông tin qua thư điện tử, trang tin điện tử, tạo sự linh động và tăng hiệu quả làm việc.
Trong các nguồn tiêu thụ, điện và chất thải rắn là hai nguồn có tiềm năng giảm phát thải lớn nhất, tiếp đó là tiêu thụ nước và giấy. Tỷ lệ giảm phát thải cho tiêu thụ điện và phát sinh chất thải rắn lần lượt là 10,92% và 4,13% dựa trên tính toán phát thải của tất cả các văn phòng tham gia dự án. Bên cạnh mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, dự án đã ghi nhận những kết quả tích cực về tiết kiệm chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả làm việc, xây dựng không gian làm việc thân thiện với con người và môi trường.
Sáng kiến “Thúc đẩy và nhân rộng lối sống Văn phòng xanh ở Việt Nam” do Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam đề xuất và thực hiện trong khuôn khổ Chương trình khung 10 năm về sản xuất và tiêu dùng bền vững, do Liên minh châu Âu tài trợ thông qua Chương trình Môi trường Liên hợp quốc. Sáng kiến nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính thông qua thúc đẩy lối sống xanh và tiêu dùng bền vững cho cán bộ, nhân viên văn phòng và tập trung vào 5 nhóm tiêu dùng chính gồm điện, nước, giấy, vật dụng văn phòng và phát sinh chất thải rắn. Sáng kiến đã phát triển Tài liệu hướng dẫn Lối sống và Tiêu chí Văn phòng xanh và các công cụ tính toán phát thải khí nhà kính phù hợp với đặc điểm hoạt động của văn phòng ở Việt Nam dựa trên tiêu chuẩn tính toán phát thải khí nhà kính (GHG Protocol). Sáng kiến được triển khai từ tháng 5/2017 – 11/2018.