Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nhiều đóng góp của VACNE tại Hội thảo quốc tế về kết quả thực hiện dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng

(08:57:18 AM 09/11/2018)
(Tin Môi Trường) - Ngày 6/11/2018, tại Đà nẵng đã diễn ra Hội thảo quốc tế về kết quả hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ thực hiện dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng với sự chủ trì của Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống bom mìn và chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 701) và cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USAID).

Quang cảnh Hội thảo quốc tế về kết quả hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ thực hiện dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng 

 

Tham dự Hội thảo có các vị đại biểu đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cơ quan USAID cùng các chuyên gia tư vấn đánh giá độc lập Intergra, các nhà khoa học của Việt Nam từ Trung ương và địa phương Đà Nẵng.
 
Hội thảo đã nghe các báo cáo:
 
- Quá trình và kết quả thực hiện dự án xử lý môi trường ô nhiễm Dioxin tại sân bay Đà nẵng của Bộ Tư lệnh Phòng không- Không quân
 
- Công tác giám sát công nghệ dự án: Xử lý môi trường ô nhiễm Dioxin của Bộ Tư lệnh Hóa học
 
- Kết quả quan trắc môi trường khi thực hiện dự án của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga
 
- Báo cáo tóm tắt sơ lược dự án của USAID
 
- Đánh giá cuối dự án của Đơn vị tư vấn Độc lập  Intergra
 
Hội thảo đều thống nhất kết luận:
 
- Kết quả thành công của dự án là ngoài sự mong đợi, mang tính lịch sử.
 
- Công nghệ xử lý đất và trầm tích nhiễm Dioxin dựa trên phương pháp khử hấp thu nhiệt tại chỗ là công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô lớn chưa từng có trên thế giới từ trước tới nay.
 
- Đã xử lý triệt để 90.000 m3 đất /bùn nhiễm Dioxin trên một diện tích 37,4 ha đạt tiêu chuẩn TCVN 8183/2009. Tất cả đất nhiễm dioxin được xử lý đạt dưới 1000 ppt, bùn đạt dưới 150 ppt.
 
- Nhìn chung Dự án đạt được mục tiêu đề ra nhằm hỗ trợ sự phát triển năng lực của Việt Nam và thực hiện xử lý và chôn lấp cô lập đất/bùn không còn rủi ro phơi nhiễm Dioxin tới con người hay môi trường khu vực sân bay Đà Nẵng.
 
- Trong quá trình xử lý đảm bảo an toàn lao động của con người, tổ chức truyền thông nâng cao nhạn thức của người dân xung quanh khu vực xử lý.
 
- Kết quả của Dự án là sự hợp tác giữa hai chính phủ đã được cải thiện đáng kể
 
Tuy nhiên các ý kiến đều thống nhất cách đánh giá những tồn tại, khó khăn, cũng như những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Dự án và nếu khắc phục được những tồn tại này sẽ góp phần thành công cho công tác xử lý đất nhiễm Dioxxin ở sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và những nơi khác. Đồng thời cần bổ sung, hoàn chỉnh các nội dung của báo cáo Dự án để công bố quốc tế.
 
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam có kiến nghị tại Hội thảo: Hiên nay ở miền Nam Việt Nam, ngoài 3 điểm nóng nhiễm Dioxin: Đà nẵng, Biên Hòa, Phù Cát (Bình Định), còn một số sân bay tồn lưu chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh với những nồng độ cao, thấp khác nhau mà chưa được quan tâm xử lý ví dụ như sân bay A Sho (A Lưới, Thừa Thiên- Huế), sân bay Bù Gia Mập (Bình Phước),… Tại khu vực sân bay A Sho vẫn còn tồn tại một vùng đất nhiễm Dioxin.
 
Theo số liệu phân tích mẫu đất của các nhà khoa học Hàn Quốc,  trong một Dự án phối hợp điều tra đánh giá đất nhiễm Dioxin tại sân bay A Sho giữa Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam với một số đối tác Hàn Quốc (BJC, KIOST, KIT) đã phát hiện  mẫu đất có nồng độ Dioxin lên tới 13.000 ppt. Ngoài ra, xung quanh sân bay A Sho còn một vùng đất khoảng 2 hecta đất bị nhiễm Dioxin đang được quây bằng hàng rào cây bồ kết gai nhằm  tránh sự lan tỏa ra bên ngoài và người dân tiếp xúc. Đây là khu vực đang bị ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
 
Vì vậy, Hội kiến nghị với các bên có trách nhiệm của phía Việt Nam và phía Hoa Kỳ cần quan tâm, nghiên cứu và đề xuất những công nghệ xử lý đất nhiễm Dioxin có nồng độ khác nhau, rẻ tiền, dễ thực hiện với những quy mô khác nhau để nhanh chóng đưa các khu vực tương tự như sân bay A Sho có được sự an toàn về sức khỏe, về môi trường, trở lại cuộc sống bình thường và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
BTV - Văn phòng VACNE