(Tin Môi Trường) - Thiền sư Thích Nhất Hạnh truyền tải khái niệm "Phật giáo dấn thân" do mình khởi xướng trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông quốc tế.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh: Plumvillage.org.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh hôm 28/10 trở về chùa Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP Huế), nơi xưa kia thiền sư xuất gia, trong sự chào đón của nhiều phật tử. Thiền sư quyết định sống nơi đất Tổ cùng chư huynh đệ và con cháu của Tổ Đình cho đến ngày viên tịch.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh ra tại Thừa Thiên Huế, là giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và là nhà sư nổi tiếng của Phật giáo thế giới, nhận được rất nhiều sự ngưỡng mộ của những người nổi tiếng trên thế giới và thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế.
Thiền sư là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" (engaged Buddhism). Với những hoạt động không ngừng nghỉ của mình, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma, AP đánh giá trong một bài viết năm 2009.
Là một trong những người thầy về Phật giáo ở phương Tây, những lời dạy và phương pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh thu hút sự quan tâm của nhiều thành phần đến từ các quan điểm tôn giáo, tâm linh và chính trị khác nhau. Thiền sư đưa ra cách thực hành "chánh niệm" (mindfulness), thường được điều chỉnh cho phù hợp với tri giác phương Tây.
Tờ Korean Times của Hàn Quốc cho biết trong chuyến thăm tới Seoul năm 2013, thiền sư đã đề cập đến mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, cho rằng việc Bình Nhưỡng theo đuổi vũ khí hạt nhân không phải gốc rễ gây căng thẳng cho quan hệ ngoại giao, mà gốc rễ ở đây chính là sự sợ hãi, tức giận và nghi ngờ giữa hai bên.
"Vũ khí hạt nhân là một trở ngại đối với mối quan hệ tốt đẹp giữa hai miền Triều Tiên. Nó phản ánh nỗi sợ hãi, tức giận và nghi ngờ của Triều Tiên bởi nếu không, họ đã không xây dựng vũ khí hạt nhân. Vì hòa bình, điều cơ bản cần làm không phải việc loại bỏ vũ khí hạt nhân mà là loại bỏ sự sợ hãi, tức giận và nghi ngờ trong mỗi người. Qua đó, việc hòa giải sẽ trở nên dễ dàng", thiền sư nói.
Thực tế đã chứng minh những lời nói của Thầy. Lãnh đạo hai miền bán đảo Triều Tiên sau những nỗ lực xây dựng lòng tin đã có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên sau hàng chục năm ở Panmunjom hồi tháng 4, mở đường cho hàng loạt cuộc tiếp xúc cấp cao sau này, tạo điều kiện cho quá trình hướng tới hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo. Cuộc gặp này cũng là tiền đề cho hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore hồi tháng 6, mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai nước.
Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, chìa khóa để hòa giải chính là việc "biết lắng nghe". Trả lời phỏng vấn tờ La Stampa, một trong những tờ báo lớn nhất của Italy, vào năm 2014, thiền sư khẳng định "xung đột và bất công xuất phát từ tâm trí con người" và đạo Phật giúp chúng ta có một phương pháp thực tiễn để hướng tới tình yêu và hạnh phúc đích thực.
"Khi tâm trí chúng ta bị dẫn dắt bởi tham vọng, thù hận và lòng tham, bất công xã hội rồi sau đó là bạo lực sẽ luôn trỗi dậy. Việc rèn luyện chánh niệm giúp chúng ta có được niềm vui và an yên vào những thời khắc đó".
Bài viết về thiền sư Thích Nhất Hạnh trên tờ La Stampa của Italy. Ảnh: Plumvillage.org.
Trò chuyện cùng Oprah Winfrey, người dẫn chương trình nổi tiếng của Mỹ, vào ngày 6/5/2010, thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rằng những nhận thức sai lầm về bản thân và người khác là nguồn gốc của mọi bạo lực, xung đột và chiến tranh. "Những người theo chủ nghĩa khủng bố có niềm tin sai lầm rằng người khác đang muốn hủy diệt tôn giáo hay nền văn minh của họ. Thế nên họ muốn loại bỏ ta, tàn sát ta trước khi ta có thể giết họ", thiền sư giải thích. "Lực lượng chống khủng bố cũng suy nghĩ như vậy. Cả hai bên đều bị thôi thúc bởi nỗi sợ hãi, lòng thù hận và quan niệm sai lầm".
Thiền sư cho rằng những quan niệm sai lầm này không thể bị xóa bỏ bởi bom đạn, mà phải được khắc phục bằng khả năng lắng nghe, lòng trắc ẩn và tình yêu thương. "Lắng nghe giúp ta nhận ra sự tồn tại của quan niệm sai lầm ở người khác và ở chính mình". Thiền sư Thích Nhất Hạnh khẳng định với Oprah rằng cách duy nhất để chấm dứt chiến tranh chính là sự giao tiếp giữa người với người.
"Chúng ta cần nói với nhau rằng: Hỡi các bạn, tôi biết các bạn đang đau khổ. Tôi đã không hiểu hết những khó khăn, thống khổ của các bạn. Chúng tôi không có ý khiến các bạn đau khổ thêm, mà ngược lại, chúng tôi không muốn các bạn phải đau khổ. Nhưng chúng tôi không biết phải làm gì và có thể hành động sai nếu các bạn không giúp chúng tôi hiểu được điều đó. Vậy nên xin hãy nói cho chúng tôi biết khó khăn của các bạn. Tôi rất muốn học và hiểu điều đó".
Thiền sư cho rằng nếu chúng ta chân thành, trung thực, đối phương sẽ mở lòng mình. Khi lắng nghe với lòng trắc ẩn, chúng ta có thể hiểu được rất nhiều về quan niệm của mình và của họ. "Chỉ khi đó chúng ta mới loại bỏ được quan niệm sai lầm và đó là cách tốt nhất, cách duy nhất để xóa bỏ chủ nghĩa khủng bố".
Tờ La Contra của Tây Ban Nha dẫn lại câu chuyện được thiền sư Thích Nhất Hạnh kể trong cuộc phỏng vấn năm 2014 để chứng minh rằng khi thấu hiểu được khổ đau của chính mình và người khác để giúp đỡ mọi người, tình thương sẽ nảy nở và giúp bạn hàn gắn tâm hồn.
"Daniel, một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, từng rất căm hận bởi hầu hết đồng đội của anh ta đã chết trong một trận đánh. Anh ta muốn trả thù nên tới một ngôi làng, bỏ lại túi bánh mì nhét đầy thuốc nổ, và anh ta chứng kiến 5 đứa trẻ tới mở túi bánh đó", thiền sư kể.
Daniel đã tận mắt nhìn thấy 5 đứa trẻ chết trong vòng tay mẹ khi túi bánh phát nổ. "Khi gặp tôi, anh ta là một người thống khổ, không dám kể câu chuyện này cùng ai", thiền sư nói. "Tôi khuyên anh ta dành cuộc đời mình để cứu những đứa trẻ đang chết dần trên thế giới và nguồn năng lượng đó sẽ cứu vớt anh ta. Anh ta đã làm như vậy, rồi đến một ngày, anh ta mơ thấy 5 đứa trẻ đang mỉm cười với mình. Daniel đã cảm thấy bình yên và cưới một nữ bác sĩ người Anh làm vợ".
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng nói rằng nhiều doanh nhân, ông chủ nhà băng thành đạt tìm đến ông vì họ cũng phải chịu đựng những nỗi thống khổ trong lòng. Nhiều người đã bỏ tiền làm từ thiện nhưng không cảm thấy thanh thản hơn. "Họ có tiền nhưng không có hạnh phúc lẫn tình yêu. Họ đầy lo lắng, sợ hãi, giận dữ... nên không thể tận hưởng cuộc sống", thiền sư cho biết. "Họ không trò chuyện với vợ con, và khi không giao tiếp như vậy, không ai có thể hạnh phúc. Tôi luôn nói với họ: ‘Các bạn ưu tiên điều gì, hạnh phúc hay tiền bạc? Các bạn phải lựa chọn’".
Với những người vừa muốn có tiền bạc vừa muốn hạnh phúc, thiền sư cho rằng nếu họ luyện tập một cách nghiêm túc, họ sẽ bắt đầu có những biến chuyển trong tâm trí và giác ngộ được tình yêu. "Họ nhận ra rằng họ không còn cần tiền nữa và họ chọn hạnh phúc. Đó là điều thú vị".
Trò chuyện cùng phóng viên tờ Suddeutsche Zeitung của Đức năm 2013, thiền sư Thích Nhất Hạnh kể câu chuyện một phụ nữ trẻ tên là Laura để nói về sự vô thường trong cuộc sống. Chồng của Laura, Frederik, là một doanh nhân thành đạt, gia đình họ có mọi thứ, nhưng Laura không cảm thấy hạnh phúc vì họ không có thời gian dành cho nhau và cho con trai.
"Frederik chỉ có thời gian để làm việc. Ban đầu cô rất tự hào về chồng, nhưng rồi Laura sớm cảm thấy cô đơn. Cô ấy đã thử làm nhiều điều, như quay lại học đại học và lấy bằng cử nhân, tổ chức các sự kiện từ thiện, nhưng đều không có tác dụng", thiền sư kể. "Cô ấy thường khóc mỗi đêm".
Frederik luôn nói rằng không ai có thể thay thế anh trong công việc, rằng anh có thể bớt bận hơn trong ba năm tới. Nhưng ba năm trôi qua, anh vẫn làm việc nhiều như vậy, thậm chí không thể đến bệnh viện nơi con trai đang phẫu thuật. "Một ngày nọ, Frederik bị tai nạn giao thông và qua đời. Ba ngày sau, có người thay thế vị trí của anh ở công ty. Điều này xảy ra rất thường xuyên. Chúng ta phải thức tỉnh, ngay bây giờ, chứ không phải trong ba năm. Đừng hy sinh hạnh phúc của mình hôm nay cho tương lai".
Tờ Guardian của Anh cho rằng không chỉ quan tâm tới các vấn đề chính trị và nỗi đau khổ của con người, khái niệm "Phật giáo dấn thân" do thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng còn thể hiện nỗi lo lắng với những vấn đề toàn cầu hiện nay, trong đó có hiện tượng khí hậu ấm lên.
"Nhiều người vẫn không để ý tới mối đe dọa của hiện tượng ấm lên toàn cầu, dù các nhà khoa học đã đưa ra rất nhiều bằng chứng, là do họ vẫn chưa tự cứu được mình khỏi những đau khổ của bản thân nên không bao giờ đoái hoài đến nỗi đau của Mẹ Trái Đất", thiền sư nói.
Với những công ty sản xuất những sản phẩm có hại cho môi trường, thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng các doanh nghiệp đó cần dừng hành động này lại và người tiêu dùng cũng cần có phản ứng để đảm bảo rằng mình được sử dụng những sản phẩm có lợi cho sức khỏe hơn. "Nếu người tiêu dùng thức tỉnh, nhà sản xuất sẽ phải thay đổi. Chúng ta có thể buộc họ thay đổi bằng cách không mua sản phẩm của họ nữa".
Tờ Huffington Post của Mỹ năm 2017 đề cập đến mối quan hệ giữa thiền sư Thích Nhất Hạnh và mục sư Martin Luther King Jr., cho biết thiền sư có vai trò quan trọng trong việc cổ vũ King cất lên tiếng nói phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Năm 1967, mục sư King đã đề cử thiền sư Thích Nhất Hạnh cho giải Nobel Hòa bình.
"Điều đó nhắc nhở mọi quốc gia rằng những người thiện chí luôn sẵn sàng dẫn dắt các bên tham chiến ra khỏi vực sâu của thù hận và hủy diệt", King viết trong thư đề cử. "Nó sẽ một lần nữa thức tỉnh con người về lời dạy đối với vẻ đẹp và tình yêu của hòa bình. Nó sẽ giúp hồi sinh niềm hy vọng cho một trật tự mới của công lý và hòa hợp".