Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Thừa Thiên-Huế:Doanh nghiệp xin nhận chìm hơn 700.000 m3 bùn xuống biển
(20:27:00 PM 02/11/2018)
(Tin Môi Trường) - Chủ đầu tư dự án xây dựng bến số 3 cảng Chân Mây, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế đề xuất nhận chìm hơn 700.000 m3 bùn xuống biển.
Chiều 2-11, trao đổi, ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, xác nhận thông tin về việc Công ty TNHH Hào Hưng Huế - chủ đầu tư dự án xây dựng bến số 3 cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc) đề xuất nhận chìm bùn thải xuống biển.
Dự án đề xuất nhận chìm hơn 700.000 m3 bùn xuống biển.
Theo đó, hiện Công ty TNHH Hào Hưng Huế cho biết đang gặp khó khăn về vị trí đổ 1,2 triệu m3 bùn nạo vét khi thực hiện dự án bến số 3 cảng Chân Mây. Tình trạng này khiến dự án chậm tiến độ trong việc thực hiện các hạng mục. Để giải quyết vướng mắc, công ty có văn bản gửi Bộ TN&MT, UBND tỉnh xin nhận chìm hơn 700.000 m3 vật liệu nạo vét bùn cát ngoài biển, cách bờ khoảng 3 km.
Về việc đề xuất nhận chìm bùn thải của dự án này, ông Khanh cho biết: "UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu dự án này làm đúng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ TN&MT vì hiện nay Bộ TN&MT yêu cầu phải đem (bùn thải từ việc nạo vét - PV) lên hết".
"Trong văn bản công ty này có đề xuất thêm phương án đổ bùn thải này sang vị trí thi công bến số 4 thì tỉnh yêu cầu công ty này phải trình phương án cụ thể có đánh giá tác động môi trường của Bộ TN&MT" - ông Khanh nói.
Trao đổi qua điện thoại, ông Thang Văn Hóa, Giám đốc Công ty TNHH Hào Hưng Huế - chủ đầu tư dự án trên, cho biết công ty đã có đề xuất phương án trên nhưng chưa được thông qua.
“Bây giờ vấn đề nhận chìm rất khó nên công ty vẫn đang chờ kết quả. Bên cạnh đó công ty đang tìm hướng khác, cụ thể đề xuất đưa lượng chất thải này lên bờ tìm địa điểm san lấp nhưng hiện nay vẫn chưa tìm ra được vị trí” - ông Hóa nói.
Dự án bến số 3 cảng Chân Mây có tổng mức đầu tư gần 850 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng đầu năm 2019. Theo thiết kế, công trình được xây dựng với quy mô 13 ha, trong đó diện tích bến bãi hơn 10 ha, còn lại là diện tích khu mặt nước.