(Tin Môi Trường) - Sông Buông - con sông nội tỉnh của Đồng Nai, đang đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ bởi các mỏ đá đe dọa phá vỡ bờ sông bất cứ lúc nào
Sông Buông bắt nguồn từ thị xã Long Khánh chảy qua huyện Trảng Bom, TP Biên Hòa rồi đổ vào sông Đồng Nai. Tại một cuộc họp gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Đồng Nai đã báo cáo gấp lên UBND tỉnh này là phải đánh giá môi trường tổng thể cụm mỏ đá Phước Tân, trong đó đặc biệt cảnh báo ảnh hưởng của khai thác khoáng sản đang giết dần sông Buông.
Chơi vơi bên vực sâu của mỏ đá
Theo số liệu từ Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, sông Buông có chiều dài 52 km nhưng chạy dọc con sông này có đến 10 mỏ đá quy mô lớn được cấp phép khai thác với tổng diện tích hơn 400 ha. Cụ thể, theo sơ đồ quy hoạch, có 5 trong 10 mỏ đá đang khai thác nằm cặp bờ sông Buông. Trong đó, chiều dài mỗi mỏ đến hàng trăm mét. Các mỏ Tân Cang, Tân Cang 2, Ấp Miễu nằm sát bờ sông, chỉ cách… 50 m. Các mỏ này được cấp phép khai thác từ năm 1998, mỏ được cấp phép khai thác mới nhất là vào năm 2010, trong đó thời hạn khai thác của các mỏ kéo dài 30 năm. Sau đó các mỏ còn có thể được gia hạn thêm 20 năm. Nói vậy để thấy thời gian khai thác đá của ông chủ các mỏ trên còn rất lâu, trong khi dòng sông này đang dần… chịu không xiết!
Một điểm khai thác đá với những hố sâu bên cạnh sông Buông
Sở TN-MT đặt vấn đề: Với hệ thống mỏ đá rộng bao la và sâu thăm thẳm nằm dọc hai bên sườn sông Buông nhỏ bé (tùy từng đoạn rộng 5-10 m), các mỏ đá với độ sâu khai thác đến 80 m sẽ khiến dòng sông trở thành một hiện tượng… kỳ quặc - tức sông sẽ thành "bể" nước trồi lên với hai bờ mỏng manh đựng đầy nước nằm cheo leo bên vách các mỏ đá sâu hun hút.
Từ những cảnh báo của Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, những ngày cuối tháng 10, có mặt ở khu khai thác khoáng sản Phước Tân - nơi khai thác đá quy mô lớn nhất tại Đồng Nai, chúng tôi chứng kiến con sông Buông oằn mình chảy ngoằn ngoèo giữa vùng khai thác đá bao la, với hàng loạt hố sâu. Có những đoạn sông Buông đối mặt với vách mỏ đá dựng đứng hai bên, máy xúc, xe ben chở đá chạy ầm ào và đất đá san ủi đã rơi rớt tràn xuống hai bên bờ sông. Ghi nhận tại hiện trường, có thể mường tượng ngày con sông trồi lên giữa những vách mỏ đá rộng bao la là không xa. "Con sông sẽ bị biến mất hình thù khi các mỏ đá khai thác xong và thành bờ sông có thể bị vỡ…" là nhận định của ngành TN-MT tỉnh Đồng Nai và cũng là những gì chúng tôi ghi nhận được.
Thấy nguy hại thì lập tức đóng cửa mỏ đá
Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai cho biết hiện các mỏ đá đều có đánh giá tác động môi trường do Bộ TN-MT thực hiện. Tuy nhiên, điều khó chấp nhận là không hề có một đánh giá tổng thể mà chỉ có đánh giá độc lập, đơn lẻ của từng mỏ. Trong các đánh giá độc lập ấy, cũng chỉ có đánh giá về mức độ, cách thức khai thác, quy trình nổ mìn phá đá… chứ không hề đánh giá về tác động của hoạt động khai khoáng lên sông Buông.
Đoạn sông Buông chảy qua khu mỏ đá Phước Tân với đất đá san ủi đã rơi rớt tràn xuống sông
"Để kịp thời bảo vệ sông Buông, Sở TN-MT đã báo cáo, đề xuất, tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, đánh giá tổng thể toàn vùng để kịp có giải pháp" - đại diện Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai thông tin. Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai thừa nhận quá trình cấp phép khai thác các mỏ đá tại khu Phước Tân chưa nhìn thấy nguy cơ đối với sông Buông (!).
Ngày 30-10, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, đã thông báo ngay sau khi sở nêu vấn đề, lãnh đạo tỉnh này đã ghi nhận và khẳng định cần phải đánh giá tổng thể. Bởi hiện tại, các nguy cơ đã được nhìn thấy. Đó là khi các mỏ đá bao vây hai bên sườn, dòng sông có thể bị hút cạn kiệt. Nghiêm trọng hơn, trường hợp xảy ra vỡ sông, gây mất sông Buông thì sẽ là thảm họa đối với môi trường. "Lãnh đạo tỉnh khẳng định nếu có nguy cơ thì phải lập tức có giải pháp phòng ngừa, điều chỉnh. Nếu xuất hiện hiểm họa đối với sông Buông thì phải điều chỉnh ngay hoặc đóng cửa mỏ đá chứ không thể chậm trễ…" - ông Hưng nói.
Người dân liên tục phản ứng
Khu mỏ đá ở xã Phước Tân thời gian dài xảy ra nhiều lộn xộn. Trong khu này có mỏ đá của hợp tác xã nơi chồng bà Phan Thị Mỹ Thanh (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai vừa bị trung ương kỷ luật cách hết chức vụ) quản lý, khai thác, để xảy ra nhiều tranh chấp, tai tiếng. Khu khai thác khoáng sản cũng gây nên nhiều hệ lụy về môi trường, an toàn giao thông nên người dân liên tục ngăn đường để phản ứng, hạn chế xe ben vào ra và yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường giám sát, xử lý.
Khu vực này cũng là nơi có con đường chuyên dụng vào các mỏ đá do đơn vị mà chồng bà Mỹ Thanh quản lý thực hiện, bị tố cáo có nhiều sai phạm. "Qua nhiều đời cán bộ, nhiều nhiệm kỳ quản lý, mỗi người mỗi kiểu mạnh ai nấy làm để rồi khi nhìn lại tổng thể thì te tua, chịu nhiều hệ lụy..." - một cán bộ hưu trí ở xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bức xúc.