Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bảo vệ môi trường: Cảnh báo nguy cơ rác thải nhựa đối với đảo Pascua của Chile

(23:14:38 PM 31/10/2018)
(Tin Môi Trường) - Nhiều nhà khoa học mới đây đã lên tiếng cảnh báo mối đe dọa từ nguồn rác thải nhựa đối với đảo Pascua, phần lãnh thổ nằm giữa Thái Bình Dương của Chile và nổi tiếng với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp và những tượng đá “moai” khổng lồ của sắc tộc Rapa Nui cổ xưa.

Những nghiên cứu môi trường mới được Đại học Thiên chúa miền Bắc Chile thực hiện cho thấy có tới 75,3% lượng rác thải thu gom dọc bờ biển của đảo Pascua là rác thải có nguồn gốc từ vật liệu nhựa. Hầu hết số rác thải đã “chu du” hàng nghìn km từ các nước khác, trong đó có nhiều nước châu Á, tới hòn đảo nổi tiếng này.

 

Bảo vệ môi trường: Cảnh báo nguy cơ rác thải nhựa đối với đảo Pascua của Chile

Ảnh: IE

 

Dù nằm cách bờ biển Nam Mỹ, lục địa gần mình nhất, tới 3.750 km, hằng năm đảo Pascua vẫn buộc phải thu nhận một lượng rác thải lớn trôi dạt, chủ yếu do dòng hoàn lưu cận nhiệt đới Nam Thái Bình Dương mang lại. Thêm vào đó, bản thân hòn đảo với gần 8.000 dân và diện tích 164 km2 cũng đang đứng trước thách thức xử lý tốt khối lượng 4.700 tấn rác thải mà chính các cư dân nơi đây thải ra mỗi năm.
 
Các nhà khoa học cũng cảnh báo về nguy cơ khô hạn của Pascua, như hệ quả của hiện tượng Trái Đất ấm lên. Năm 2017 là năm khô hạn thứ 2 ghi nhận được tại Pascua kể từ khi tiến hành đo đạc có hệ thống chỉ số này từ năm 1961, với lượng thiếu hụt lượng mưa so với mức trung bình lên tới 44%.
 
Trong một bức thư gửi Hội nghị Môi trường mới đây của đảo Pascua, Đặc phái viên Liên hợp quốc về đại dương Peter Thompson đã cảnh báo về các hiện tượng như axit hóa, tăng nền nhiệt độ và phi ôxy hóa đại dương tại Pascua. Quan chức trên nhấn mạnh: “Chúng ta không thể tiếp tục chờ đợi rằng đại dương có thể giải quyết mọi thứ rác thải hóa học và nhựa mà chúng ta ném ra từ đất liền. Xin hãy lưu ý tới những hệ quả từ hành động của mình với ý thức rằng chính hệ sinh thái đại dương là nơi cung cấp cho chúng ta từng hơi thở”.
Lê Hà