(Tin Môi Trường) - Trưởng thành từ một Trung tâm hoạt động KHCN-MT, tới nay Viện Môi trường và Phát triển Bền vững của Hội BVTN&MT Việt Nam đã nhanh chóng lớn mạnh về tổ chức và có nhiều hoạt động phong phú, rộng khắp trên cả nước.
Hiện nay, ngoài Văn phòng chính tại Hà Nội, Viện đã hình thành 5 đơn vị thành viên và triển khai nhiều hoạt động. Chi nhánh phía Nam là có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, được thành lập đầu tiên vào tháng 4/2000. Chi nhánh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, đặt trụ sở tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa là chi nhánh kế tiếp được thành lập tháng/6/2001. Chi nhánh Bắc Trung bộ, đặt trụ sở tại TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị được thành lập tháng 11/2005. Ngoài ra, Viện trưởng Viện còn phát triển các trung tâm: Tư vấn Chính sách và Giám sát Môi trường (CEPCOM); Nghiên cứu và Triển khai (REC) vào cuối năm 2011 tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.
Ảnh: TL
Nhờ có đội ngũ đông đảo các nhà khoa học uy tín (gần 50 cán bộ, trong đó: 6 Giáo sư, 2 Phó Giáo sư, nhiều Tiến sĩ và Thạc sĩ) và có trang bị điều kiện vật chất kỹ thuật cần thiết cho hoạt động KHCN; đồng thời có quan hệ chặt chẽ với nhiều viện nghiên cứu và trường đại học trong nước , nên những năm vừa qua, VESDI tiến hành nhiều hoạt động phong phú, có chất lượng tốt. Nhất là các hoạt động trong lĩnh vực: đào tạo, tư vấn phản biện xã hội và nghiên cứu, triển khai các đề tài khoa học và công nghệ phục vụ nhiệm vụ BVMT, phát triển KT-XH bền vững. Cụ thể là: - Tiến hành các hoạt động giáo dục, đào tạo, phổ biến kiến thức và thông tin, nâng cao nhận thức về môi trường và phát triển bền vững (PTBV) phục vụ các cơ quan quản lý của Nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu, các trường, các tổ chức xã hội và các cộng đồng nhân dân.
- Tư vấn về chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch triển khai các biện pháp kỹ thuật và công nghệ về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ, hồi phục, cải thiện chất lượng môi trường. - Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM) các chiến lược/quy hoạch/kế hoạch và các dự án phát triển KT-XH. Đánh giá hiện trạng môi trường và đề xuất giải pháp xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường tại các địa phương, khu công nghiệp, nhà máy, vùng nông nghiệp, công trình xây dựng.
- Hợp tác với các cơ quan ở trong nước, nước ngoài và tổ chức quốc tế theo các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu, triển khai, theo các thỏa thuận và hợp đồng song phương hoặc đa phương về BVMT và PTBV.
Riêng các đề tài, dự án cấp Nhà nước và cấp Bộ mà Viện đã tham gia phục vụ sự nghiệp BVMT trong những năm vừa qua, đã lên tới con hàng chục. Các đề tài này liên quan đến các công trình Thủy điện Sơn La, thủy điện Trị An; Thủy điện Ya Li ...và nghiên cứu về tác động kinh tế, xã hội, môi trường của nhiều khu vực di dân, tái định cư ở Việt Nam; Nghiên cứu xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về chất lượng trầm tích và nước biển xa bờ; Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang; Nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) quy hoạch phát triển KT-XH vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) ...
Ngoài ra, Viện còn chủ trì và phối hợp thực hiên nhiều đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, thành phố với nhiều nội dung phong phú, liên quan tới BVMT và PTBV tại Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Cần Thơ, phục vụ thiết thực phát triển kinh tế và đời sống nhân dân địa phương.