Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Phát động phong trào "Chống rác thải nhựa" quy mô toàn quốc

(19:47:38 PM 12/10/2018)
(Tin Môi Trường) - Ngày 12/10, hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa ra môi trường trên quy mô toàn quốc.

Phát động phong trào "Chống rác thải nhựa" quy mô toàn quốc

Ảnh: IE

 
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Các sản phẩm từ nhựa, nilon ra đời mang lại nhiều tiện ích và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống nhiều người dân. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hơn 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng, trong đó khoảng 60% lượng sản phẩm được chôn lấp hoặc thải thẳng ra môi trường. Những đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, nilon đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái Đất.
 
Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa, nilon trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy. Đây là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới nên để giải quyết cần sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu.
 
Bộ trưởng Trần Hồng Hà kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động chống rác thải nhựa. Các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Các nhà khoa học đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất; khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường. Các cơ quan trong nước và đối tác quốc tế thúc đẩy các hình thức hợp tác, hỗ trợ tiếp nhận công nghệ về quản lý, tái chế, xử lý chất thải nhựa, phát triển các sản phẩm thay thế nhựa, nilon.
 
Các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon nhằm thay đổi thói quen, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đánh giá, tổng kết và đưa vào xét Giải thưởng về môi trường năm 2021.
 
Theo ông Kamal Malhotra, Đại diện thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam: Ô nhiễm nhựa ở châu Á là một vấn đề lớn. Thực tế, 60% lượng rác thải nhựa thải ra biển có nguồn gốc từ 6 nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Việc sử dụng túi nhựa một lần và năng lực xử lý rác thải còn hạn chế đã gia tăng áp lực về ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng. Đây là thời điểm để kêu gọi hành động tập thể cùng đối phó với một trong những thách thức lớn trên toàn cầu và cần sự vào cuộc của chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
 
Chính phủ dẫn đầu bằng việc ban hành các chính sách mạnh mẽ nhằm ngăn chặn sản xuất và sử dụng túi nhựa dùng một lần. Khối doanh nghiệp tư nhân cần sáng tạo, áp dụng các mô hình kinh doanh để giảm thiểu tác động của các sản phẩm đối với vùng hạ nguồn… Người dân phải là người sử dụng thông thái, dần từ bỏ thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
 
Ông Kamal Malhotra nhấn mạnh: Các hành động đơn lẻ không thể giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, cần tiến hành các hành động chưa bao giờ thực hiện cũng như suy nghĩ và đề xuất các chiến lược để thiết kế, sản xuất, giảm thiểu việc sử dụng túi nhựa dùng một lần; ban hành và thúc đẩy nghiên cứu các giải pháp thay thế và sản xuất bền vững. Để ứng phó với vấn nạn rác thải nhựa ngày càng gia tăng, Liên hợp quốc tại Việt Nam đã thực hiện Chiến lược chống rác thải nhựa, hình thành quy tắc ứng xử ngăn chặn rác thải nhựa. Các hành động đã được thực hiện ở các cơ quan thuộc Liên hợp quốc như dừng sử dụng cốc nhựa dùng một lần, túi nhựa cho các thùng rác đã được thay thế bằng túi nhựa sinh học... và các văn phòng đều có thể áp dụng biện pháp này.
Minh Nguyệt