Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sử dụng công nghệ xanh cho phát triển bền vững

(12:48:46 PM 05/10/2018)
(Tin Môi Trường) - Ngày 5/10, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức tổ chức hội thảo "Công nghệ xanh cho phát triển bền vững" nhằm hướng tới giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường bằng việc phát triển bền vững những công nghệ thân thiện với môi trường, không làm tổn hại đến nguồn tài nguyên thiên nhiên hay ảnh hưởng nguy hại đến thế hệ tương lai.

Sử dụng công nghệ xanh cho phát triển bền vững

Ảnh: IE

 
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hoàng Lương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm Nhà nước "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng" nhấn mạnh: Một trong những lĩnh vực quan trọng nhất là lĩnh vực năng lượng. Công nghệ xanh đòi hỏi phải sử dụng năng lượng hợp lý, giảm thiểu độc hại và bảo vệ môi trường thiên nhiên. Để ứng dụng mạnh mẽ và giải quyết công nghệ xanh, phải hướng tới yếu tố hóa học xanh, điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp, hóa học xanh sẽ giảm và dần tiến tới thay thế việc sử dụng phân bón và hóa chất.
 
Hội thảo "Công nghệ xanh cho phát triển bền vững" hướng tới tạo dựng một chu trình kín trong sản xuất, nghĩa là phế phẩm của quy trình sẽ là nguyên liệu đầu vào của quy trình khác, nhằm giảm thiểu tối đa phế thải độc hại và tăng cường khả năng tái tạo sản phẩm cũ thành nguyên liệu mới. 
 
Ông Nguyễn Thế Mịch, Viện Cơ khí động lực (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, Viện đang nghiên cứu thiết kế và chế tạo hệ thống tua-bin gió kiểu trục ngang có công suất trong dải từ 15-20 kW, kết quả nghiên cứu thành công sẽ hỗ trợ việc tăng sản lượng điện năng một năm. Bên cạnh đó, tua-bin làm việc ở tốc độ thấp có khả năng thu hồi vốn, có lãi và diện tích có thể lắp đặt tua-bin của cả nước sẽ tăng đáng kể.      
 
Đề cập đến tiềm năng năng lượng sóng biển ven bờ Việt Nam, nhóm tác giả nghiên cứu: Dư Văn Toán, Lê Đức Đạt, Đặng Nguyệt Anh, Nguyễn Quỳnh Trang, Nguyễn Thị Thúy cho hay, phương pháp tính toán năng lượng sóng trung bình năm và tổng công suất năm dựa trên số liệu trung bình mật độ sóng cho từng khu vực và 28 tỉnh, thành phố ven biển theo 12 tháng và số liệu bờ biển 28 tỉnh, thành phố là 3260 km. Kết quả tính toán cho thấy, tổng công suất năng lượng sóng năm là 212 TWh/năm, tức chiếm gần 1% tổng giá trị toàn cầu, đạt 90% nhu cầu điện năng hiện tại của Việt Nam là 230 TWh/năm và tiềm năng năng lượng sóng biển tốt nhất tại Việt Nam là từ Quảng Bình đến Bạc Liêu.     
 
Liên quan đến công nghệ mô-đun điện mặt trời và công nghệ chiếu sáng Led phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái tại Lào Cai, ông Trịnh Quang Dũng, đại diện Tổng Công ty cổ phần Linh Đường cho hay, Công ty sản xuất, chế biến chè truyền thống, có thương hiệu tại Lào Cai, để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cần ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với công nghệ xanh. Xét về năng lượng, điện mặt trời tích hợp với hệ điều khiển thông minh kết nối tối ưu hóa sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Việc sử dụng điện mặt trời, hệ thống chiếu sáng Led, điều khiển vi khí hậu thích hợp sẽ làm tăng năng suất và chất lượng chè, cũng như sản phẩm khác của Linh Đường.
 
Mô-đun nông nghiệp công nghệ cao là ý tưởng đột phá, là xu hướng mới đang được thế giới đặc biệt quan tâm, tuy nhiên chưa được phát triển tại Việt Nam. Dự án sản xuất thử nghiệm dùng tổ hợp công nghệ xanh cho phát triển bền vững triển khai 12 tháng trên đồi chè Linh Sơn rộng 300 ha, cách thành phố Lào Cai khoảng 10 km, đạt hiệu quả kinh tế cao trong nông nghiệp công nghệ cao và du lịch.
 
"Hiện nay vấn đề ô nhiễm nước cũng trở nên rất nghiêm trọng trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cần đưa ra các giải pháp để việc ngăn chặn ô nhiễm nước từ những nguồn thải, xử lý nước thải triệt để tại những nơi gần nguồn thải, đảm bảo nước thải được xử lý trước khi chảy vào nguồn chung; ngăn chặn việc vứt, đổ rác thải xuống các nguồn nước...". Ông Reinhard Henold, chuyên gia tư vấn về vấn đề nước thải của Đức nhấn mạnh.
Thắng Trung