Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Các nhà khoa học Việt Làng ung thư - có oan uổng
Bộ trưởng Mai Ái Trực thăm bệnh nhân ở “làng ung thư” tại Hải Phòng (ST)
Đến nay, những cái tên làng ung thư đã được tung ra trong công chúng có thể nhắc đến như làng Thạch Khê (Phú Thọ), làng Đồng Lỗ, Ứng Hòa (Hà Tây), làng Thủy Nguyên (Hải Phòng), làng Cờ Đỏ, xã Diễn Hải (Diễn Châu, Nghệ An), làng Kim Thành, Đức Thành (Yên Thành, Nghệ An), làng Thanh Lê Thiệu Trung (Thiệu Phong, Quảng Trị), v.v... Các tỉnh Hà Tây, Hà Nam, Thanh Hóa, TT - Huế, Quảng Nam đều có làng ung thư bị nêu tên.
Những ngôi làng nổi tiếng với truyền thống văn hóa làng nghề cũng bị liệt vào nguy cơ bị ung thư như: làng Vạn Phúc, Đường Lâm. Nhiều làng còn được miêu tả với từ ngữ “Ra ngõ là gặp ung thư”, “ngõ chết chóc”...
Liệu ung thư ở Việt Nam có nhiều đến mức phải gọi làng có tỷ lệ người bị ung thư trung bình thành làng ung thư không. PGS-TS Phạm Duy Hiển - Phó Giám đốc Bệnh viện K, trưởng đoàn kiểm tra thực trạng ung thư tại một số làng ung thư mà báo chí phản ánh, cho rằng, gọi làng ung thư là rất phản cảm và thường không đạt được hiệu quả về tuyên truyền phòng chống ung thư.
Một số làng mà đoàn đến kiểm tra thì thấy tỷ lệ người bị ung thư thấp, thậm chí có nơi làng đó còn là làng văn hoá, đời sống người dân khá ổn định và không đáng để bị chụp mũ là làng ung thư.
PGS Hiển cho biết, tỷ lệ dân mắc ung thư ở Việt Nam không cao hơn nhiều nước phát triển khác. Thực tế này đang cần những nghiên cứu sâu hơn về làng ung thư, giúp người dân hiểu rõ hơn về ung thư và góp phần điều trị ung thư tốt hơn.
Cá chuyển gene Madaka - giải nỗi oan
Cá Medaka đột biến gene áp chế ung thư |
Để xem xét môi trường ô nhiễm ở nơi nào đó có phải là tác nhân độc nhất gây ung thư hay không, các nhà khoa học đã nghĩ đến việc cần có các nghiên cứu đưa ra được bằng chứng có đối chứng.
Tháng 7/2007, các nhà khoa học gồm PGS-TS Nguyễn Ngọc Hùng, TS Tạ Thành Văn (Đại học Y Hà Nội) thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước: “Nghiên cứu thực trạng và ảnh hưởng ô nhiễm môi trường do một số chất hữu cơ khó phân huỷ (POPs) gây tổn thương gene”.
Nhóm nghiên cứu này kết hợp với các nhà khoa học thuộc Đại học Kyoto (Nhật Bản) đánh sập gene áp chế ung thư trên cá Medaka để sử dụng chúng như một chỉ điểm sinh học đánh giá khả năng gây ung thư của các hóa chất môi trường ô nhiễm. Ngoài ra, còn lấy huyết thanh, máu và sữa các bà mẹ để nghiên cứu.
Theo TS Tạ Thành Văn, khi cá Medaka bị đánh sập gene áp chế ung thư (gen P 53), khả năng cá bị ung thư rất cao. Nếu đưa cá vào môi trường bị ô nhiễm tại Thạch Sơn trong tình thế không còn gene áp chế ung thư thì cá Medaka sẽ bị ung thư là đúng quy luật.
Trong trường hợp cá Medaka không bị ung thư khi thả vào môi trường làng ung thư, chắc chắn môi trường đó không thể gọi là ô nhiễm và càng không thể gọi đó là làng ung thư.
Trong giai đoạn đầu nghiên cứu, các nhà khoa học tại Đại học Y Hà Nội đã thành công bước đầu là đánh sập được gene áp chế ung thư của cá Medaka ngay tại Việt Nam. Ngay từ bây giờ các nhà khoa học có thể mang cá Medaka đi xác định mức độ ô nhiễm gây ung thư và kết luận nơi nào đó có phải là làng ung thư hay không.
Với những người từng sống tại các làng ung thư đã chuyển đi nơi khác sống cần xác minh nguy cơ họ bị ung thư ra sao vì từng sống ở làng ung thư mà cá Medaka không xác minh được, các nhà khoa học sẽ tiến hành lấy máu, huyết thanh, sữa mẹ (kèm theo các thông tin về tiền sử nơi ở, nghề nghiệp, các bệnh đã mắc, thuốc dùng...) để xét nghiệm và khẳng định bí ẩn này.
Các mẫu huyết thanh, sữa mẹ sẽ đưa vào labo Gene-Protein tại trường Đại học Y Hà Nội để triển khai mô hình nghiên cứu trên cá Medaka biến đổi gene ung thư.
Như vậy, đến năm 2009, hàng nghìn hộ dân đã và đang sống ở làng bị mang tiếng là ung thư sẽ có cơ hội biết mình có nguy cơ bị ung thư ra sao nhờ nghiên cứu từ dự án này.
Thực ra, ngay trong năm 2007, với sự trợ giúp của GS Takeda và các cộng sự trường Đại học Kyoto (Nhật Bản), PGS Nguyễn Ngọc Hùng và TS Tạ Thành Văn chứng minh được rằng, các tế bào của cá Medaka thường bị chết nhiều hơn (do ADN bị tổn thương) so với các loài cá khác khi thả vào môi trường, song không hoàn toàn bị ung thư.
Như vậy, những nghiên cứu này sẽ là bằng chứng chống lại rất nhiều sự chụp mũ về khoa học khi gọi vùng đất có tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư cao là làng ung thư. Các nhà khoa học cũng đánh giá, nghiên cứu này cũng sẽ góp phần tích cực vào chiến lược phòng chống và chữa trị ung thư tại Việt Nam trong giai đoạn tới.
(Theo Tiền Phong)