Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Sau 16 năm chịu đựng nỗi đau đớn do vết loét sau điều trị u vú, bà Trịnh mừng đến rơi nước mắt khi được các bác sĩ ở Viện bỏng Trung ương phẫu thuật lấy vạt da lưng để che phủ phần vết thương, mang lại cuộc sống bình thường cho mình.
Từ năm 1992, thấy núm vú bị chảy nước, bà Trần Thị Trịnh ở Uông Bí, Quảng Ninh đến bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển khám và biết mình bị u. Sau đó, bà được mổ, cắt bỏ toàn bộ một bên vú và điều trị tia xạ năm năm liền.
Tuy nhiên, sau đó, tia xạ này lại gây cho bà một vết loét nhỏ và dù có giữ vệ sinh, thường xuyên lau rửa đến đâu, nó cũng không lành lại mà ngày càng lan rộng ra vùng da xung quanh và ăn sâu xuống.
"Gần 20 năm cả gia đình tôi sống chung với sự căng thẳng, lo lắng. Tôi phải đưa vợ đi hết viện nọ đến viện kia mà tình hình không hề cải thiện, nhiều nơi họ còn từ chối trả về. Thế nhưng, tốn kém về tiền thuốc thang, đi lại ấy chẳng ăn thua gì so với những thấp thỏm, mệt mỏi về tinh thần của cả nhà", ông Nguyễn Ngọc Ngữ, chồng bà Trịnh kể.
Các bác sĩ ở Viện Bỏng đang phẫu thuật tái tạo vú cho một bệnh nhân bị cắt u. Ảnh: T.V. |
Gần đây, với hy vọng mong manh, ông Ngữ đưa vợ lên Viện 103 khám lại và may mắn được giới thiệu sang Viện Bỏng Trung ương điều trị. Lúc này, vét loét của bà Trịnh rộng hơn bàn tay người lớn và bị hoại tử một phần xương sườn.
Theo tiến sĩ Vũ Quang Vinh, khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Viện bỏng Trung ương, nếu không được điều trị kịp thời, các vết này ngày càng sâu và rộng thêm có thể khiến bà Trịnh bị hoại tử toàn bộ xương sườn, lộ một số cơ quan như phổi, màng phổi, tim, màng tim.
Các bác sĩ đã phẫu thuật cho bà Trịnh, lấy bỏ xương viêm và dùng vạt cơ da ở lưng che phủ vùng loét vào ngày 14/12 vừa rồi. Đến giờ, vết mổ đã liền và bà đang hồi phục dần sức khỏe.
"Biết là bà ấy đau lắm, vết mổ đằng trước, vết thương cắt da đằng sau nhưng cả nhà tôi đều mừng quá. Theo lời bác sĩ, chỉ cần ba tuần nữa là bà ấy sẽ hoàn toàn bình phục và không bị đau đớn gì nữa", ông Ngữ bùi ngùi chia sẻ.
Theo bác sĩ Vũ Quang Vinh, những trường hợp bị vết loét sau điều trị tia xạ ở các bệnh nhân bị u vú rất nguy hiểm. Vết này thường không bao giờ liền được mà sẽ ngày càng lan rộng, ăn sâu khiến bệnh nhân có thể bị lộ những động mạch lớn hay các cơ quan nội tạng như màng phổi, phổi, màng tim, tim dẫn tới nguy cơ tử vong.
Không những thế, người bệnh thường phải chịu nỗi đau đớn, khó chịu kéo dài nhiều năm, nhất là những lần rửa vết thương.
Trường hợp chị Nga (55 tuổi ở Hoàng Văn Thái, Hà Nội) cũng là một ví dụ. Chị bị ung thư vú và phải cắt bỏ một bên, sau đó điều trị tia xạ từ năm 1998. Cách đây sáu tháng, chị thấy mình có một vết loét nhỏ bằng đầu ngón tay út ở vùng hõm nách.
Vết này ngày càng to và sâu làm chị đau đớn suốt ngày đêm, bao nhiêu thuốc ngủ cũng vô tác dụng. Nếu cứ tình trạng như vậy, chị có thể sẽ bị lộ dây thần kinh cánh tay và động mạch nách.
Trước khi được điều trị tại viện Bỏng, chị Nga đã được gia đình đưa sang Thái Lan, Singapore để chạy chữa nhưng các bệnh viện này cũng lắc đầu không dám tiếp nhận. Cuộc sống của chị khi ấy như ngàn cân treo sợi tóc: Chị có thể bị bục động mạch nách dẫn tới nguy cơ bị trụy tim mà chết hoặc có khi bị thắt động mạch nách, phải tháo toàn bộ cánh tay.
Khi chuyển vào viện Bỏng, chị được các bác sĩ cắt rửa vùng loét, lấy vạt da kiểu cánh quạt có mạch nuôi ở lưng che phủ hõm nách và một tháng sau thì không còn đau, cánh tay vốn tê liệt cũng đang được phục hồi.
Đến nay, viện Bỏng đã phẫu thuật thành công cho ba bệnh nhân bị vết loét sau điều trị tia xạ như chị Nga. Điều đáng quan tâm là với những người bệnh này không thể áp dụng phương pháp vi phẫu (vì mạch máu thường bị tổn thương do tác động của tia xạ) hay cách ghép da tự do thông thường như vẫn làm bởi nền vết thương đã bị hoại tử và xơ hóa.
Vì vậy phương pháp lấy các vạt da cơ có mạch nuôi ở vùng lưng của bệnh nhân để bao phủ vết thương rất hữu hiệu. Nó không chỉ giúp bảo vệ các cơ quan sống ở phía dưới như động mạch, màng phổi, màng tim mà còn có khả năng cải thiện tuần hoàn những tổn thương do tia xạ.
Theo các bác sĩ, những người sau điều trị tia xạ nếu xuất hiện loét nên đến ngay cơ sở chuyên khoa khi vết thương còn nhỏ, không nên thay băng, tự chữa ở nhà.
Ngoài việc làm lành vết loét cho bệnh nhân xạ trị, Viện bỏng Trung ương tạo hình vú thành công cho nhiều bệnh nhân phải cắt một bên ngực do ung thư bằng kỹ thuật vi phẫu tiên tiến nhất hiện nay. Phương pháp này rất thích hợp với phụ nữ có lớp mỡ dưới bụng dày.
Nhờ một phần da và mỡ bụng được lấy để đưa lên tạo hình ngực nên vừa giúp họ khôi phục lại được hình dáng bầu ngực đồng thời giúp chỉnh sửa eo cho phần bụng dưới.
(Theo VnExpress)