Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Data Center chuẩn quốc tế phải đạt yêu cầu gì

(17:13:53 PM 24/09/2018)
(Tin Môi Trường) - Trung tâm dữ liệu có bốn cấp độ khác nhau và được đánh giá dựa trên khả năng đáp ứng dịch vụ, vận hành, dự phòng rủi ro.

Data Center là một hệ thống trung tâm tích hợp các hệ thống chuyên dụng về phần cứng và các chương trình phần mềm để cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu và ứng dụng đảm bảo tính an toàn trong việc trao đổi thông tin, đồng thời là nơi lưu trữ dữ liệu của người sử dụng.

 

Data Center chuẩn quốc tế phải đạt yêu cầu gì

Bên trong một trung tâm dữ liệu của Google. Ảnh: Google.
 
Uptime Institute, một tổ chức của Mỹ, đã đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá cho việc thiết kế, xây dựng, vận hành, quản lý và sự ổn định về dịch vụ của Data Center. Chuẩn "Tier" do đơn vị này đưa ra được chấp nhận rộng rãi toàn cầu và được đánh giá chứng chỉ hàng đầu về trung tâm dữ liệu.
 
Cụ thể, việc đánh giá của Uptime Institute chia làm bốn cấp độ, từ thấp đến cao, gồm: Tier I, Tier II, Tier III, Tier IV. Trong đó, Tier I có thời gian hoạt động liên tục (uptime) 99,67% và không có dự phòng tích hợp, có thể bị gián đoạn (downtime) 28,8 giờ mỗi năm, thường áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ, các trang cá nhân. Tier II có uptime 99,749%, downtime 22 giờ mỗi năm và có một phần dự phòng về nguồn điện cũng như hệ thống làm mát.
 
Tier III là cấp độ cao nhất mà Data Center tại Việt Nam đạt được, trong đó yêu cầu uptime 99,982%, downtime không quá 1,6 giờ mỗi năm, hoạt động dự phòng N+1. Cụ thể, trung tâm dữ liệu Tier III phải có máy phát điện diesel với nhiên liệu chạy được ít nhất 12 giờ, dự phòng với hai thùng chứa dầu và mỗi bể có nhiên liệu chạy được trong 12 giờ. Ngoài ra, nó còn phải có hệ thống chuyển tự động (ATS) để tự động chuyển sang nguồn dự phòng nếu nguồn chính bị lỗi.
 
Cao nhất là Tier IV mà ở Việt Nam chưa có Data Center nào nhận được chứng chỉ của Uptime Institute và cũng chưa có trung tâm dữ liệu nào nhận là đạt được mức độ này. Thực tế, Tier IV tương đương với Data Center được Chính phủ Mỹ sử dụng. Nó có uptime 99,995% và downtime tối đa 0,8 giờ mỗi năm. Dĩ nhiên, chi phí xây dựng và vận hành của trung tâm dữ liệu Tier IV đắt hơn nhiều so với Tier III.
 
Data Center tại Việt Nam đạt chuẩn gì?
 
Tại Việt Nam có hàng chục đơn vị cung cấp trung tâm dữ liệu và trong số đó lại có nhiều Data Center khác nhau, phân bổ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ... Tuy nhiên, theo Uptime Institute, tại Việt Nam chỉ có trung tâm dữ liệu của VNPT và FPT là đạt chứng chỉ Tier III do cơ quan này cấp. Ngoài ra, bản đồ chứng nhận Tier của Uptime Institute không đề cập đến bất kỳ Data Center khác nào của Việt Nam, kể cả ở các cấp độ khác.
 
Data Center chuẩn quốc tế phải đạt yêu cầu gì
Bản đồ Tier của Uptime Institute chỉ có VNPT và FPT Telecom.
 
Trong khi đó website của VinaData thuộc VNG thông báo "Trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn 3 (Tier 3+) với đầy đủ hệ thống nguồn điện, lạnh, PCCC dự phòng". Ngoài ra, trên website của VNG có đăng công ty có hai Data Center, đạt tiêu chuẩn Tier-3, đặt tại TP HCM (Công viên Phần mềm Quang Trung) và Hà Nội (khu Công nghệ cao Hòa Lạc).
 
11h ngày 23/9, các báo điện tử sử dụng hệ thống quản lý nội dung (CMS) ePi đặt tại trung tâm dữ liệu VinaData của VNG và dịch vụ của công ty này như trang nghe nhạc Zing Mp3, ứng dụng nhắn tin gọi điện Zalo, cổng thanh toán Zalo Pay cùng các trò chơi trực tuyến... đồng loạt không truy cập được. Đến 16h30 cùng ngày, các báo điện tử này đã có thể vào lại, tuy nhiên đến hết ngày 23/9 Zalo và Zalo Pay vẫn không dùng được.
 
Trong thông báo phát đi chiều cùng ngày, VNG cho biết hệ thống của họ đã "gặp sự cố về điện trong thời điểm ngắt điện tại Công viên phần mềm Quang Trung. Đây là lý do chính gây ảnh hưởng đến các sản phẩm và dịch vụ của VNG. Các dịch vụ bị ảnh hưởng sẽ có phương án xử lý riêng theo đặc thù cung cấp dịch vụ". Tuy nhiên, đại diện Điện lực TP HCM khẳng định "lỗi do máy phát của Công ty Vinagame (VNG) vì phía điện lực đã thông báo cắt điện từ nhiều ngày trước".
 
Theo chuyên gia bảo mật Nguyễn Hồng Phúc, việc xảy ra sự cố tại trung tâm dữ liệu do mất điện là điều "khó chấp nhận". Bởi điện, mạng, hệ thống làm mát là ba điều căn bản của trung tâm dữ liệu và là lý do để khách hàng tới sử dụng dịch vụ thay vì đặt máy chủ tại nhà. "Thời gian bảo trì, khắc phục các sự cố như mất điện thể hiện khả năng và chất lượng của các trung tâm. Nếu downtime một phút là chuyện bình thường, 5 phút là sự cố lớn còn 30 phút tới một tiếng là khó chấp nhận được", ông Phúc nói.
( Bảo Anh/VnExpress)