Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bảo vệ môi trường: Pháp đứng gần cuối EU về tỷ lệ tái chế rác thải nhựa

(11:16:05 AM 15/09/2018)
(Tin Môi Trường) - Theo báo cáo của tổ chức Plastics Europe - đại diện cho các nhà sản xuất nhựa tại châu Âu, tỉ lệ tái chế bao bì nhựa đã qua sử dụng tại Pháp chỉ đạt 26,2% vào năm 2016, so với tỉ lệ trung bình 40,8% ở Liên minh châu Âu (EU). Điều này có nghĩa là Pháp chỉ mới đáp ứng chỉ tiêu do EU đề ra, theo đó 22,5% bao bì nhựa đã qua sử dụng phải được tái chế.

Bảo vệ môi trường: Pháp đứng gần cuối EU về tỷ lệ tái chế rác thải nhựa

Ảnh: IE

 

Tại Pháp, có 3.725 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp nhựa sử dụng 108.280 người lao động, với tổng doanh thu 33,3 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, trên tổng số 28 nước thành viên EU, cùng với Na Uy và Thụy Sỹ, Pháp đứng thứ 29 về tái chế bao bì nhựa đã qua sử dụng, chỉ trước Phần Lan. Theo báo cáo của Plastics Europe, đứng đầu bảng xếp hạng về tái chế nhựa đã qua sử dụng là Cộng hòa Séc (51,2%) và Đức (50,2%). Đây cũng là 2 nước EU duy nhất có tỉ lệ tái chế bao bì nhựa trên 50%.
 
Trong bối cảnh sản xuất nhựa tăng mạnh, trong khi lĩnh vực tái chế rác thải bao bì nhựa lại gần như kém phát triển nhất EU, để thúc đẩy mở rộng tái chế rác thải nhựa, khuyến khích người dân Pháp tiêu thụ các sản phẩm làm từ nhựa tái chế, hồi giữa tháng 8/2018, Bộ trưởng đặc trách chuyển đổi năng lượng Pháp Brune Poirson (Bru-nê Poi-xơn) thông báo Chính phủ Pháp dự định áp dụng từ năm 2019 hệ thống "malus-bonus", có nghĩa giữa một cái chai làm từ nhựa tái chế và một cái chai làm từ nhựa nguyên sinh, cái chai làm từ nhựa tái chế sẽ rẻ hơn, mức độ chênh lệch giá sẽ vào khoảng 10% giá thành sản phẩm.
 
Theo Bộ trưởng Brune Poirson, Chính phủ Pháp tới đây cũng sẽ đơn giản hóa việc phân loại rác và thống nhất trên khắp cả nước màu sắc thùng rác cho từng loại, và tới năm 2020 sẽ áp dụng quy định, theo đó trên nhãn hàng sẽ có logo chỉ dẫn rõ liệu sản phẩm đó có được làm từ nhựa tái chế hay không hoặc có thể tái chế được hay không. 
 
Để khắc phục tình trạng người dân phân loại nhầm các loại rác nhựa tái chế và không tái chế, hoặc vì không biết phân loại mà đổ lẫn các loại rác với nhau, khiến công tác tái chế nhựa thiếu hiệu quả, Pháp đang cho thử nghiệm phương pháp phân loại rác nhựa mới đơn giản hơn rất nhiều : tất cả các loại bao bì nhựa, không phân biệt, đều được đổ chung vào một thùng rác. Sau đó, công tác phân loại rác nhựa sẽ được công nhân thực hiện tại các nhà máy phân loại, tái chế. Việc phân loại chuyên nghiệp như vậy sẽ cho phép các nhà máy thu được nhiều rác nhựa có thể tái chế được hơn.
 
Một lý do khác khiến cho bao bì nhựa ở Pháp chỉ được tái chế với tỉ lệ thấp là hiện Pháp vẫn thiếu các cơ sở phân loại, tái chế rác nhựa. Cả nước Pháp chỉ có 39 nhà máy phân loại, làm sạch và nghiền rác nhựa phục vụ tái chế, tức là chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu trong cả nước.
TTXVN - TMT