Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bệnh viện Chợ Rẫy nói về cái chết của thanh niên 19 tuổi

(22:04:22 PM 14/09/2018)
(Tin Môi Trường) - Mới đây, một người xưng là mẹ của thanh niên 19 tuổi đã phản ánh bác sĩ BV Chợ Rẫy tắc trách là nguyên nhân gây ra cái chết của con trai chị.

Bác sĩ cấp cứu sơ sài, tắc trách?

 
Theo đó, từ tối 13-9, mạng xã hội nóng lên bởi chia sẻ từ một tài khoản Facebook của một người có tên LiLy Thanh Huệ. Bà Huệ cho biết bà là mẹ của bệnh nhân Nguyễn Duy Hưng (19 tuổi) với bài viết “Hãy giúp tôi chia sẻ bài viết này. Tại sao con tôi chết? Ai đã giết con tôi?”.
 
Bài viết phản ánh thái độ tắc trách và trình độ chuyên môn yếu kém của nhân viên y tế bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM). Trong bài viết, bà Huệ cho biết khi đang ở Mỹ bà nhận được điện thoại từ gia đình ở Việt Nam gọi báo anh Hưng bị đau bụng nên đưa vào BV Đa khoa Đồng Nai khám, sau đó chuyển lên BV Chợ Rẫy điều trị.
 
Theo bà Huệ, dù con bà được chẩn đoán viêm tụy cấp rất nguy hiểm, nhưng khi nhập viện, con bà chỉ được cấp cứu sơ sài. “BV Chợ Rẫy đã cấp cứu một bệnh nhân (anh Hưng – PV) bị viêm tụy cấp (nguy cơ hoại tử) bằng cách truyền vào tay một bình nước biển giá khoảng 11.000 đồng. Và những gì tiếp theo họ cấp cứu một bệnh nhân bị viêm tụy cấp cũng lại là chai nước truyền dịch trắng nhách và cắm vào mũi sợi dây khí oxy mỏng manh và tiếp tục nằm chờ ở đó... Đã là bác sĩ (BS), khi một bệnh nhân được chuyển từ BV tỉnh và đã có kết quả chính xác là viêm tụy cấp thì họ thừa biết cần phải làm gì và điều trị những gì cho bệnh nhân. Nhưng không, con tôi vẫn nằm đó và dịch trong ổ bụng bắt đầu tràn. Bụng của cháu chướng lên cao hơn mặt. Họ bắt đầu cắm ống hút dịch từ dạ dày ra. Cứ vài tiếng là một bịch cả hai lít nước”,  FB Thanh Huệ chia sẻ.
 
Bệnh viện Chợ Rẫy nói về cái chết của thanh niên 19 tuổi
Chia sẻ của bà Thanh Huệ trên Facebook. Ảnh: HL
 
FB Thanh Huệ viết tiếp: “Sau đó họ đưa con tôi vào phòng hồi sức cấp cứu (đáng lẽ cháu phải được vào đây ngay lúc BV Chợ Rẫy tiếp nhận). Khi họ đưa con tôi vào phòng này và cắm máy lọc cũng là lúc con tôi tắt thở. Họ bắt đầu dùng máy thở nhân tạo công suất cao và luồn cái ống to đùng vào phổi con tôi. Từ đó con tôi thở 100% bằng máy”.
 
Bên cạnh đó, FB Thanh Huệ cũng kể lại rằng BS trưởng khoa ICU nói với BS khác: “Bệnh nhân này trả về chứ nuôi gì nữa mà nuôi”. Ngoài ra, bà cũng nghi ngờ BV dùng máy lọc máu để kinh doanh, bằng chứng bà đã lên kiểm tra và thấy con không được lọc máu mà BV vẫn bắt người nhà đóng tiền. Máy móc sử dụng quá cũ kỹ. Mỗi ngày, bà phải đóng 50-70 triệu và 10 triệu tiền tiêm thuốc.
 
Tiếp theo, trong bài viết, FB Thanh Huệ cho rằng khi tính mạng anh Hưng quá nguy kịch thì BV Chợ Rẫy mới  tiến hành mổ cầu may nhưng anh Hưng đã không qua khỏi.
 
 FB Thanh Huệ cũng cho rằng BS ở BV Chợ Rẫy không tạo điều kiện cho nhận thuốc kháng sinh tốt nhất ở Mỹ điều trị cho con và chậm trễ trong làm báo cáo y khoa (Medical report) để đưa con trai bà sang Mỹ tiếp tục điều trị.
 
BV đã tập trung cứu chữa bệnh nhân
 
Tại buổi chia sẻ thông tin, PGS-TS-BS Trần Quyết Tiến, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, xác nhận bệnh nhân Nguyễn Duy Hưng bị viêm tụy cấp hoại tử xuất huyết do BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai chuyển đến đã được điều trị tại BV 23 ngày (từ ngày 5-8 đến 28-8). 
 
Ông Tiến chia sẻ mất mát với người thân của bệnh nhân và cho rằng đây là nỗi buồn chung của người làm trong ngành y khi không cứu được người. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân lúc nhập viện quá nặng, BV đã cố gắng tập trung nhân lực và vật lực để cứu chữa cho bệnh nhân chứ không như phản ánh của người nhà. Ngoài ra, bệnh nhân còn là người thân của một BS trưởng khoa của BV.
 
Ông Tiến đề nghị các BS tham gia ekip điều trị giải thích về quy trình cấp cứu cho bệnh nhân từ lúc nhập viện. Đồng thời làm rõ nội dung người nhà bệnh nhân phản ánh.
 
BS Trầm Minh Toàn, Khoa Cấp cứu của BV, cho biết bệnh nhân nhập viện vào lúc 0 giờ 40 phút ngày 5-8 với chẩn đoán viêm tụy cấp nặng theo dõi hoại tử. Tình trạng bệnh nhân còn tỉnh, bụng trướng đau nhiều, mạch huyết áp ổn định. Bệnh nhân được cho làm xét nghiệm đánh giá tình trạng bệnh và cho truyền dịch giảm đau. 3 tiếng sau cho nhập khoa nội tiêu hóa tiếp tục theo dõi điều trị.
 
Bệnh viện Chợ Rẫy nói về cái chết của thanh niên 19 tuổi
Bệnh nhân Hưng được điều trị tích cực tại Khoa ICU. Ảnh: HL
 
Lý giải cho việc chỉ truyền nước theo dõi, TS-BS Hồ Tấn Phát - Trưởng khoa Nội Tiêu Hóa cho biết đối với bệnh nhân viêm tụy cấp, hướng điều trị tốt nhất là nội khoa bảo tồn, cho tuyến tụy nghỉ ngơi, truyền dịch. Tạm thời không cho bệnh nhân ăn uống, giảm căng phù nề bằng cách đặt ống sonde vào dạ dày dẫn lưu dịch ứ đi ra... 
 
“Ngoài ra, đối với bệnh nhân bị viêm tụy cấp nặng, căn bệnh diễn tiến khó lường, Khoa đã theo dõi và giải thích rất kỹ cho người dì nuôi dưỡng bệnh nhân và một số người nhà, lúc này người mẹ còn đang ở Mỹ. “Chúng tôi xác định bệnh nhân còn rất trẻ và bệnh khá nặng nên tập trung nguồn lực chăm lo, liên tục trao đổi những phương pháp điều trị, theo dõi tiên lượng với lãnh đạo các khoa và nhanh chóng đưa xuống Khoa hồi sức cấp cứu với các điều kiện chăm sóc tốt nhất. Bệnh nhân được đưa xuống ICU vào 12 giờ trưa 6-8”, BS Phát nói.
 
Giải thích về tiền viện phí mỗi ngày người nhà phải đóng 50-70 triệu và 10 triệu tiền tiêm thuốc, BS Xuân BS CKII Phan Thị Xuân - Trưởng khoa Hồi Sức Cấp Cứu, cho biết thông tin mẹ bệnh nhân phản ánh không đúng sự thật. Cụ thể, bệnh nhân nằm điều trị 23 ngày là hơn 660 triệu đồng, tính trung bình một ngày chưa đến 29 triệu. Do bệnh nhân không có thẻ BHYT nên phải chi trả toàn bộ chi phí. 
 
Về các thông tin yêu cầu liên lạc với BS bên Mỹ, dù BS tại khoa đã cho email tiếp nhận thông tin trao đổi cho mẹ bệnh nhân nhưng không nhận được thông tin trao đổi chuyên môn nào từ phía bác sĩ ở Mỹ. Về yêu cầu tiếp nhận thuốc điều trị từ phía bên Mỹ, BV không thiếu thuốc và y cụ điều trị. Việc tiếp nhận thuốc là không thể vì không được phép.
 
Về thông tin đóng tiền mà không được lọc máu vì khoa HSCC chỉ có 3 máy lọc máu là không đúng. “Tất cả bệnh nhân được chỉ định lọc máu đều thể hiện đầy đủ trong hồ sơ bệnh án, bảng chỉ định và theo dõi, bảng kê khai chi tiết chi phí phẫu thuật trọn gói đều đầy đủ và đóng tiền ở phòng tài vụ, BS không hề nhận được lợi nào từ chuyện này”, BS Xuân thông tin thêm.
 
BS Xuân khẳng định Khoa HSCC luôn được ưu tiên máy móc. Hiện có 8 máy lọc máu liên tục và máy lọc máu ngắt quãng đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh. Loại máy lọc máu liên tục của Khoa hiện nay cũng là loại máy đang được sử dụng tại các trung tâm lớn trên thế giới, kể cả những quốc gia đã phát triển chứ không như nội dung “cái máy này các nước tân tiến đã vứt đi hơn 10 năm rồi” như bà Huệ viết.
 
Cũng theo BS Xuân, mẹ bệnh nhân có ý định xin con qua BV Pháp Việt và BV vẫn tạo điều kiện sẵn sàng làm giấy cho đi. Tuy nhiên sau đó mẹ bệnh nhân đổi ý và mong bác sĩ ráng điều trị để lo visa cho con.
 
Giải thích về việc chậm làm báo cáo y khoa và chỉ có trang giấy BS Xuân, Trưởng khoa ICU cho biết người nhà xin báo cáo vào tối 25-8 nên sáng 26-8, BS mới làm và sang ngày 27-8 đã có để trình lãnh đạo duyệt. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân trở nặng vào sáng 27-8 nên khoa tập trung cứu chữa bệnh nhân và chưa cấp. Sau đó, khi về lo hậu sự xong, người mẹ quay lại nên cấp lại. Ngoài ra, báo cáo này có form và chỉ viết chừng mực trong 2 trang giấy chứ không thể viết dài.
 
Bệnh viện Chợ Rẫy nói về cái chết của thanh niên 19 tuổi
BS Phan Thị Xuân, Trưởng khoa ICU giải thích về sự việc. Ảnh: HL
 
Là người được đề cập đến trong bài viết, TS-BS Lưu Ngân Tâm - Trưởng khoa Dinh dưỡng cho rằng mình là người bị nhầm là trưởng khoa ICU. Trong lúc lên hội chẩn ở khoa, BS Tâm có đề nghị các BS ở ICU ngưng nuôi ăn qua sonde và truyền chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch chứ không phải nói không cần nuôi nữa. “Với vai trò chuyên môn, tôi chỉ chỉ định hợp lý cho bệnh nhân. Tôi không hề nói phải trả bệnh nhân về”, BS Tâm khẳng định.
 
Trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, BS CKII Đoàn Tiến Mỹ - Trưởng khoa Gan Mật Tụy cho bệnh nhân cho biết BV đã áp dụng phác đồ điều trị viêm tụy cấp trên thế giới. Do bệnh nhân 3 tuần điều trị nội khoa không đáp ứng nên phải nghĩ đến phương pháp phẫu thuật giải áp trong ổ bụng. “Tình trạng bệnh quá nặng, chúng tôi đã cố gắng đi vào cái chết tìm sự sống, tận dụng nhân lực tài lực dồn sức cho bệnh nhân. Làm hết sức cứu nhưng không được”, BS Mỹ nuối tiếc.
 
 BS CKII Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp chia sẻ nỗi đau mất con với người nhà. Tuy nhiên, theo BS Việt, có lẽ do cách miêu tả của người mẹ đã làm tăng sự phản cảm của sự việc. Chẳng hạn, khi bệnh nhân đặt nội khí quản thì bị dùng từ “thọc ống to vào trong phổi”, đặc thù của khoa ICU là hạn chế người tiếp xúc để chống nhiễm khuẩn thì bị dùng từ “đuổi ra”...Về việc BV sao quá tải vẫn còn nhận bệnh thì về nguyên tắc BV không được quyền từ chối bệnh nặng. “Nếu vượt quá khả năng chuyên môn, BV sẵn sàng chuyển bệnh, tuy nhiên BV có đầy đủ thuốc, phác đồ điều trị cho tình trạng của bệnh nhân, có điều bệnh nặng là do diễn tiến của bệnh”, BS Việt chia sẻ.
Có mặt tại buổi chia sẻ thông tin, vị BS trưởng khoa ở BV Chợ Rẫy, người gửi bệnh nhân ở khoa ICU cho biết ngay từ ban đầu đã biết cháu bệnh quá nặng và có giải thích với người nhà mặc dù vẫn hi vọng còn nước còn tát. BSnày cũng khẳng định: “Các đồng nghiệp của tôi đã cố gắng làm cái gì tốt nhất cho cháu tôi. Đó là cái nghiệp của những người làm nghề này, đôi khi đành bất lực với bệnh nhân của mình”. 
(Theo PLO)