(Tin Môi Trường) - Nhiều năm nay, hàng chục hộ dân xã Đồng Luận, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) sống trong cảnh “dở khóc, dở cười” khi những thửa ruộng màu mỡ năm xưa bỗng nhiên trở thành khu nuôi trồng thủy sản với những bờ đắp ngăn ao nhấp nhô, cỏ mọc um tùm. Điều đáng nói, toàn bộ diện tích này đã có chủ là những người dân “chân lấm tay bùn” nay lại được “phù phép” thành đất của người khác.
Ảnh: IE
Gần 2 năm nay, người dân khu 5 và khu 6 xã Đồng Luận, huyện Thanh Thủy cắt cử nhau đi “gõ cửa” các ngành liên quan của tỉnh Phú Thọ để kiến nghị, đòi lại diện tích đất ruộng mà họ đã canh tác hàng chục năm nhưng đến nay những kiến nghị của người dân chưa được giải quyết. Đã có nhiều văn bản của các ngành liên quan trả lời với những nội dung chung chung, chưa cụ thể như một hình thức đùn đẩy trách nhiệm khiến người dân vô cùng bức xúc.
Năm 2005, nhiều hộ dân ở khu 6 cho ông Nguyễn Văn Thanh (khu 5) mượn đất ruộng để phơi gạch (thời hạn cho mượn 5 năm) mỗi vụ ông Thanh trả cho chủ đất 30 kg thóc/sào và người dân phải tự nộp sản cho Nhà nước. Đến hết năm 2010, ông Thanh trả đủ sản lượng cho người dân và được người dân cho tiếp tục thuê lại. Từ năm 2013 đến nay, ông Thanh không thanh toán sản lượng cho người dân.
Ông Nguyễn Hồng Đức ở khu 6 – một trong 46 hộ đứng đơn đòi lại đất cho hay, gia đình ông cho ông Thanh mượn hơn 300 m2 đất ruộng nhưng từ năm 2013 đến nay, gia đình ông và các gia đình khác đều bị ông Thanh không trả sản lượng còn người dân vẫn nộp đủ cho Nhà nước. Quá bức xúc, ông Đức yêu cầu ông Thanh trả lại mặt bằng như năm xưa (đất ruộng). Trường hợp ông Thanh có nhu cầu sử dụng nữa thì yêu cầu các cấp chính quyền phải làm các thủ tục chuyển nhượng theo quy định của Nhà nước…
Anh Lã Văn Luận, Trưởng khu 6, xã Đồng Luận chia sẻ: Nhiều năm nay, người dân khu 6 đã yêu cầu xã, huyện giải quyết trả đất cho người dân khi hết hợp đồng thuê (trao đổi cho ông Thanh thuê bằng miệng, thời hạn 5 năm). Trong khi đó ông Thanh đã múc hết đất ruộng của người dân đem đi bán, độ sâu ở mỗi thửa ruộng lên tới 5-7m, tạo thành những ao to, ao nhỏ nham nhở... Hiện toàn bộ cánh đồng khu 5 và khu 6 đã biến thành ao, bản thân nhà tôi cũng mất hơn 300 m2 diện tích ruộng. Người dân yêu cầu trả lại ruộng thì được ông Thanh trả lời, nếu người dân không cho thuê nữa thì cũng không có đất để trả, có lấy mặt nước thì lấy…
Cũng theo anh Luận, bức xúc nhất hiện nay là người dân không những không đòi được đất của chính mình mà còn phải nộp thuế (nộp sản) hàng năm cho Nhà nước. Mặt khác, bản thân người dân khu 6 đã được UBND huyện Thanh Thủy chứng nhận quyền sử dụng đất từ tháng 12/1999 nhưng đến tháng 1/2009 UBND huyện Thanh Thủy lại cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyên Văn Thanh với diện tích gần hơn 0,5 ha tại khu Gò Rậm (đồng Lò Ngói). “Nếu trường hợp này xảy ra, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân được cấp có trùng với chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Thanh hay không? Trong khi đó, trên thực tế toàn bộ khu ruộng năm xưa của người dân khu 5 và khu 6 đã bị đào bới sâu hoắm đang được ông Thanh nuôi thả, cá. Còn hơn 0,5 ha của ông Thanh được cấp để làm lò gạch vẫn giữ nguyên hiện trạng", ông Luận cho hay.
Liên quan đến những thắc mắc của người dân, phóng viên đã làm việc với chính quyền xã Đồng Luận. Chủ tịch UBND xã ông Nguyễn Xuân Hùng cho hay, năm 2017 UBND xã nhận được đơn kiến nghị của người dân khu 6 yêu cầu ông Thanh trả lại đất cho người dân. Sau đó, xã đã mời tất cả những người có liên quan trong khu 6 tới để phân tích hòa giải trên tinh thần 2 bên cùng hợp tác.
Qua hòa giải thì 28 hộ dân tiếp tục ký hợp đồng với ông Nguyễn Văn Thanh để sản xuất nông nghiệp. Hàng vụ, hàng năm ông Thanh có cam kết trong hợp đồng sẽ thanh toán toàn bộ các sản phẩm trong thỏa thuận cho 28 hộ dân nhưng có 3 hộ không nhất trí. Quan điểm của các hộ này một là muốn ông Thanh mua thẳng theo giá thỏa thuận, hai là hoàn trả lại đất cho họ. Tuy nhiên, ông Thanh đã không thống nhất được việc đó vì vậy 3 hộ tiếp tục có đơn gửi xã, gửi huyện.
Trong khi đó, hàng chục người dân khẳng định, việc ký hợp đồng cho ông Thanh thuê lại đất là để cho có hợp đồng (thay cho hợp đồng nói bằng miệng trước đây) chứ hoàn toàn không có mục đích tiếp tục cho thuê. Mặt khác, khi sự việc vỡ lở, tức là đất ruộng tự nhiên “bốc hơi”, người dân đòi trả lại đất thì phía các cấp liên quan cho rằng không có căn cứ. Vì vậy, buộc người dân phải ký hợp đồng, chứ không ai muốn ký lại.
Trả lời phóng viên về việc có hay không việc sổ đỏ trùng sổ đỏ và người dân phải nộp 2 lần thuế (thuế đất và thuế sản), ông Hùng phân bua: “Tôi mới về nhận chức nên chưa nắm rõ được vấn đề, khi nhận bàn giao thì không được bàn giao việc này và cũng không biết là có hay không việc cấp trùng sổ đỏ. Các đồng chí (PV) có thể hỏi thêm Phòng Tài nguyên - môi trường và UBND huyện để kịp thời thông tin thêm”. Theo ông Hùng, UBND xã chưa nắm được việc ông Thanh đã thuê đất mà người dân vẫn phải đi nộp sản. Xã chỉ biết ông Thanh là hộ chăn nuôi trang trại được UBND huyện và tỉnh cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, diện tích đất mà người dân cho ông Thanh thuê nằm ngoài diện tích ông Thanh được cấp giấy sử dụng đất.
Trên thực tế, qua tìm hiểu của phóng viên, diện tích đất khu 5 và khu 6 rộng tới hàng nghìn m2 của người dân đã bị ông Thanh múc đất đem đi bán. Người dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền xã yêu cầu ông Thanh trả lại đất ruộng theo hiện trạng ban đầu song đến nay mọi việc vẫn im lìm. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hùng - Chủ tịch UBND xã Đồng Luận cho hay, theo đơn kiến nghị thì việc đào múc đất diễn ra từ năm 2007 - 2008 nhưng bây giờ người dân mới đòi, mới có đơn thì xã không thể giải quyết được.
Trong khi đó, người dân khu 5 và khu 6 khẳng định, cuối năm 2017, ông Thanh đã thuê nhiều xe tải, máy múc xúc đất ngày đêm để đem đi bán, thu lời bất chính từ việc bán đất chui. Xe tải chạy nhiều, làm bụi mù từ cánh đồng vào đến khu dân cư nhưng không một cơ quan, đơn vị nào kiểm tra, xử lý…
Việc cố tình buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền đã tiếp tay cho những cá nhân sai phạm đất đai, môi trường thu lợi bất chính và người thua thiệt lại là dân.