(Tin Môi Trường) - Vượt qua những vòng tuyển chọn ở quy mô toàn cầu, chị Hoàng Thị Minh Hồng, Sáng lập và Giám đốc của tổ chức CHANGE, Anh hùng Khí hậu do tổ chức Climateheroes.org công nhận, vinh dự trở thành một trong 12 người xuất sắc nhất từ 12 quốc gia để tham gia Chương trình Học giả Quỹ Obama (Obama Foundation Scholars Program) khoá đầu tiên ở trường Đại học Columbia tại thành phố New York. Những người được chọn trong nhóm này là các nhà lãnh đạo dân sự nổi bật đã có nhiều đóng góp cho các vấn đề xã hội ở các quốc gia từ 5 châu lục.
Chương trình này kéo dài trong 9 tháng (từ đầu tháng 9 năm 2018 đến hết tháng 5 năm 2019), được trường Đại học Columbia (một trong 8 trường Đại học xuất sắc nhất nước Mỹ) phối hợp với Quỹ Obama thiết kế riêng cho 12 học giả. Mục tiêu của chương trình này là tiếp tục nâng cao năng lực cho các nhà lãnh đạo dân sự, để họ có thêm kiến thức, công cụ và được kết nối với những mạng lưới quốc tế, giúp họ tìm ra giải pháp hiệu quả hơn cho các vấn đề toàn cầu phức tạp mà họ đang theo đuổi.
Chị Hoàng Thị Minh Hồng,- người sáng lập và Giám đốc của tổ chức CHANGE
“Đây là một cơ hội tuyệt vời, là một vinh dự cho bản thân tôi và tổ chức CHANGE của tôi. Khắp nơi trên thế giới, các nỗ lực của những người hoạt động xã hội như chúng tôi luôn được đánh giá cao và nhận được nhiều sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo, các tổ chức danh tiếng, các trường đại học, các cộng đồng quốc tế. Tôi đang rất phấn khích với những gì mình sẽ học hỏi được trong thời gian tới, không chỉ từ các chương trình học và các cơ hội kết nối, mà còn từ chính 11 thành viên còn lại của nhóm, vì họ đều là những người đi đầu các phong trào xã hội nổi bật tại các quốc gia. Quan trọng nhất là trong thời gian ở đây, tôi sẽ xây dựng một kế hoạch ‘tham vọng’, liên quan tới những vấn đề môi trường mà CHANGE đang giải quyết. Tôi sẽ kết nối các nguồn lực ở đây để hỗ trợ cho việc thực hiện tại Việt Nam. Và tôi rất hy vọng sẽ nhận được ủng hộ của cộng đồng ở Việt Nam cho dự án này.” chị Hoàng Thị Minh Hồng phát biểu.
Quỹ Obama sáng lập với sứ mệnh truyền cảm hứng, trao quyền và kết nối mọi người để cùng nhau thay đổi cho một thế giới tốt đẹp hơn. Năm 2018 - 2019 là khóa đầu tiên của Chương trình Học giả Quỹ Obama, bao gồm 2 nhóm với 2 chương trình khác nhau. Bên cạnh nhóm học giả tại trường Đại học Columbia là các lãnh đạo dân sự được tuyển chọn từ các đề cử, thì nhóm thứ hai gồm 25 người, là các đại diện trẻ xuất sắc từ nhiều lĩnh vực khác nhau, thông qua tuyển chọn mở, học lấy bằng thạc sĩ tại trường Chính sách Công Harris tại Đại học Chicago, thành phố Chicago.
Trước khi vào chương trình chính thức, hai nhóm học giả đã gặp gỡ và có một tuần học tập sinh hoạt chung tại thành phố Chicago. Sự kiện nổi bật nhất trong tuần là buổi gặp gỡ giữa Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và các học giả. Tổng thống Obama đã có những chia sẻ thân tình, truyền cảm hứng, kêu gọi các học giả tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, giải quyết các vấn đề xã hội để thế giới có một tương lai tươi sáng hơn.
“Thật sự là chúng tôi đã hết sức phấn khích khi Cựu Tổng thống Obama bước vào. Ông ấy rất thân thiện và thông minh với cách nói chuyện hết sức truyền cảm, mà không kém phần hóm hỉnh. Ấn tượng nhất là có lúc ông ấy còn nhắc đến tên tôi, “cô Hồng ở Việt Nam”. Ông nói một điều rất giống với suy nghĩ của tôi: “Chúng ta muốn ‘thay đổi thế giới’ thì chúng ta phải xây dựng cộng đồng. Và để làm được điều đó, chúng ta phải kết nối với mọi người thông qua những câu chuyện. Kể chuyện là cách tốt nhất để lôi kéo mọi người cùng hành động”. Và truyền thông bằng cách kể những câu chuyện, chính là việc tôi và CHANGE đang nỗ lực thực hiện nhiều hơn trong các dự án môi trường của mình tại Việt Nam,” chị Hoàng Thị Minh Hồng kể lại.
12 học giả Obama của trường Columbia
Chương trình Học giả Quỹ Obama có lịch học rất sôi động, bao gồm các chuơng trình tập trung phát triển phong cách lãnh đạo dựa vào giá trị, các hoạt động kết nối, tư vấn riêng cùng với các hoạt động phục vụ cộng đồng tại các thành phố ở Mỹ trong suốt năm học. Trong thời gian 9 tháng, hai nhóm học giả sẽ có 4 lần tập trung tại các thành phố khác nhau trong nước Mỹ để có các chương trình hoạt động chung và cùng lập kế hoạch cho việc xây dựng một mạng lưới các cựu học giả Obama trên toàn cầu khi về nước. Mạng lưới này sẽ cùng hợp tác xuyên biên giới trong việc giải quyết các vấn đề khác nhau mà các quốc gia đang đối mặt, từ biến đổi khí hậu đến giáo dục, từ sức khoẻ cộng đồng đến minh bạch của chính phủ.
Chị Minh Hồng cho biết thêm: “Trong nhóm học giả của trường Chicago có một thành viên khác của Việt Nam, chị Lan Nguyễn, là một tư vấn độc lập, chuyên gia về cải cách điều hành, nghiên cứu, xây dựng và quản lý dự án ‘Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đánh giá chất lượng điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam’. Trong tuần hoạt động chung, chúng tôi đã bàn những ý tưởng ban đầu về việc làm sao thu hút các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn vào các dự án môi trường và phát triển bền vững.”
Sau khi chương trình kết thúc, các học giả sẽ quay về quê hương mình để tiếp tục các dự án và công việc của mình. Họ sẽ giữ liên lạc với với Quỹ Obama và đóng vai trò lãnh đạo trong mạng lưới quốc tế rộng lớn của Quỹ này.
Các học giả và cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama
Hoàng Thị Minh Hồng – Sáng lập & Giám đốc Trung tâm Hành động và liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE)
Hoàng Thị Minh Hồng, là nhà sáng lập và hiện là Giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE), là một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA).
Chị được Climateheroes.org công nhận là Anh hùng Khí hậu (Climate Hero), do rất nhiều đóng góp cho phong trào biến đổi khí hậu do giới trẻ điều hành tại Việt Nam. Chị đã huy động, tổ chức các chiến dịch, và xây dựng năng lực cho giới trẻ địa phương trong việc thực hiện các dự án về biến đổi khí hậu và hỗ trợ cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi BĐKH.
Mối đam mê khác của chị là động vật hoang dã. Chị cùng đội ngũ trẻ của mình ở CHANGE thực hiện các chương trình dự án kéo dài nhiều năm với mục tiêu giảm nhu cầu tiêu thụ trái phép các sản phẩm động vật hoang dã tại Việt Nam, nhằm cứu những loài nguy cấp nhất (tê giác, voi, tê tê …) khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Trước khi thành lập CHANGE, chị đã có 3 năm giữ vị trí Đồng-điều phối của 350.org Đông Á/Đông Nam Á, và 7 năm giữ vị trí Trưởng phòng Truyền thông của WWF Khu vực tiểu vùng Mekong Mở rộng.
Bên cạnh các công việc chính thống, chị là một nhà hoạt động môi trường tích cực và uy tín. Năm 1997, chị là người Việt Nam đầu tiên tới Nam Cực, trong chuyến thám hiểm quốc tế với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng thế giới về vấn đề nóng lên toàn cầu. Sau chuyến đi này, chị trở thành Đặc phái viên trẻ của UNESCO, và trong cùng năm đó, chị nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2009, chị quay lại Nam Cực lần thứ hai, với tư cách là Trưởng đoàn Việt Nam trong chuyến Thám hiểm Hiệp ước Quốc tế và Nam Cực do tổ chức 2041 thực hiện.