Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Ninh Thuận: Xuất hiện mưa lớn
(12:32:35 PM 12/09/2018)
(Tin Môi Trường) - Trong bối cảnh toàn tỉnh Ninh Thuận đang ra sức tập trung cho công tác phòng chống hạn hán thiếu nước. Vào buổi chiều ngày 11 tháng 9 năm 2018, do ảnh hưởng của rìa Nam rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực Trung Bộ nối với cơn Bão số 5 kết hợp với gió mùa Tây Nam.
Ảnh ra đa thời tiết lúc 16 giờ 00 ngày 11/9 – Nguồn: AMO
Khu vực tỉnh Ninh Thuận đã xuất hiện to, đến rất to, có nơi đặc biệt to, chủ yếu ở hai huyện vùng núi Ninh Sơn và Bác Ái. Tại Tân Mỹ 63.2mm, Ma Nới 69.2mm (Ninh Sơn); Phước Bình 31.6mm, Phước Đại 45.4mm, Phước Tân 126.6mm (Bác Ái).
Kể từ đầu năm tới nay, lượng mưa trên địa bàn toàn tỉnh thiếu hụt nghiêm trọng, điển hình như tại Phan Rang thiếu hụt 45%, Tân Mỹ thiếu hụt 63% so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Mực nước trên sông Cái Phan Rang tại Tân Mỹ tính đến 10 ngày đầu tháng 9 ở mức thấp hơn 0.63m so với TBNN; Tại Phan Rang chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động của thủy triều.
Tình hình hồ chứa trong tỉnh tính đến ngày 11/9/2018, tổng dung tích của 21 hồ đạt 46/194 triệu m3, khoảng 25%; ít hơn 106 triệu m3 so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Hồ Tân Giang, hồ Tà Ranh, hồ CK7, hồ Bầu Zôn ở mực nước chết; Ông Kinh hết nước; Hồ Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng còn dưới 10%.
Đợt mưa lớn này đã có tác động rất lớn, nhằm giảm bớt sự căng thẳng về thiếu hụt lượng mưa; cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường; tăng độ ẩm cho đất; giảm cấp độ cháy rừng; bổ sung đáng kể lượng dòng chảy trên các sông, suối qua một đợt lũ nhỏ. Đặc biệt hơn, đó là sự gia tăng một cách rõ rệt tổng dung tích các hồ chứa trong tỉnh, đến 7 giờ sáng ngày 12 đạt 52/194 triệu m3, tăng thêm khoảng 6 triệu m3 và hồ Đơn Dương tăng được 4 triệu m3.
Theo nhận định, trong các ngày tiếp theo khu vực tỉnh Ninh Thuận khả năng tiếp tục có mưa rào và dông rải rác vào chiều tối và đêm, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Vùng núi chú ý đề phòng mưa lớn diện hẹp gây lũ cục bộ, lũ quét, sạt lở đất trên các con suối nhỏ.