(Tin Môi Trường) - Sách "Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục lớp 1" với nhiều thay đổi về cách đánh vần cũng như nhiều bài học bị cho là có nội dung thiếu chuẩn mực đối với học sinh lớp 1 đã được thí điểm ở 49 tỉnh, thành
Khi xem cuốn sách "Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục (CNGD) lớp 1" do NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản, nhiều phụ huynh "té ngửa" với những nội dung bài học gây bức xúc.
Dạy trẻ những thói xấu
Nhiều giáo viên (GV), phụ huynh cho rằng có những bài học nội dung không phù hợp với trẻ. Ví dụ bài "Quả bứa" (trang 87, sách "Tiếng Việt - CNGD lớp 1, tập 2") kể câu chuyện 2 cháu Năm và Sáu đi qua vườn quả. Năm thấy quả liền la (hô) to và Sáu nhặt quả bứa. Hai cháu giành qua giành lại, cậu Cả đi qua và phân xử. Cậu Cả bổ quả bứa và phán: "Năm, mày thấy quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Sáu, mày nhặt quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Dành phần ruột trả thù lao cho quan tòa phân xử, của tao. Cậu Cả vừa ăn vừa bỏ đi".
Theo đánh giá của một GV, lời lẽ trong câu chuyện rất phản cảm, gọi nhau bằng mày - tao, ý nghĩa thì chỉ dạy các cháu cách sống tiểu xảo. Chưa hết, sách còn có nhiều bài học mà trong câu chuyện lại ẩn hiện ý nghĩa "mớm" cho trẻ những thói xấu như tọc mạch, xu nịnh, nói dối, châm biếm người khác… Nhiều từ ngữ mang tính tiêu cực chứ không có ý nghĩa giáo dục. Một GV tại Trường Tiểu học An Dương (TP Hải Phòng) phàn nàn có lần dạy đến câu "Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen", một học sinh (HS) đã hỏi cô "đánh ghen" là gì khiến cô giáo này lúng túng không biết phải giải thích thế nào cho các em HS lớp 1 hiểu.
Tuy là bộ sách giáo khoa (SGK) được triển khai tới 49 tỉnh, thành trên cả nước nhưng lại dùng quá nhiều từ địa phương như bể (biển), gà qué, quả chấp, bé huơ, khươ mũ. Một GV phản ánh trang 47, quyển 1 sách "Tiếng Việt lớp 1" có bài "Nghỉ hè cả nhà đi bể". Rất nhiều HS không biết đi bể là đi đâu vì trẻ em miền Nam chỉ biết đi biển. Bộ sách này cũng bị chính các GV phản ánh là có nhiều từ láy khó với cả người lớn chứ đừng nói đến HS lớp 1 như thia lia, thìa lìa, chon chót, sứt sát, quằm quặp, khuýp khuỳm khuỵp… Câu thành ngữ, tục ngữ HS không hiểu mà chỉ học vẹt như "trăm thứ bà giằn", "bạt ngàn san dã", "đổ vỡ tóe loe"…
Tranh cãi vì cách đánh vần lạ
Với cách đánh vần được dạy trong "Tiếng Việt - CNGD lớp 1", HS được dạy cách phân biệt giữa âm và chữ. Âm là vật thật, âm thanh, chữ là vật thay thế, dùng để ghi lại, cố định lại âm. Theo đó, không phải lúc nào cũng có sự tương ứng 1-1 giữa âm và chữ. Thông thường, một âm được ghi lại bằng một chữ cái (a, b, d, đ, e, l, m...) nhưng ở sách này, một âm ghi lại bằng một chữ, nghĩa là các chữ ghi âm có vai trò như nhau. Do đó, một âm /chờ/ được ghi lại bằng một chữ ch (chữ: chờ) chứ không phải được ghép lại từ 2 chữ c và h. Có những trường hợp một âm không phải chỉ được ghi lại bằng một chữ mà có thể là 2, 3, 4 chữ, do đó cần có căn cứ luật chính tả. Ví dụ : Âm "ngờ" được ghi bằng 2 chữ: ng và ngh (ngờ kép). Âm "cờ" được ghi bằng 3 chữ: c (cờ), k (ca) và q (cu). Âm "ia" được ghi bằng 4 chữ: iê, ia, yê, ya…
Về phát âm, theo sách "Tiếng Việt - CNGD lớp 1", HS đánh vần theo âm, không đánh vần theo chữ. Ví dụ "ca: /cờ/ - /a/ - ca", "ke: /cờ/ - /e/ - /ke/", "quê: /cờ/ - /uê/ - /quê/"… Do đánh vần theo âm nên khi viết phải viết theo luật chính tả : Âm "cờ" đứng trước âm /e/, /ê/, /i/ phải viết bằng chữ k (ca). Âm "cờ" đứng trước âm đệm phải viết bằng chữ q (cu), âm đệm viết bằng chữ u…
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Trung tâm Công nghệ Giáo dục, - NXB Giáo dục Việt Nam, đơn vị biên soạn sách "Tiếng Việt - CNGD lớp 1", cho hay mục tiêu của bộ môn là HS phải đọc thông, viết thạo, nắm vững cấu trúc ngữ âm của tiếng, nắm vững luật chính tả, từ đó HS không thể tái mù. Bà Loan khẳng định với phương pháp này, HS được học luật chính tả rất kỹ, theo nguyên tắc gặp ở đâu sẽ giải quyết ở đó. Nhờ đó, HS sẽ nắm luật rất kỹ và không bị viết sai chính tả.
Bà Loan nói thêm với môn "Tiếng Việt - CNGD lớp 1", các em sẽ học cấu trúc ngữ âm của tiếng, không phải đi từ chữ rồi trở lại âm như chương trình hiện hành, mà CNGD đi từ âm đến chữ, tức là đi từ trừu tượng đến cụ thể.
GS TS Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam - cho rằng đây là vấn đề khoa học và cần thận trọng khi đánh giá. GS Lợi cũng băn khoăn khi cho rằng không thể đưa ra câu trả lời đánh giá đúng - sai và tính hiệu quả trong giáo dục của chương trình cải cách. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu đưa chương trình dạy đại trà, phụ huynh chắc chắn sẽ thấy khó, vì người ta không hiểu khái niệm để dạy cho con được. Ngay cả khái niệm "chữ" và "âm", thế nào là âm đầu, thế nào là âm cuối, thế nào là phần vần, âm đệm, đâu là nguyên âm chính, âm cuối… đều rất khó đối với các phụ huynh và họ lo lắng là điều dễ hiểu.
Bộ sách “Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục lớp 1” gây tranh cãi. Ảnh: HÀ NGUYỄN
Cuốn sách đã được vào trường học như thế nào?
Chương trình CNGD của GS Hồ Ngọc Đại được thí điểm năm 1978, sau đó năm 1985 được mở rộng ra các tỉnh. Đến năm 2000, chương trình được áp dụng tại 43 tỉnh, thành nhưng sau đó bị tạm dừng vì Luật Giáo dục 2005 quy định thực hiện một chương trình, một bộ SGK thống nhất trong cả nước. Năm 2008, chương trình này được quay lại thực hiện ở 8 tỉnh. Năm học 2010-2011, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lúc đó là ông Phạm Vũ Luận đã cho phép thí điểm bộ sách này trong nhà trường. Đến nay, chương trình đã được áp dụng tại 49 tỉnh, thành với hơn 800.000 HS.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình phổ thông mới, cho biết sách "Tiếng Việt - CNGD lớp 1" là tài liệu thực nghiệm khoa học, được phép dạy trong một số trường tiểu học. Do được chỉ đạo ghép với mô hình trường học mới (VNEN), nhiều tỉnh, thành muốn áp dụng VNEN đã tiếp nhận sách này, đưa vào một số trường tiểu học ở địa phương. GS Thuyết khẳng định đây không phải SGK nằm trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, cũng không phải sách viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đầu năm 2017, Bộ GD-ĐT đã cử một số đoàn công tác đi khảo sát, đánh giá hiệu quả thực hiện cuốn "Tiếng Việt - CNGD lớp 1" tại các địa phương trên toàn quốc. Dựa trên kết quả khảo sát thực địa này, ngày 19-4-2017, bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành quyết định thành lập Hội đồng Quốc gia thẩm định cuốn "Tiếng Việt - CNGD lớp 1". Trên cơ sở kết luận của Hội đồng Quốc gia thẩm định, NXB Giáo dục Việt Nam đã tổ chức chỉnh sửa tài liệu và xin lại ý kiến góp ý của hội đồng. Sau khi được hội đồng góp ý, tài liệu này đã được chỉnh sửa, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu giáo dục ở cấp tiểu học.
Nhiều chuẩn mực bị phá vỡ
Nhiều GV cho rằng nhiều chuẩn mực bị phá vỡ trong cuốn sách nhất là khi được dạy cho HS ở độ tuổi tiểu học.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 1, TP HCM cho rằng nguyên tắc cơ bản của SGK phải là tính phổ thông, dễ hiểu, không phân biệt vùng miền. Tuy nhiên, nhìn vào bộ sách, có vẻ như những người biên soạn chỉ soạn sách cho một địa phương nào đó. Chẳng hạn, trong bài học về vần "oe", trong sách công nghệ minh họa bằng hình ảnh và 2 từ "gà qué" và "ngóe". Nhiều phụ huynh kêu trời vì không hiểu con "gà qué" và "con ngóe" là con gì. "Điều này đi ngược với quy chuẩn về ngôn ngữ và tính đại trà trong giáo dục" - vị này nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) từng đặt ra nhiều câu hỏi đề nghị bộ trưởng Bộ GD-ĐT làm rõ trách nhiệm trong việc thử nghiệm bộ sách này. Cuối tháng 10-2017, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có văn bản phúc đáp về kết quả đánh giá tài liệu này. Theo đó, bên cạnh những ưu điểm, hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu này cũng chỉ ra nhiều nhược điểm như mục tiêu giúp HS phát triển kỹ năng nói và nghe chưa được thể hiện trong tài liệu. Các hướng dẫn, hoạt động giúp HS đọc hiểu bài đọc như tìm hiểu nghĩa của từ, nội dung của câu và đoạn văn, trả lời câu hỏi đọc hiểu chưa được chú trọng. Vì vậy, HS có thể đọc thành tiếng văn bản nhưng không hiểu nghĩa.
Bên cạnh đó, tài liệu cũng chưa đáp ứng tốt mục tiêu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, hạn chế này thể hiện rõ nhất qua phần ngữ liệu. Việc rèn luyện cho HS kỹ năng phân tích cấu trúc âm tiết và luyện phát âm đối với HS bản ngữ (tiếng Việt) là không thật sự cần thiết và không phù hợp với phương pháp học bản ngữ….