Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cấp cứu 10 ca bị xé rách tai

(20:02:48 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Trong hai tháng thực thi việc đội mũ bảo hiểm, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương cấp cứu gần 10 ca bị xé rách tai, mà thủ phạm chính là các dây mũ.

Trong hai tháng thực thi việc đội mũ bảo hiểm, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương cấp cứu gần 10 ca bị xé rách tai, mà thủ phạm chính là các dây mũ.

 

Chị Nguyễn Thị Xuân (48 tuổi, ở Bắc Ninh) ngày 28 Tết bị ngã xe do tai nạn giao thông. Ngất đi và 30 phút sau mới tỉnh lại, chị được đưa đến Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương cấp cứu, lúc tỉnh dậy, sờ tai trái thấy bị rách rời, vành tai trái nát gần toàn bộ, máu chảy theo vành tai, bề mặt sưng phù. May là ống tai và màng nhĩ vẫn bình thường.

 

Chị Xuân được các bác sĩ vệ sinh toàn bộ khu vực tai, đồng thời phẫu thuật khâu trả lại hình dạng tai để đảm bảo thẩm mỹ. Chị được hẹn khám lại nhưng đến ngày mùng 9 Tết chưa thấy nhập viện.

 

Theo bác sĩ, vành tai phía ngoài bao gồm da và sụn. Sụn là một tổ chức cấu tạo phức tạp và khả năng phục hồi kém hơn so với da, nên nếu không được chăm sóc, đảm bảo vệ sinh, tai dù được khâu lại vẫn rất dễ có mủ, dẫn đến hoại tử phần sụn, để lại sẹo nhăn nhúm.

 

Ngoài chị Xuân, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương cũng tiếp nhận anh Nguyễn Minh Đức - ở huyện Quốc Oai (Hà Tây). Anh bị tai nạn xe máy từ giữa tháng 1, rách vành tai trái, đã điều trị nội khoa tại bệnh viện tỉnh nhưng vành tai trái vẫn sưng nề, ứ mủ, da cửa tai bị rách.

 

Anh Đức được khâu lại nhưng do sụn vành tai trái đã bị ápxe nên việc phẫu thuật, điều trị sau này chỉ đảm bảo được vết thương khỏi, thẩm mỹ hạn chế. Một trường hợp khác là anh Phùng Xuân Diễn - ở Văn Mỗ (Hà Đông) - sau khi phẫu thuật và điều trị chống nhiễm trùng tới 15 ngày ở bệnh viện cũng không thể phục hồi được vành của cả hai bên tai.

 

Theo các nạn nhân kể lại, khi bị tai nạn giao thông, chiếc mũ thường bị hất lên, chiếc dây quai mũ bằng sợi nylon vừa dai, cứng vừa đanh mặt, có phần sắc lại như một con dao cắt lìa đôi tai của họ.

 

Trực tiếp cấp cứu cho những ca bệnh nhân đặc biệt này, bác sĩ Quách Thị Cần - Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu - cảnh báo: "Đa số đứt gần hết tai, nát hết tai cả hai bên, có người chỉ còn dính lại một chút dái tai, nhìn rất thương tâm.

 

Phần lớn họ chưa bị ảnh  hưởng chức năng nghe. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân như vậy là đáng phải báo động. Tính mạng người tham gia giao thông khi có mũ bảo hiểm được đảm bảo hơn rất nhiều so với khi không đội mũ.

 

Chúng tôi đề  nghị dây mũ bảo hiểm nên được làm bằng dây da hoặc các loại dây mềm, bảo đảm độ dai. Các nhà sản xuất cần lưu ý đến điều này, kể cả những loại mũ bảo hiểm được kiểm định và chứng nhận chất lượng".

 

Không chỉ Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương, mà Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương, bệnh viện Việt - Đức, bệnh viện Việt Nam - Cuba (Hà Nội) cũng đều cấp cứu, điều trị và phẫu thuật cho những bệnh nhân bị đứt tai do mũi bảo  hiểm.

 

Theo khảo sát của PV , quai 95% mũ bảo hiểm trên thị trường hiện được làm bằng dây nylon. Vậy những bệnh nhân đã bị cấp cứu ở các bệnh viện nói trên chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng.

 

(Theo Lao Động)