Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái vùng bờ biển

(21:21:10 PM 24/08/2018)
(Tin Môi Trường) - Ngày 24/8, tại Hà Nội, Ban Điều phối Quốc gia rừng ngập mặn cho tương lai Việt Nam (MFF) phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tổng kết pha 3 – Sáng kiến Rừng ngập mặn cho tương lai”, nhằm chia sẻ các bài học kinh nghiệm về cải thiện sức chống chịu của hệ sinh thái và cộng đồng ven biển.


Chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái vùng bờ biển

Khảo sát, điều tra rừng sinh trưởng rừng ngập mặn tại tỉnh Bình Định. Ảnh: NCS Đỗ Quý Mạnh
 
Phát biểu tại Hội thảo, ông Steen Christensen, Điều phối viên khu vực Sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai nhấn mạnh: Việt Nam là một quốc gia triển khai nhiều dự án về rừng ngập mặn, rất nhiều dự án đã được thực hiện rất tốt. Bên cạnh đó, nhiều dự án còn đang hạn chế trong việc nhắm đến đối tượng cộng đồng. Để giải quyết những hạn chế này, cần có những đoàn đánh giá có chuyên môn cao, tăng khả năng kết nối các nhà đầu tư với các chương trình và dự án phát triển khác liên quan đến quản lý bền vững vùng bờ. 
 
Đánh giá tổng quan về rừng ngập mặn cho tương lai, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Thanh Ca, Trưởng Ban Điều phối Quốc gia rừng ngập mặn cho tương lai Việt Nam cho rằng: Hệ sinh thái biển là một hoạt động có nguồn vốn tự nhiên và tác động mạnh mẽ đến phát triển nền kinh tế. Chương trình rừng ngập mặn cho tương lai liên quan đến hệ sinh thái vùng bờ biển mang đến lợi ích cho con người; cần đẩy mạnh các nguồn vốn tự nhiên, các dịch vụ môi trường, giúp người dân ven biển có nguồn thu nhập ổn định và ứng phó trước thiên tai biến đổi khí hậu. 
 
Tại Việt Nam, Ban Điều phối quốc gia rừng ngập mặn cho tương lai Việt Nam sẽ hỗ trợ các địa phương phát triển các hệ sinh thái vùng bờ biển, sử dụng rừng ngập mặn như một hệ sinh thái tiên phong để công nhận các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng do rừng ngập mặn cung cấp. Chương trình hỗ trợ phát triển, bảo tồn các hệ sinh thái vùng triều - cửa sông, vùng ven biển và biển ven bờ kết hợp với nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý vùng bờ biển, nâng cao năng lực và nhận thức, lồng ghép giới vào các hoạt động. Chương trình sẽ triển khai hoạt động ở hai cấp và quy mô địa lý: ở cấp Trung ương và các địa bàn thí điểm ở địa phương. 
 
Về dự án bảo tồn rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng và mô hình ngân hàng cua ở đầm Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Dương Ngọc Phước, đại diện Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng (CCRD) thuộc Liên hiệp Hội Khọc học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Hiện nay, rừng ngập mặn đã bị thu hẹp nghiêm trọng. Được sự tài trợ bởi Ban Điều phối quốc gia rừng ngập mặn cho tương lai Việt Nam (MFF), dự án đã xây dựng một chiến lược khôi phục và bảo tồn rừng ngập mặn dựa và cộng đồng, kết hợp phát triển rừng ngập mặn cùng sinh kế bền vững. Mô hình thí điểm quản lý và sử dụng tài nguyên rừng ngập mặn bền vững thông qua mô hình ngân hàng cua đã được xây dựng tạo động lực cho việc bảo tồn rừng ngập mặn. 
 
Với mục tiêu chia sẻ để nhân rộng các bài học kinh nghiệm của sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) tới các nhà hoạch định chính sách và các đơn vị quản lý tại địa phương, tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận việc quản lý và bảo tồn các hệ sinh thái ven biển có sự tham gia của cộng đồng; tăng cường quản trị vùng ven biển; phương hướng nhân rộng các kết quả, thực hành tốt của rừng ngập mặn cho tương lai Việt Nam. Đồng thời, các đại biểu đề xuất các bước tiếp theo để tiếp nối cách tiếp cận và hoạt động của sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai. 
 
Sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai là một sáng kiến cấp khu vực Châu Á, do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) thực hiện, nhằm đẩy mạnh đầu tư vào các hệ sinh thái ven biển hướng tới phát triển bền vững. Dự án rừng ngập mặn giai đoạn 3 được thực hiện từ năm 2014 đến nay với 31 dự án nhỏ, 2 dự án vừa, 2 dự án lớn cùng các hoạt động hỗ trợ chính sách quản lý vùng ven biển, hướng tới mục tiêu tăng cường sức chống chịu cho các cộng đồng phụ thuộc vào hệ sinh thái.
Lý Thanh Hương