(Tin Môi Trường) - Luật sư Kiều Anh Vũ, Công ty Luật KAV Lawyers cho rằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được cấp cho những chủ sở hữu chứ không phải cá nhân, tổ chức nào khác. Việc cấp cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn có dấu hiệu không phù hợp với quy định của pháp luật, không đúng với nguồn gốc dinh thự này cũng như không đúng với các căn cứ xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng đất theo quy định.
Khu dinh thự vua Mèo tại Hà Giang - Ảnh: Dân Trí
Liên quan đến việc ông Vương Duy Bảo, cháu nội vua Mèo Vương Chí Sình tại Hà Giang kêu cứu Thủ tướng vì địa phương cấp sổ đỏ khu dinh thự nhà Vương cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang cho rằng việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn là đúng pháp luật.
Cụ thể, Sở TN-MT tỉnh Hà Giang viện dẫn những văn bản quy phạm pháp luật sau để chứng minh: Quyết định 3316/QĐ-UBND ngày 11.11.2006 của UBND tỉnh Hà Giang về quản lý di tích lịch sử, văn hóa đã được nhà nước xếp hạng; Khoản 1, Điều 98 Luật Đất đai năm 2003 quy định đất có di tích lịch sử - văn hóa – danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng thì phải bảo vệ nghiêm ngặt; Khoản 1, Điều 54 Nghị định 181/2004/NĐ-CP về việc thi hành Luật Đất đai quy định: Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh độc lập thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho tổ chức trực tiếp quản lý di tích.
Trước thông tin này, ông Vương Duy Bảo cho rằng khu dinh thuộc sở hữu của gia đình ông, việc cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa huyện Đồng Văn là không đúng. Do đó, ông Bảo đã gửi thư kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, theo thông tin được công bố hiện nay thì có thể thấy rằng việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và khoản 1 Điều 54 Nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn Luật này, cụ thể: “Đất có di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh độc lập thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho tổ chức trực tiếp quản lý di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh”.
Tuy vậy, ngay chính khoản 2 Điều 54 Nghị định 181/2004/NĐ-CP cũng quy định rất rõ: “Đất có di tích lịch sử - văn hoá mà di tích lịch sử - văn hoá đó thuộc sở hữu của tư nhân thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho chủ sở hữu tư nhân”. Ngay cả trường hợp thuộc cộng đồng dân cư thì khoản 3 Điều này cũng quy định: “Đất có di tích lịch sử - văn hoá của cộng đồng dân cư thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho cộng đồng dân cư”.
Điều 5 Luật Di sản văn hóa cũng quy định Nhà nước công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật. Điều 14 Luật này cũng khẳng định tổ chức, cá nhân có các quyền sở hữu hợp pháp di sản văn hóa.
Như vậy, ông Vũ cho rằng nếu dinh thự “vua Mèo” thuộc sở hữu tư nhân (hoặc cũng có thể thuộc sở hữu của cộng đồng dân cư họ Vương – cần làm rõ thêm) hàng trăm năm nay rồi thì mặc dù dinh thự này được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia thì đó vẫn thuộc sở hữu tư nhân (hoặc của cộng đồng dân cư họ Vương).
Do đó, theo ông Vũ, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được cấp cho những chủ sở hữu này chứ không thể cấp cho cá nhân, tổ chức nào khác. Việc cấp “sổ đỏ” cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn là có dấu hiệu không phù hợp với quy định của pháp luật, không đúng với nguồn gốc dinh thự này cũng như không đúng với các căn cứ xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng đất theo quy định.
Cũng theo luật sư này, việc trùng tu hay sử dụng dinh thự này vào những mục đích khác phải tôn trọng quyền sở hữu của những người liên quan, không thể quốc hữu hóa hay cưỡng chế mang tính mệnh lệnh – hành chính được.
Hiến pháp quy định rõ “Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”, “trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”.
Trường hợp có đủ cơ sở xác định dinh thự họ Vương thuộc sở hữu tư nhân thì những người thừa kế hợp pháp của “vua Mèo” cũng cần phải thực hiện các thủ tục hưởng thừa kế di sản theo quy định của pháp luật.
Trả lời báo chí, ông Trần Đình Thành, Cục phó Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho biết, về nguyên tắc, khi Nhà nước công nhận di tích quốc gia không đồng nghĩa với việc buộc chủ sở hữu phải quốc hữu hóa đất và tài sản trên đất. Luật Di sản văn hóa chỉ quy định những điều cần thiết bảo vệ di sản một cách tốt nhất chứ không quốc hữu hóa đất và tài sản trên đất, còn tài sản được quy định rõ trong Bộ luật Dân sự.
Trong trường hợp chủ sở hữu muốn bán thì nhà nước ưu tiên mua trước, nhưng vẫn phải trên cơ sở thoả thuận giữa nhà nước và chủ sở hữu đất đai, tài sản trên đất.
Gia đình họ Vương không hiến tặng, không bán
Theo ông Vương Duy Bảo, khu dinh được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993 nhưng gia đình ông không hề hay biết. Mãi đến năm 2002, UBND tỉnh Hà Giang đã đến vận động gia đình, anh em ông ra khỏi tòa dinh thự này để tỉnh lấy làm bảo tàng thì gia đình mới biết việc này.
Sau đó, bố ông Bảo gửi đơn đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Phạm Quang Nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin đã giải quyết việc này. Trong kết luận nêu rõ: Việc Nhà nước công nhận các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật trên đất nước Việt Nam, trong đó có di tích nhà Vương là sự ghi nhận về mặt pháp lý và tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị ấy trong hiện tại và tương lai. Đó là mục đích và là việc làm đúng đắn, có tác dụng tốt cho cả chủ sở hữu các di tích, cho các địa phương và toàn xã hội. Quyết định này không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người trong gia đình được quyền thừa kế hợp pháp.
Ông Bảo cũng khẳng định: “Gia đình chúng tôi không cho, không bán, không hiến tặng khu dinh cho bất cứ ai. Năm 2002, Nhà nước vận động mọi người trong dinh thự chuyển ra ngoài sinh sống. Sau đó nhà nước hỗ trợ mỗi hộ 30 triệu và hơn 100m2 đất để dựng nhà cửa, tạo thuận lợi cho việc trùng tu và bảo vệ lâu dài dinh thự. Gia tộc họ Vương chưa bao giờ quyết định hiến dinh thự cho Nhà nước”.