(Tin Môi Trường) - Đánh giá về công tác quản lý đất đai trong 2 năm 2016-2017 tại các tỉnh, thành phố phía Bắc, Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn còn nhiều bất cập, 70% số vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai.
Nguyên nhân là do chưa đảm bảo sinh kế cho người bị thu hồi đất, phát sinh nhiều chi phí (như chuyển đổi chỗ ở, việc làm, học hành, đi lại, thu nhập, y tế, tâm lý, hòa nhập cộng đồng nơi ở mới). Cuộc sống “hậu thu hồi đất, hậu tái định cư” của người dân tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi điều kiện đảm bảo về an sinh xã hội chưa cao. Trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng như cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa kịp thời và chặt chẽ.
Anh: IE
Việc xác định giá đất bồi thường cho người dân vẫn còn thấp so với giá thực tế trên thị trường dẫn đến tỷ lệ khiếu kiện về thu hồi, bồi thường ở mức khá cao.
Nhiều vụ khiếu kiện xuất phát từ năng lực đội ngũ cán bộ tại địa phương còn yếu, cơ chế quản lý về thu thuế, phí, lệ phí hiện nay chưa phù hợp, dẫn đến thông tin giá đất thị trường không chính xác (người dân kê khai giá trị hợp đồng giao dịch thấp hơn hoặc bằng với bảng giá Nhà nước quy định, vì nếu kê khai giá cao sẽ bị đánh thuế theo giá kê khai trên hợp đồng). Quy trình xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời về tiến độ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Mặt khác, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất chưa nghiêm. Có không ít những quy định của pháp luật đất đai và những quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan đến đất đai thực thi còn hình thức, chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đất đai còn thiếu và chưa đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Chế độ theo dõi, báo cáo trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, nhất là việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trên thị trường thứ cấp. Trong các giao dịch dân sự có liên quan đến đất đai còn chưa cụ thể về trách nhiệm và cơ chế báo cáo, gây khó khăn trong việc thu thập nắm bắt đầy đủ thông tin, số liệu để đáp ứng nhu cầu quản lý của địa phương cũng như góp phần hoạch định chính sách chung cho các cơ quan Trung ương.
Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tuy đã được đẩy mạnh nhưng vẫn còn tình trạng khiếu nại vượt cấp. Tình trạng trên, ngoài nguyên nhân khách quan, còn do chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chỉ đạo chưa cụ thể, sát sao. Nhận thức về pháp luật đất đai của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; việc đầu tư kinh phí từ ngân sách của các địa phương cho việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý đất đai còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Việc thanh tra, kiểm tra quản lý, sử dụng đất đai chưa được triển khai thực hiện đúng mức.
Để khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, theo ông Lê Thanh Khuyến - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai các cấp cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, quản lý về đất đai trên phạm vi cả nước; tổ chức giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai, kể cả xử lý trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý đất đai để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền, để hoang hóa, lãng phí, chậm đưa đất vào sử dụng mà không xử lý kịp thời. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, tạo điều kiện rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch phòng chống các tiêu cực trong công tác quản lý đất đai.
Các địa phương cần tập trung thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 01 ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đất đai nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay; tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đất đai cho các tổ chức, cá nhân.
Đặc biệt là chú trọng giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện đông người, kéo dài, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và môi trường đầu tư. Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, không đẩy việc lên cấp trên; chủ động tiếp nhận, xử lý, giải quyết triệt để, kịp thời các trường hợp phản ánh của người dân về tình hình vi phạm pháp luật đất đai để người dân tham gia giám sát. Các tỉnh chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai phải khẩn trương hoàn thiện, tạo điều kiện hoàn thành công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ngay tại địa phương.