(Tin Môi Trường) - Chủ đầu tư thực sự đứng sau dự án xây dựng tháp cao 88 tầng tại Vân Đồn từng thụ án tù, bị phạt vì lấn biển ra Vịnh Nha Trang khi xây dựng một dự án ở địa phương này.
Chỉ vài tháng trước khi Landmark 81, tòa nhà cao nhất Việt Nam, chuẩn bị khánh thành tại TP.HCM, một doanh nghiệp khác tuyên bố sẽ xây dựng tòa nhà cao 88 tầng tại Vân Đồn (Quảng Ninh).
Sẽ có tòa nhà cao nhất Việt Nam tại Vân Đồn
UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 xây dựng phân khu B8 thuộc dự án Con đường di sản tại huyện Vân Đồn. Trong quy hoạch Vân Đồn trở thành đặc khu kinh tế, dự án Con đường di sản Vân Đồn được coi là trọng điểm về du lịch của tỉnh Quảng Ninh.
Dự án do Công ty cổ phần Vân Đồn Heritage Road làm chủ đầu tư, có quy mô hơn 3.300 ha, thuộc địa phận 3 xã Hạ Long, Đoàn Kết, Vạn Yên của huyện Vân Đồn, được chia làm 9 phân khu.
Phối cảnh tòa tháp cao 88 tầng tại Vân Đồn. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Một trong các phân khu có tên B8 nằm lại xã Hạ Long, có diện tích 109,63 ha, được chủ đầu tư tuyên bố xây dựng tòa tháp hỗn hợp cao 88 tầng, với quy mô 3.061 phòng, phục vụ khoảng 22.550 người.
Khi hoàn thành, đây dự kiến là tòa nhà cao nhất Việt Nam, vượt qua kỷ lục 461,2 m của Landmark 81 (TP.HCM) hiện tại.
Tháp 88 tầng tại Vân Đồn sẽ có hình chữ V, Quảng Ninh kỳ vọng tòa nhà chọc trời này trở thành biểu tượng của dự án Con đường di sản, tái hiện lịch sử thương cảng Vân Đồn và khẳng định sự phát triển của nơi đây.
Ngoài tòa tháp 88 tầng làm điểm nhấn, phân khu B8 còn các hạng mục lưu trú, dịch vụ khác như 2 khách sạn 18 tầng, một khách sạn 42 tầng; 3 tháp hỗn hợp khách sạn, resort hội nghị cao 43 tầng... với tổng số hơn 4.200 phòng và 156 căn biệt thự hướng biển, 35 căn biệt thự trên biển, 38 căn biệt thự trên mặt nước...
Trong dự án còn các hạng mục khác phục vụ du lịch, như câu lạc bộ biển, câu lạc bộ thể thao dưới nước, bến du thuyền và câu lạc bộ du thuyền, trung tâm tiệc cưới, bến thủy nội địa, công viên cây xanh, bãi tắm công cộng.
Trục giao thông chính của dự án là đường tỉnh 334 với 6 làn xe lưu thông. Đặc biệt dự kiến xây dựng tuyến đường xe điện và tuyến đường sắt trên cao nhằm giải quyết nhu cầu lưu thông giữa Sân bay - Khu đô thị Cái Rồng - Khu Casino và về sân bay.
Ông chủ dự án từng bị phạt vì lấn biển Nha Trang
Chủ đầu tư của dự án Con đường di sản Vân Đồn là Công ty cổ phần Vân Đồn Heritage Road, có vốn điều lệ là 980 tỷ đồng. Công ty này được góp vốn bởi 3 cổ đông sáng lập, là: Công ty Cổ phần Heritage Holdings (sở hữu 68%), Công ty TNHH một thành viên du lịch Mai Quyền (sở hữu 30%), cá nhân Tạ Nguyễn Quỳnh Mai (sở hữu 2%).
Hiện tại, ông Tạ Đức Quyết, một doanh nhân tại Vân Đồn, Giám đốc Công ty Mai Quyền, đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vân Đồn Heritage Road.
Cổ đông góp vốn lớn nhất là Công ty cổ phần Heritage Holdings (sở hữu 68%) được thành lập ngày 10/10/2017, trước 6 ngày thành lập Vân Đồn Heritage Road.
Heritage Holdings có vốn điều lệ 868 tỷ đồng, cũng được góp vốn bằng 3 cổ đông sáng lập.
Vị trí xây dựng dự án Con đường di sản Vân Đồn. Đồ họa: Như Ý.
Ba cổ đông này gồm một cá nhân tên Lê Đình Vinh (22%), Công ty TNHH GID Holding (2%), Công ty Cổ phần Crystal Bay (66%).
Người đại diện theo pháp luật của Heritage Holdings là ông Nguyễn Đức Chi (Chủ tịch Hội đồng quản trị) và ông Lê Đình Vinh là Tổng giám đốc. Ông Nguyễn Đức Chi đồng thời cũng đang là Chủ tịch HĐQT của Crystal Bay.
Crystal Bay thành lập năm 2016, với vốn điều lệ là 260 tỷ đồng. Sau 2 lần tăng vốn, đến tháng 11/2017, vốn điều lệ của Crystal là 1.200 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Đức Chi nắm giữ 60% cổ phần.
Như vậy, ông Nguyễn Đức Chi chính là người nhiều quyền lợi nhất tại dự án Con đường di sản Vân Đồn, trong đó có tòa tháp cao 88 tầng hình chữ V. Ông Chi nổi tiếng với dự án kéo dài gần 15 năm mang tên “Nàng Tiên Cá - Rusalka” tại Nha Trang.
Cụ thể, ông Nguyễn Đức Chi nguyên là Chủ tịch HĐQT của Công ty RIT, chủ đầu tư dự án Nàng tiên cá - Rusalka, với tổng số vốn 15 triệu USD tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa). Giữa năm 2015, khi dự án đang triển khai thì ông Nguyễn Đức Chi bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt tạm giam về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Dự án Champarama Resort & Spa bị cho lấn 1,7 ha trái phép ra Vịnh Nha Trang. Ảnh: Người Lao Động.
Dự án Nàng tiên cá cũng bị cơ quan chức năng thu hồi, chấm dứt hoạt động. Sau quá trình tố tụng, ông Nguyễn Đức Chi bị phạt 4 năm tù giam về tội "sử dụng trái phép tài sản" và 18 tháng tù giam về tội "làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Sau khi ra tù, ông Chi xin tiếp tục thực hiện dự án Nàng tiên cá - Rusalka và đổi tên là Champarama Resort & Spa. Tuy nhiên, dự án này bị UBND tỉnh Khánh Hòa xử phạt vì hành vi đổ đất đá lấn ra vịnh Nha Trang hơn 1,7 ha đất so với ranh giới được giao, không thực hiện giám sát môi trường không khí xung quanh khi xây dựng dự án Champarama Resort & Spa.
Tháng 2 vừa qua, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tiếp tục yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, làm rõ nội dung về dự án Champarama Resort & Spa và một số dự án khác có hoạt động lấn biển, ảnh hưởng đến vịnh Nha Trang.