Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Việt Nam có thể hứng chịu động đất, sóng thần

(23:14:42 PM 17/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Theo chu kỳ, Việt Nam có thể sẽ hứng chịu nhiều trận động đất, dư chấn động đất và sóng thần lớn trong thời gian tới. Sau thảm họa ở Nhật Bản, động đất đã trở thành nỗi lo thường trực của nhiều người dân Việt Nam.

 

Có thể một chu kỳ động đất mới đã bắt đầu

 

TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Trung tâm BTĐĐ CBST), cho rằng sở dĩ vừa qua liên tục xảy ra động đất vì Việt Nam còn các hệ thống đứt gãy hoạt động phức tạp, như: đứt gãy Lai Châu - Điện Biên, đứt gãy sông Mã, đứt gãy Sơn La, đới đứt gãy sông Hồng, đới đứt gãy sông Cả, đứt gãy kinh tuyến 1090 -1100…


Trạm dự báo động đất ở Sơn La - Ảnh: Tư liệu Viện Vật lý địa cầu

 


 

Nghiên cứu lịch sử động đất ở Việt Nam cho thấy cứ 20 - 30 năm lại xuất hiện động đất trên 6 độ Richter. Cụ thể, năm 1923 có động đất mạnh 6,1 độ Richter ở ngoài khơi Vũng Tàu - Phan Thiết; năm 1935, động đất mạnh 6,5 độ Richter ở đới đứt gãy sông Mã và năm 1983, động đất mạnh 6,8Richter ở Tuần Giáo, Điện Biên.

 

GS Nguyễn Tình Xuyên, nguyên phó viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Viện Khoa học – Công nghệ Việt Nam, đặt giả thiết do trục trái đất bị thay đổi từ thảm họa động đất tại Nhật Bản ngày 11/3 vừa qua nên có thể làm thay đổi trạng thái trong lòng đất. “Vì thế, ít nhiều nó sẽ tác động gián tiếp đến những trận động đất khác. Có thể một chu kỳ động đất mới đã bắt đầu” - GS Xuyên nhận định.

 

Theo các kết quả nghiên cứu đã được thực hiện tại Viện Vật lý Địa cầu, các vùng nguồn động đất ở khu vực biển Đông và lân cận có thể gây nên sóng thần ảnh hưởng tới vùng bờ biển Việt Nam như: Riukiu Đài Loan, đới hút chìm Manila, biển Sulu, biển Celebes, vùng biển Ban Đa, Bắc biển Đông, Palawan và Tây biển Đông.

 

Theo tính toán của Bộ Tài nguyên – Môi trường, nếu khu vực rãnh nước sâu Manila xảy ra động đất cường độ 8,3 độ Richter thì có thể tạo nên sóng thần cao 6,2 m ở Quảng Ngãi và 2,1 m ở Nha Trang.

 

Vì sao có nhiều hiện tượng lạ?

 

 

Ngày 4/5, tại thị trấn Di Linh, huyện Di Linh - Lâm Đồng, khu vực giao nhau giữa đường Hai Bà Trưng và Nguyễn Văn Trỗi xuất hiện một vết nứt rộng 10 cm và dài khoảng 500 m, kéo theo hàng loạt nhà dân bị xé nền, nứt tường, có nhà còn bị sập.

 

Đáng chú ý, Lâm Đồng là địa bàn ít chịu tác động của núi lửa và động đất. Rất nhiều người dân đã hoảng loạn trước hiện tượng này.

 

PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, cho rằng nhiều khả năng đây là hiện tượng địa chất thủy văn liên quan đến hoạt động khai thác nước ngầm quá mức, không liên quan đến động đất và núi lửa.

 

Dù vậy, không loại trừ đây là hoạt động địa chất bởi khu vực bị nứt ở thị trấn Di Linh nằm trong đới ảnh hưởng của đứt gãy Bảo Lâm - Tân Hiệp.

 

Đứt gãy Bảo Lâm – Tân Hiệp là đứt gãy vuông góc với hai đới đứt gãy lớn Đa Nhim - Biên Hòa và Tuy Hòa - Biên Hòa.

 

Đây là hai đứt gãy lớn nhất đi qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng và có nguy cơ xảy ra động đất đến 5,5 độ Richter.'

 

 


Mạng lưới trạm dự báo động đất ở Việt Nam

 


 

Một hiện tượng khác cũng đáng lo ngại không kém là việc phun bùn tại Ninh Thuận, nơi được chọn để xây nhà máy điện hạt nhân. Vào đầu tháng 2/2011, tại xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, xuất hiện 4 ụ đất lạ liên tục đùn bùn lên. Điểm phun trào lớn nhất có đường kính khoảng 2,2 m và nhỏ nhất khoảng 1,2 m.

 

TS Doãn Đình Lâm, Trưởng Phòng Trầm tích (Viện Địa chất, Viện Khoa học – Công nghệ Việt Nam), cho biết đây là hiện tượng liên quan đến hoạt động của các túi khí dưới lòng đất. Những điểm có bùn phun trào nằm trong khu vực liên quan đến hoạt động nhiệt độ ở sâu trong lòng đất. Các túi khí này lớn dần và khi tầng chắn yếu đi thì có thể trồi lên trên. Trên đường đi, nếu gặp tầng bùn đất nhão (natri cacbonat), nó sẽ đưa cả lên mặt đất.

 

Theo TS Lê Huy Minh, các hiện tượng trên ít nhiều đều liên quan tới hoạt động địa chất, hoạt động của các đới đứt gãy. Những hiện tượng này cho thấy vỏ trái đất ở khu vực Việt Nam không hoàn toàn bình ổn, động đất cần được theo dõi. Theo chu kỳ, Việt Nam có thể sẽ hứng chịu nhiều trận động đất, dư chấn động đất và sóng thần lớn trong thời gian tới.

 

 

 

 

 Khó dự báo động đất

 

Theo các nhà khoa học, không chỉ ở Việt Nam, các nước tiên tiến như Nhật Bản, Mỹ cũng không thể dự báo chính xác thời điểm xảy ra động đất. Chính vì vậy Nhật Bản mới bị thiệt hại lớn trong trận động đất vừa qua.

 

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có 30 trạm dự báo động đất và sóng thần phân bố khắp cả nước. Trong đó, có 8 trạm đặt cả máy ghi địa chấn và GPS liên tục.

Theo Nguyễn Quyết/Người Lao Động