Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Truyền thuyết về người Cơ Tu nên nhìn nhận khoa học và nhân văn hơn

(10:26:08 AM 09/08/2018)
(Tin Môi Trường) - Dù đã được đọc ở đâu đó, về truyền thuyết tổ tiên và sự hình thành các họ tộc Cơ tu đang sinh sống ở Việt Nam, nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa yên tâm khi đọc những dòng phụ đề (bằng thơ) dưới những khối tượng “Chó ngồi” bằng xi măng, mới được dựng lên vào năm Mậu Tuât ở đầu đường dẫn vào thủ phủ của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Truyền thuyết về người Cơ Tu nên nhìn nhận khoa học và nhân văn hơn

Ảnh minh hoạ: IE 

 
Ai cũng hiểu, truyền thuyết là loại truyện dân gian kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ, có nhiều yếu tố tưởng tượng kỳ ảo, trong đó thể hiện thái độ của người dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử. Nhưng truyền thuyết về người Cơ Tu ở nước ta nói chung, cũng như ở huyện Tây Giang lại rất đa dạng, cần phải có sự chắt lọc, dưới góc nhìn khách quan, khoa học, trước khi định hướng cho giới trẻ và không nên sao chép tùy tiện. Tôi thiển nghĩ:Tây Giang có thể dựng tượng tất cả linh vật, đại diện cho các họ tộc (nếu có) để vừa giáo dục truyền thống vừa tạo sự đoàn kết trong cộng đồng. Để gợi mở và tạo sự tò mò cho giới trẻ, không nên ghi chú bất cứ điều gì, mà để các em tự tìm đọc và phán xét..
 
Theo giới chuyên môn, tộc người CơTu xuất hiên ở nước ta cách đây khoảng 1.000 năm (cuối Thiên niên kỷ thứ nhất, kéo sang đầu Thiên niên kỷ thứ 2) và hiên nay có khoảng hơn 62.000 người, cư trú tập trung ở các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế. Tộc người này có hơn 30 dòng họ chính thức, nhưng do biến động về lịch sử (do hoàn cảnh, bảo mật trong chiến tranh, kết hôn…) nên hiện nay số lượng dòng họ trong cộng đồng người Cơ tu ở nước ta đã lên tới gần 60.
 
Có điều đặc biệt là: tên của các dòng họ trong cộng đồng này thường gắn với các hiện tượng tự nhiên và  gọi theo tên của các loài sinh vật, như: họ con ong, họ con kiến, họ con cá, họ con gấu, họ con vượn, họ con chó,  họ tắc kè, họ rễ cây, họ trôi… Và xuất xứ của những dòng họ này đều gắn với những câu chuyện dân gian của người xưa, được truyền miệng từ đời này qua đời khác.
 
Sự tích dòng họ Zơrâm (họ con chó) kể rằng: tổ tiên của họ gần như bị tuyệt chủng sau thảm họa nước lũ, chỉ có một người đàn bà và một con chó sống sót. Sau đó họ lấy nhau, sinh ra con cháu Cơ tu như bây giờ. Truyền thuyết về dòng họ con ong (Cabhu tô Hiêng) lại kể rằng: người Cơ tu bị đàn ong đốt phải chạy dạt về phương Nam…Chúng ta phải thừa nhận: những truyền thuyết hình thành các dòng họ của người Cơ tu là khá hay và giàu tính nhân văn, nhưng rất tiếc trong đó có những câu chuyện của người xưa, chưa thực sự lô gich lắm và rất không nên sao chép để giáo dục giới trẻ.
 
Chúng ta trân trọng sự tưởng tượng phong phú của những lớp người xưa trong truyền thuyết, nhưng cũng phải có trách nhiệm chắt lọc, làm sáng tỏ về lịch sử và bồi đắp thêm kiến thức và đạo đức cho các thế hệ mai sau. Vì thế, tôi xin mạnh dạn đề xuất  với các nhà chuyên môn, cũng như các nhà quản lý của địa phương: cần nghiên cứu sâu hơn về lịch sử và nhân chủng học, để hoàn thiện hơn những truyền thuyết về tộc người Cơ Tu, nhằm giáo dục truyền thống và khơi dậy niềm tự hào cho nhân dân địa phương.
 
Dù biết rằng: truyền thuyết có sức sống lâu bền, được truyền miệng từ đời nay qua đời khác, nên đặt ra vấn đề chỉnh sửa là rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Nhưng tới hôm nay, dưới  ánh sáng của khoa học hiện đại, cùng khả năng tiếp cận thông tin về lịch sử và sinh học, con cháu chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra sự phi lý của những tình tiết được gán ghép, nhằm tăng thêm sự kỳ ảo cho câu chuyện, như: người  giao phối với chó và coi loài chó là tổ tiên của mình…Nhưng nếu nhìn sâu hơn, thì các tình tiết của những truyền thuyết trên, đều gắn với một phần lịch sử của người Cơ tu ở Việt Nam. Những mảng màu lịch sử này đang dần dần được hé lộ, sau những phát hiện của một người Pháp (Le Pichon) vào những năm ba mươi của thế kỷ trước.
 
Xâu chuỗi những thông tin về: lịch sử, dân tộc học, nhân chủng học, ngôn ngữ học… cộng với những tình tiết chắt lọc từ những câu chuyện hình thành “họ con ong”, “họ con chó”. Chúng ta có quyền khẳng định: đồng bào dân tộc Cơ Tu hiện nay ở Quảng Nam là hậu duệ của một tộc người từ phương Bắc xuống, họ đã sống sót sau những năm tháng bị truy sát rất kinh hoàng của kẻ thù. Chắc chắn con chó đã có công cứu mạng trong một tình huống ngặt nghèo nào đó, nên mới được người Cơ tu tôn vinh là tổ tiên của mình.
 
Chúng ta không có quyền phán xét lịch sử, nhưng lúc này rất cần các nhà chuyên môn nghiên cứu, căn chỉnh sự nhầm lẫn như đã nói trên. Và theo tôi, chúng ta mới là người có lỗi, nếu thấy sợi dây truyền khẩu có đôi chỗ bị nhầm lẫn mà không sửa và tiếp tục truyền bá rộng rãi bằng văn bản là không nên.
Quang Chính - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam