Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Quảng Bình: Trâu, bò ra đồng ăn cỏ phải đóng phí

(07:24:20 AM 09/08/2018)
(Tin Môi Trường) - Ngoài thu phí đồng cỏ, hai hợp tác xã ở Quảng Ninh còn thu phí đồng ruộng đối với gà, vịt. Các hộ dân có máy cày, máy gặt muốn ra đồng sản xuất phải nộp phí bảo trì đường bộ 300.000-500.000 đồng/máy.

Người dân ở xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình đang rất bức xúc vì Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất và HTX dịch vụ Hoàng Vinh buộc người dân phải đóng những khoản phí vô lý. Nếu không đóng, người dân sẽ không được thả trâu, bò ra đồng và sử dụng các loại máy gặt, máy cày.

 

Trâu bò, gà vịt, máy cày, máy gặt đều bị thu phí
 
Người dân cho biết nhiều năm nay, muốn đưa đàn trâu ra ăn cỏ ở cánh đồng trước nhà, họ buộc phải đóng lệ phí cho HTX dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất và HTX dịch vụ Hoàng Vinh. Cụ thể, mỗi năm người dân phải trả lệ phí từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/con.
 
Theo phản ánh của người dân, ngoài thu phí đồng cỏ, hai HTX này còn thu phí đồng ruộng đối với gà, vịt. Các hộ dân có máy cày, máy gặt muốn ra đồng sản xuất phải nộp phí bảo trì đường bộ 300.000-500.000 đồng/máy.
 
Chị Võ Thị L. (thôn Thống Nhất, xã An Ninh), nhà có năm con trâu, bức xúc cho biết từ nhiều năm nay, chị L. muốn lùa đàn trâu ra ăn cỏ ở cánh đồng trước nhà thì phải đóng lệ phí cho HTX dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất. Năm nay, giá trâu rẻ nên người dân xin hạ mức phí nhưng HTX không chấp nhận. Nếu không nộp, HTX phát hiện sẽ xua đuổi trâu, bò đi nơi khác.
 

Quảng Bình: Trâu, bò ra đồng ăn cỏ phải đóng phí

 
 
Thu phí đồng cỏ để… “bảo vệ cây lúa”?
 
Ông Trương Văn Long, Chủ tịch xã An Ninh, xác nhận sau khi nhận được thông tin, xã đã cử người xuống địa phương để kiểm tra tình hình thì xác định hai HTX nói trên đã có những khoản thu lệ phí trâu, bò ăn cỏ.
 
Chủ tịch xã này khẳng định việc thu tiền trâu, bò ăn cỏ, bảo trì đường bộ đối với những người có máy cày, máy gặt không phải là chủ trương của xã.
 
Cũng theo ông Long, hai HTX trên cho biết có một số bờ đập ở khu nội đồng mà liền kề với đất sản xuất thì HTX thống nhất với các hộ dân ai có nhu cầu khai thác những đồng cỏ đó để chăn nuôi thì phải đăng ký. Và việc thu phí là nhằm gắn với trách nhiệm bảo vệ diện tích cây trồng của người chăn nuôi, cụ thể là để bảo vệ cây lúa. Hai HTX cho rằng nếu không có các khoản thu thì người dân sẽ ồ ạt thả trâu, bò ra các bờ đê, lúc đó các HTX không quản lý được.

Sẽ xử nghiêm và yêu cầu khắc phục hậu quả

 
Sau khi nhận được phản ánh về sự việc từ cơ quan báo chí và văn bản báo cáo của UBND xã An Ninh, trong chiều cùng ngày huyện đã giao cho Phòng NN&PTNT và Phòng Tài chính xuống địa phương để ghi nhận sự việc.
 
Quan điểm của huyện là nếu xảy ra sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm các HTX theo quy định của pháp luật và sẽ yêu cầu khắc phục hậu quả.
 
Ông PHẠM TRUNG ĐÔNG, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, Quảng Bình

“Xã có đồng cỏ đâu mà bán!”
 
Nói xã bán đồng cỏ, thu lệ phí đồng cỏ thì thực chất không phải vì xã cũng không có đồng cỏ để bán, để thu lệ phí đâu. Đồng thời việc thu lệ phí bảo trì đường bộ cũng vậy, xã không có chủ trương thu các khoản này.
 
Ông TRƯƠNG VĂN LONG, Chủ tịch xã An Ninh, huyện Quảng Ninh,  Quảng Bình
 
(Theo PLO)