Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bìa cuốn "Hương thiền ngàn năm" của Hòa thượng Thích Giác Toàn - bút hiệu Trần Quê Hương
Trao đổi với báo chí trước lễ ra mắt cuốn Hương thiền ngàn năm, Hòa thượng Thích Giác Toàn - bút hiệu Trần Quê Hương cho biết: Trong thế giới thơ văn phong phú và đa dạng của Việt Nam, thơ thiền như đóa hoa khiêm nhường, lặng lẽ đóng góp vào dòng chảy của văn học nước nhà, và đặc biệt nở rộ dưới thời Lý - Trần. Những thiền sư tên tuổi thời Lý - Trần đều có chung mối quan tâm đến vận mệnh của đất nước, cũng như bày tỏ quan điểm trị nước đặc sắc của Phật giáo như thiền sư Pháp Thuận, Khánh Văn, Vạn Hạnh…
Thơ thiền Lý - Trần có sức sống mãnh liệt trong lòng dân tộc, từ thế hệ này qua thế hệ khác, là nguồn cảm hứng vô tận cho những người yêu thơ, chuyển thơ từ chữ Hán sang chữ Việt. Năm 2005, nhà thơ Nguyễn Duy đã chọn lọc 30 bài thơ thiền Lý - Trần tinh túy để thực hiện quyển thơ thiền Lý - Trần in trên giấy dó, với các bản dịch sang thể lục bát và tiếng Anh và triển lãm tại Đại học Đại học Suffolk, Boston (Mỹ).
Đầu năm 2010, ý niệm về sự kiện lịch sử trọng đại 1.000 năm, kể từ lúc vua Lý Thái Tổ đời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long (Hà Nội ngày nay) vì “mưu kế cho con cháu muôn đời”, đã gây xúc động cho Hòa thượng Thích Giác Toàn, làm nảy sinh tâm nguyện “làm một việc gì đó để bày tỏ tấm lòng tri ân non sông đất nước, tiền nhân, chư vị tổ sư, thiền sư đã hiện hữu, gắn bó và tích cực dấn thân trong tinh thần “ưng vô sở trụ” để bồi đắp cho nền tảng mối tương quan mật thiết Đạo pháp - Dân tộc bền vững trong hơn một ngàn năm qua”.
Làm thế nào để chuyển tải tính triết lý Phật giáo và tính nhân văn của các bậc tiền nhân qua các tác phẩm họ để lại đến với người đọc, người nghe? Hòa thượng Thích Giác Toàn đã quyết định chọn hình thức thơ lục bát để chuyển thể, bởi thơ lục bát thân thuộc với người đọc, từ người bình dân cho đến các bậc đại khoa bác học, dễ đi vào lòng người và “có khả năng dung hóa vô cùng, như những lời ca dao tục ngữ trên môi bà mẹ Việt Nam, chứa đựng kho tàng triết lý thậm thâm” (lời Hòa thượng Thích Trí Quảng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam).
Cứ thế, từ đầu năm 2010 cho đến tháng 7.2010, từng câu lục bát, từng bài thơ tích tụ, như suối chảy đầy hồ, cuốn Hương thiền ngàn năm hiện hữu, dày gần 700 trang, với tổng cộng 2.783 câu thơ lục bát, được Hòa thượng Thích Giác Toàn chuyển thể từ 120 tác phẩm (thi kệ, phú, tản văn) của 37 thiền sư (32 vị đời Lý và 5 vị đời Trần) khởi đầu bằng bài thi kệ của thiền sư La Quý (852-936) và kết thúc bằng những tác phẩm của thiền sư Huyền Quang. 120 bài thơ văn trong cuốn Hương thiền ngàn năm được chuyển thơ thanh thoát, ý vị, đôi chỗ phóng túng nhưng ý tưởng cao vời của nguyên tác vẫn được Hòa thượng nhất mực tôn trọng..
Từ trước đến nay, các tác giả chuyển thể thơ thiền Lý - Trần sang thơ lục bát không phải ít, nhưng đây là lần đầu tiên với số luợng 2.783 câu thơ lục bát được chuyển thể trong Hương thiền ngàn năm của Hòa thượng Thích Giác Toàn đã góp phần làm nên sự phong phú cho khu vườn thi ca Phật giáo, và Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam trân trọng trao tặng danh hiệu kỷ lục Người chuyển thể thơ văn các thiền sư Lý - Trần sang thơ lục bát nhiều nhất đến Hòa thượng.
Chào mừng Kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hương thiền ngàn năm là một trong những món quà tinh thần vô giá đối với Phật giáo Việt Nam, là tặng phẩm được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam chính thức trao tặng đến Ban tổ chức đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.