Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sắp được chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21

(12:56:13 PM 23/07/2018)
(Tin Môi Trường) - Vào rạng sáng 28.7, người dân Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới sẽ được chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ thú nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21, kéo dài 103 phút.

Người dân Việt Nam sắp được chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21

Người dân trên khắp lãnh thổ Việt Nam có thể quan sát nguyệt thực toàn phần vào rạng sáng 28.7- ẢNH: HỘI THIÊN VĂN HỌC VIỆT NAM
 
Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn học Việt Nam, nguyệt thực là hiện tượng mặt trăng tối hơn và có màu đỏ thẫm khi đi vào vùng tối của trái đất. Nguyệt thực gồm 3 pha cơ bản là nửa tối, một phần và toàn phần.
 
Vào ngày 28.7, người dân có thể quan sát nguyệt thực trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, từ 0 giờ 14 phút đến 6 giờ 28 phút.
 
Diễn biến nguyệt thực tại Việt Nam cụ thể như sau (theo giờ Việt Nam): 0 giờ 14 phút, mặt trăng đi vào vùng bóng nửa tối. Tuy nhiên, ở pha nửa tối nhìn bằng mắt thường khó nhận thấy sự thay đổi màu sắc của mặt trăng. 1 giờ 24 phút, bắt đầu pha một phần; 2 giờ 30 phút, bắt đầu pha toàn phần; 3 giờ 21 phút, nguyệt thực cực đại (mặt trăng đi sâu nhất vào bóng tối của trái đất); 4 giờ 13 phút, kết thúc pha toàn phần; 5 giờ 19 phút kết thúc pha một phần; 6 giờ 28 phút kết thúc pha nửa tối.
 
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn cho hay, người quan sát ở Việt Nam sẽ không theo dõi được pha nửa tối trước khi kết thúc hiện tượng nguyệt thực do khi đó trời đã sáng và mặt trăng lặn xuống dưới chân trời. Tuy nhiên, việc này không có gì đáng tiếc khi nguyệt thực đã kéo dài nhiều giờ.
 
“Đáng chú ý, pha toàn phần kéo dài rất lâu với tổng cộng 103 phút, khiến cho nguyệt thực lần này là nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21.
 
Sở dĩ có sự chênh lệch về độ dài là do bóng của trái đất khá lớn. Đường đi của mặt trăng càng đi gần qua trung tâm của vùng bóng tối thì nó càng mất nhiều thời gian để đi qua đó và do đó nguyệt thực toàn phần càng kéo dài”, ông Sơn cho hay.
 
Theo ông Sơn, nguyệt thực có thể quan sát bằng mắt thường và không gây hại đối với mặt. Tuy nhiên, nếu có một chiếc kính thiên văn và ống nhòm hoặc máy ảnh, máy quay phim có độ phóng đại quang học tương đối cao, người quan sát sẽ thấy hiện tượng này thú vị hơn rất nhiều.
 
"Để theo dõi hiện tượng này một cách hoàn chỉnh, nơi quan sát có góc nhìn rộng về hướng đông. Đây là một trong những nguyệt thực đặc biệt nhất của thế kỷ 21. Vì vậy, chúng ta hy vọng điều kiện thời tiết thuận lợi để có thể theo dõi hiện tượng này", ông Sơn chia sẻ.
 
Đây là nguyệt thực toàn phần lần thứ 2 diễn ra trong năm 2018. Trước đó, tối 31.1 cũng đã diễn ra nguyệt thực toàn phần. Sau hiện tượng lần này, người quan sát ở Việt Nam phải đợi tới tháng 5.2021 để được ngắm nguyệt thực toàn phần tại khu vực các tỉnh miền Nam. Còn người dân ở khu vực miền Bắc phải đợi đến tháng 11.2022 để có thể quan sát hiện tượng này.
 
Theo anh Nông Hoàng Sơn, Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội, Hội sẽ tổ chức quan sát hiện tượng này từ 23 giờ 30 ngày 27.7 tại Công viên Giao lưu (phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) dành cho những người yêu thiên văn.
 
Ngoài ra, người dân cũng có thể tự quan sát ở nhà bằng cách chọn cho mình một khu vực rộng rãi nhất và trong lành nhất có thể, càng tránh xa ánh đèn đô thị càng tốt.
(Theo TNO)