Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nhiều diện tích rừng phòng hộ ở Tiền Giang mất trắng do xâm thực mạnh

(22:41:36 PM 18/07/2018)
(Tin Môi Trường) - Những năm gần đây, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tình hình xâm thực khiến diện tích rừng phòng hộ mất nhanh chóng, uy hiếp an toàn tuyến đê biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

 Nhiều diện tích rừng phòng hộ ở Tiền Giang mất trắng do xâm thực mạnh

Ảnh: IE

 
Rừng phòng hộ ven biển Gò Công, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang là tấm lá chắn vững chắc trong việc bảo vệ đê điều, sản xuất và đời sống của hàng chục ngàn hộ dân sống dọc tuyến bờ biển dài trên 20km thuộc các xã Tân Thành, Tân Điền, Vàm Láng, Kiểng Phước, Gia Thuận, huyện Gò Công Đông. 
 
Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang, trước đây, đai rừng phòng hộ dày từ 100-700m. Những năm gần đây, đặc biệt từ khoảng năm 2000 tới nay, hiện tượng xâm thực rừng phòng hộ, suy thoái rất lớn, chiều dài mất rừng trên 6.500m. Biển đang xâm thực mạnh gây ra xói mòn và sạt lở khiến nhiều diện tích rừng phòng hộ trên tuyến đê biển mất trắng, đe dọa an toàn đê biển... 
 
Xâm thực và tốc độ mất rừng phòng hộ trên toàn tuyến mỗi năm thêm gay gắt, đặc biệt khi mùa gió chướng thổi mạnh, tốc độ xâm thực của biển khiến đai rừng ngoài đê ngày càng mỏng hơn. Nhiều diện tích rừng phòng hộ trước đây do bị xâm thực mạnh, xói lở đã ăn sâu vào sát chân đê, những dải rừng cũ giờ chỉ còn là các gốc cây chết khô  trơ trọi. 
 
Vào mùa gió chướng thổi mạnh, từng đợt sóng đánh mạnh vào chân đê, đe dọa an toàn đê điều và tính mạng nhiều hộ dân sinh sống trong khu vực. Đặc biệt, khu vực đê biển hầu như không trồng mới lại được cây, rất khó khắc phục. Hiện tỉnh Tiền Giang đã có một số giải pháp như, kè lát mái bằng bê tông và sử dụng kè mềm nhằm hạn chế sóng, gây bồi, tạo bãi. 
 
Ông Nguyễn Thiện Pháp cho biết thêm, biện pháp kè mái đê để bảo vệ rừng và đê điều hiện nay chỉ là giải pháp tình thế. Để đảm bảo an toàn đê điều, ở ngoài phía biển phải có công trình giảm sóng, gây bồi, tạo bãi trồng rừng. Tức là, trước đê biển  phải có đai rừng phòng hộ thấp nhất là 200m mới an toàn về đê điều trước tác động của biến đổi khí hậu. 
 
Hiện nay, trên tuyến đê biển, ngoài vấn đề kè, lát mái, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư thử nghiệm đoạn kè mềm được 1.400m. Sau hơn một năm đưa vào sử dụng đã có hiệu quả tạo bồi, ngành hữu quan tỉnh đã cho trồng thử một số cây để khảo sát độ phát triển. 
 
Đê biển Gò Công nằm trong vùng bảo vệ dự án ngọt hóa Gò Công, diện tích tự nhiên khoảng 54.000ha, trong đó có khoảng trên 30.000ha lúa, trên dưới 7.000ha cây ăn trái và hoa màu, bảo vệ cho trên 500.000 dân. Nếu như an toàn đê biển không được đảm bảo sẽ ảnh hưởng rất lớn về đời sống vật chất cũng như tinh thần người dân trong khu vực.
Nam Thái