(Tin Môi Trường) - Nhà thờ Đức Bà, tòa nhà cao nhất Việt Nam, trung tâm mới Thủ Thiêm ở quận 2 và nhiều địa danh khác ở TP.HCM được các nhiếp ảnh gia ghi lại
Vương cung Thánh đường Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn (người dân quen gọi là Nhà thờ Đức Bà) tọa lạc giữa trung tâm thành phố (số 1 Quảng trường Công xã Paris, quận 1). Ảnh: Đặng Quyền.
Chợ Bến Thành, quận 1 có diện tích 13.056 m2. Ngành hàng kinh doanh chủ yếu là quần áo, vải sợi, giày dép, thời trang, hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm tươi sống, trái cây, hoa tươi. Ảnh: Phuc Dinh.
UBND TP.HCM 129 năm tuổi. Một phần của trụ sở đã được công nhận di tích, mang ý nghĩa lịch sử. Ảnh: Dũng Phạm.
Tòa nhà Bitexco tại trung tâm quận 1, TP.HCM nhìn từ bên kia sông Sài Gòn, được xây dựng trên diện tích gần 6.100 m2. Tổng vốn ước tính khoảng 400 triệu USD, do tập đoàn Bitexco Group đầu tư. Theo thiết kế, chiều cao từ mặt đất đến đỉnh là 269 m, cao nhất tính đến thời điểm hoàn thành, và cao thứ 4 trong các cao ốc ở Việt Nam hiện nay, xếp sau tòa Landmark 81, Hanoi Landmark Tower và Lotte Center Hanoi. Tại thời điểm khánh thành năm 2010, Bitexco Financial Tower cao thứ 110 thế giới. Ảnh: Đặng Quyền.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ nằm trong dự án nâng cấp, cải tạo có tổng kinh phí gần 430 tỷ đồng. Công trình có chiều dài 640 m, rộng 64 m, mặt đường và vỉa hè quảng trường được lát đá tự nhiên. Công trình hoàn thành vào cuối tháng 4/2015 để chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Đạt Vũ Nguyễn.
Quận 2 sẽ là trung tâm mới của TP.HCM với tổng diện tích tự nhiên toàn thành phố là 2.095,5 km2. Đất xây dựng đô thị đến năm 2025 khoảng 90.000-100.000 ha. Trong đó, khu vực nội thành khoảng 49.000 ha và khu vực ngoại thành khoảng 40.000-50.000 ha. Ảnh: Dũng Phạm.
Sắc màu rực rỡ khu quận 1, xa xa là quận 2 và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Lê Minh Tân.
Bình minh Sài Gòn nhìn từ Thủ Thiêm. Khu đô thị mới thuộc quận 2 này có diện tích 7 km2, là một dự án phát triển đô thị mới tại bán đảo Thủ Thiêm, đối diện quận 1 qua sông Sài Gòn. Ảnh: Dương Minh Khuê.
Bóng chiều trên thành phố, đoạn vòng xoay Quách Thị Trang, nơi đang xây dựng công trình tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Huỳnh Thanh Huy.
Bến Nhà Rồng nhìn từ trên cao. Đây là cụm di tích kiến trúc - bảo tàng nằm bên sông Sài Gòn, quận 4. Nơi đây từng là trụ sở của hãng vận tải Messageries maritimes tại Sài Gòn từ năm 1864 đến năm 1955. Ảnh: Kiều Anh Dũng.
Cầu Bình Lợi 2 (thuộc dự án Tân Sơn Nhất - cầu Bình Lợi và đường vành đai ngoài, thông xe năm 2013. Cầu có chiều dài 975 m với 8 làn xe mang kiểu dáng kiến trúc cầu vòm Nielsen do Công ty GS Engineering & Construction, Hàn Quốc đầu tư. Ảnh: Minh Hà.
Cầu Công Lý bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Cầu nằm trên trục đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa và là cửa ngõ ra vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: Bành Tuấn Anh.
Cầu Phú Mỹ là cây cầu dây văng lớn nhất TP.HCM bắc qua sông Sài Gòn nối quận 2 và quận 7, thuộc đường vành đai ngoài. Tổng mức đầu tư 2.076 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Phụng.
Cầu Sài Gòn nhìn từ hướng quận 2 qua quận Bình Thạnh. Ttrước năm 1975 cầu này có tên là Tân Cảng, là một trong những cây cầu bắc qua sông Sài Gòn nối đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) với xa lộ Hà Nội (quận 2). Khi hầm Thủ Thiêm được xây dựng xong đây vẫn là cửa ngõ chính để ra vào nội đô. Ảnh: Nguyễn Phụng.
Toà tháp mang tên The Landmark 81, với độ cao dự kiến 461 m (cao nhất Việt Nam), gồm 81 tầng được xây dựng tại khu vực quận Bình Thạnh, TP.HCM. Khi hoàn thành, công trình này vượt khoảng 100 m so với tòa nhà cao thứ hai là Keangnam Landmark 72 (cao 336 m) tại Hà Nội. Ảnh: Võ Hoàng Vy.